Tháng 4/2013, Nhựa Bình Minh đánh dấu năm thứ 2 liên tiếp giữ ngôi vua trong ngành nhựa. Bằng cách nào? Nhựa Bình Minh làm gì để vượt lên và giữ khoảng cách với anh cả Tiền Phong?
Qua mặt "anh cả" một thời
Công ty Nhựa Bình Minh đã trở thành công ty niêm yết hàng đầu Việt Nam công bố chi trả cổ tức khủng năm 2012 cho cổ đông lên đến 70%, trong khi vị trí thứ hai thuộc về Nhựa Tiền Phong - doanh nghiệp từng có một thời gian dài thống trị thị trường - với mức chi trả cổ tức 25%.
Thị giá cổ phiếu của Nhựa Bình Minh đầu tháng 5/2013 ở mức 65.000 đồng/cổ phiếu, trong khi giá cổ phiếu của Nhựa Tiền Phong là 43.000 đồng. Doanh số năm 2012 của Nhựa Bình Minh đạt 1.890,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 375 tỷ đồng. Trong khi đó, Nhựa Tiền Phong mặc dù có doanh thu lên đến 2.363 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 290 tỷ đồng.
Nếu như vào năm 2011, lợi nhuận sau thuế của Nhựa Bình Minh là 293 tỷ đồng, cao hơn 34 tỷ so với lợi nhuận sau thuế của Nhựa Tiền Phong (259 tỷ đồng) thì hết năm 2012, khoảng chênh này đã lên đến 85 tỷ, tăng 250%.
Lẽ dĩ nhiên, Nhựa Tiền Phong cũng không ngồi im chịu lép. Thị trường nhựa Việt Nam hẳn sẽ được chứng kiến nỗ lực giữ ngôi vị đầu bảng của Nhựa Bình Minh cũng như cuộc "chiến đấu" căng thẳng của Nhựa Tiền Phong để thu hẹp khoảng cách cạnh tranh đang ngày càng bị kéo giãn.
Cuộc bứt phá của Nhựa Bình Minh
Nhựa Bình Minh đã mất 5 năm cho việc chuẩn bị soán ngôi vua với tốc độ tăng trưởng doanh số là 63% và lợi nhuận sau thuế là 45%. Để làm được điều này, doanh nghiệp đã dựa vào ba chân kiềng chiến lược là phát triển sản phẩm mới để tận dụng mọi cơ hội kinh doanh; xây dựng hệ thống kinh doanh bền vững và quản lý hiệu quả nhằm tiết kiệm chi phí.
Nhìn từ khía cạnh phát triển sản phẩm và công nghệ, sau 35 năm có mặt trên thị trường, Nhựa Bình Minh hiện sở hữu hơn 100 dàn máy đùn, ép thế hệ mới, sử dụng quy trình công nghệ tiên tiến của Ðức, Ý, Áo, Canada và hàng chục thiết bị phụ trợ có tổng công suất thiết kế lên đến 70.000 tấn sản phẩm/năm tại 3 nhà máy ở cả hai miền Nam và Bắc.
Ðể bảo đảm phát triển bền vững những năm về sau, Nhựa Bình Minh đã chuẩn bị triển khai dự án nhà máy thứ tư, nhà máy mới này đi vào hoạt động, tổng công suất của công ty sẽ tăng lên gấp ba lần so với hiện nay, đáp ứng cơ bản về nhu cầu ống nhựa của cả nước.
Hệ thống kinh doanh của công ty này cũng đang được hoàn thiện. Vỏn vẹn từ ba cửa hàng vào thập niên 1980, đến nay Bình Minh đã có hơn 700 cửa hàng trong hệ thống và hàng nghìn cửa hàng ngoài hệ thống, phủ kín hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Doanh thu bán hàng qua hệ thống này chiếm tới 90% doanh thu của công ty.
Tuy nhiên, điều đáng nói nhất là cùng lúc với việc gia tăng sản phẩm mới, cải tiến chất lượng sản phẩm và phát triển hệ thống bán hàng, Nhựa Bình Minh là một trong những công ty hiếm hoi trên thị trường Việt Nam chú trọng quản lý tốt chi phí. Đây cũng là thế mạnh cạnh tranh cơ bản đã khiến cho Nhựa Bình Minh bứt phá từ hàng thứ 2 tiến tới soán ngôi vua của Nhựa Tiền Phong.
Thử nhìn lại chi phí của cả Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh vào năm 2011, năm quyết định phân chia ngôi vị của hai công ty để có thể thấy rõ điều này. Mặc dù doanh thu thuần của Nhựa Tiền Phong là 2.343 tỷ đồng, bằng 1,3 lần so với doanh thu thuần 1.826 tỷ đồng của Nhựa Bình Minh trong năm 2011, nhưng các chi phí của Nhựa Tiền Phong lại ở mức cao hơn đáng kể.
Ví dụ, chi phí bán hàng của Nhựa Tiền Phong cao gấp gần 5 lần so với Nhựa Bình Minh (257,3/52,3 tỷ đồng). Chi phí tài chính của Nhựa Tiền Phong cao gấp gần 9 lần so với Nhựa Bình Minh (76,7/8,7 tỷ đồng), trong đó chỉ tính riêng chi phí lãi vay của Nhựa Tiền Phong đã cao gần 42 lần so với Nhựa Bình Minh (42,7/0,85 tỷ đồng). Và cuối cùng là chi phí quản lý của Nhựa Tiền Phong cao hơn khoảng 2,3 lần so với Nhựa Bình Minh (95,8/41,3 tỷ đồng).
Và chiến lược thận trọng để duy trì vị trí hàng đầu
Tuy nhiên, sau 2 năm bứt phá mạnh mẽ, năm 2013 đang được coi là năm thận trọng của Nhựa Bình Minh. Tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông ngày 25/4/2013 vừa qua, ban lãnh đạo công ty đưa ra các chỉ tiêu doanh thu chỉ tương đương với năm 2012.
Thậm chí lợi nhuận trước thuế ước sẽ giảm khoảng 10,6%. Đồng thời, Nhựa Bình Minh dự kiến tiếp tục chính sách quản lý tốt chi phí và giãn thời gian, tính toán hạn mức chi phí phù hợp cho các dự án đầu tư lớn là dự án di dời nhà máy hiện hữu tại quận 6, TP.HCM và triển khai xây dựng nhà máy thứ 4 tại Long An.
Hiện nay, công ty này đã có 3 nhà máy, với tổng công suất thiết kế 80.000 tấn/năm. Theo ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc Nhựa Bình Minh, dự án nhà máy thứ 4 của công ty có vốn đầu tư khoảng 1.000 - 1.200 tỷ đồng. Nhà máy được trang bị hệ thống máy móc thiết bị hiện đại, tự động hóa có thể sản xuất các sản phẩm truyền thống cũng như nhiều sản phẩm nhựa khác khi thị trường cần.
Tuy nhiên, dự án sẽ được phân kỳ đầu tư. Trong giai đoạn 2013-2014 thì vốn đầu tư chỉ khoảng 143 tỷ đồng, công ty sẽ dùng vốn tự có để trả tiền thuê đất (dự kiến 40 tỷ đồng), chuẩn bị phương án xây tường rào, san lấp mặt bằng...
Riêng dự án xây dựng cao ốc tại trụ sở chính 240 Hậu Giang, quận 6, TP.HCM, Nhựa Bình Minh hiện đã góp vốn 26% vào Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh Bất động sản Bình Minh Việt để xây dựng cao ốc này. Nhưng do tình hình thị trường bất động sản đang không thuận lợi và công ty chưa bị áp lực di dời nhà máy hiện hữu nên dự án đang dừng ở giai đoạn tiếp tục hoàn thiện các thủ tục cấp phép đầu tư, phê duyệt quy hoạch và tiến hành các công việc chuẩn bị đầu tư chờ thời điểm triển khai thích hợp.
Cùng lúc, Nhựa Bình Minh vẫn tiếp tục giữ vững nhịp tăng trưởng kinh doanh. Kết quả kinh doanh quý I/2013 cho thấy, doanh số của công ty vẫn tăng 6%, lợi nhuận sau thuế tăng 3% so cùng kỳ. Đáng nói là đến hết quý I/2013, công ty vẫn có một lượng tiền mặt dồi dào với hơn 400 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng.
Theo đánh giá của các nhà kinh doanh nhiều kinh nghiệm trên thị trường, chiến lược khôn khéo này sẽ giúp Nhựa Bình Minh tiếp tục có thể giữ ngôi vương ngành nhựa trong năm nay và một vài năm tới.
Theo Thanh Lan
Diễn đàn doanh nghiệp