Với mảng kinh doanh game đem lại lợi nhuận khổng lồ cùng với hệ thống thanh toán trực tuyến cạnh tranh với Alipay của Alibaba và We Chat, có thể coi Tencent là mối đe dọa thực sự đối với Alibaba.
Twitter bị chặn ở Trung Quốc. Tuy nhiên, có vẻ như người Trung Quốc là nhóm người "tweet" nhiều nhất trên thế giới. Họ cập nhật trạng thái qua Weibo – dịch vụ tiểu blog giống với Twitter được vận hành bởi công ty Internet Sina. Mặc dù rất nhiều trong số 500 triệu tài khoản Weibo không hoạt động, hàng triệu người sử dụng dịch vụ này hàng ngày.
Mức độ phổ biến của Weibo đã thu hút được sự chú ý của Alibaba – công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc. Hôm 29/4 vừa qua, Alibaba thông báo sẽ mua lại 18% cổ phần của Sina Weibo với giá 586 triệu USD. Cũng theo thỏa thuận này, Alibaba có thể lựa chọn nâng tỷ lệ lên tới 30%. Sina Weibo được định giá 3,3 tỷ USD. Tuy nhiên, tại sao Alibaba (vốn được dự báo sẽ sớm IPO) lại đưa ra quyết định này?
Alibaba có thể là một "ông vua" thương mại điện tử khi thực hiện khối lượng giao dịch lớn hơn cả của Amazon và eBay cộng lại. Tuy nhiên, mảng truyền thông xã hội có thể được coi là một điểm yếu nghiêm trọng của hãng. Trong khi đó, mua sắm là một hiện tượng xã hội ở Trung Quốc. Không phải chỉ bộ phận phụ nữ trẻ tuổi mới có nhu cầu thảo luận về quần áo và giày dép với các cô bạn gái của họ. Nam giới cũng thường bàn tán về quần áo và đồng hồ.
Do đó, theo lời khẳng định của chủ tịch Alibaba Jack Ma, sự kết hợp giữa Weibo và Alibaba sẽ kết nối thương mại điện tử và truyền thông xã hội nhằm đem những "dịch vụ độc đáo nhất và có giá trị nhất" đến với người dùng Weibo. Thương vụ này cũng có thể giúp Sina thu được nhiều tiền hơn từ Weibo. Về phía Alibaba, hãng có thể mở rộng nền tảng thương mại điện tử trên các thiết bị di động. Đây là thị trường đang ở giai đoạn bùng nổ mạnh mẽ nhưng Alibaba vẫn chưa thể kiểm soát.
Hai bên vẫn chưa tiết lộ các thông tin chính xác về thương vụ này. Tuy nhiên, vẫn có thể đoán được Sina và Alibaba đang dự định sẽ kết nối và khai thác lượng dữ liệu khổng lồ về người tiêu dùng mà họ đã thu thập được. Nói một cách khác, mối liên kết này sẽ là một trong những ví dụ tuyệt vời nhất minh họa cho big data (tạm dịch: các kho dữ liệu cực lớn).
Đánh bại Tencent – một "đại gia" Internet khác của Trung Quốc - cũng là động lực lớn thúc đẩy thương vụ này. Tencent vốn nổi tiếng với các trò chơi trực tuyến và các dịch vụ nhắn tin đơn giản. Tuy nhiên, cải tiến lớn nhất của Tencent chính là WeChat – dịch vụ đang lan tỏa ở Trung Quốc với tốc độ chóng mặt. WeChat cũng tích hợp các tính năng tương tự như Twitter, Facebook và một số mạng xã hội khác. Tencent nuôi tham vọng sẽ biến WeChat thành sản phẩm thành công vang dội cả ở nước ngoài.
Tencent cũng vừa tuyên bố có ý định đặt cược vào thị trường thương mại điện tử. Với mảng kinh doanh game đem lại lợi nhuận khổng lồ cùng với hệ thống thanh toán trực tuyến cạnh tranh với Alipay của Alibaba và We Chat, có thể coi Tencent là mối đe dọa thực sự đối với Alibaba.
Theo Thu Hương
CafeF/Tri thức trẻ/Economist
Theo Trí Thức Trẻ