chuyen-de-4 fe958Cả FPT, VinaPhone và Viettel đều lên tiếng sẽ phân phối chính thức iPhone, thậm chí thị trường đã có thông tin FPT sẽ phân phối độc quyền sản phẩm này của Apple.

Sự nhiễu loạn về thông tin này là bề nổi của cuộc đua ngầm nhưng rất quyết liệt giữa các nhà bán lẻ trong thị trường điện thoại di động hiện nay.

Ẩn số FPT

Cuộc chạy đua giành quyền phân phối iPhone tại Việt Nam căng thẳng hơn khi có thông tin FPT cũng muốn có phần trong thị trường này. Thông tin còn chưa rõ ràng nhưng một điều chắc chắn là tiềm lực của FPT đủ lớn để "vẽ lại bản đồ phân phối iPhone" tại Việt Nam.

Gần đây, cái tên FPT tràn ngập các mặt báo với thông tin "gây sốc": "FPT sẽ chính thức phân phối độc quyền điện thoại iPhone của gã khổng lồ Apple". Vào ngày 16/4, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã gửi công văn đến FPT để xác nhận thực hư về thông tin này.

Lãnh đạo FPT cho biết, đây là thông tin không đi ra từ Tập đoàn nhưng lại bỏ ngỏ phần xác nhận khi lấp lửng "FPT sẽ có thông tin chính thức ngay sau khi hai bên (ý nói FPT và Apple) đạt được thỏa thuận".

Ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh FPT Retail nhấn mạnh: "Thông tin FPT phân phối độc quyền sản phẩm iPhone là chưa chính xác".

Không chỉ HOSE, hai nhà mạng phân phối iPhone tại Việt Nam từ năm 2010 đến nay là VinaPhone và Viettel cũng tỏ thái độ "sững sờ" và cho rằng, họ vừa ký hợp đồng phân phối với Apple với thời hạn vài năm tới. Như vậy, có khả năng FPT sẽ trở thành nhà phân phối iPhone thứ ba tại thị trường Việt Nam.

Phủ nhận các thông tin phân phối độc quyền iPhone nhưng chuyện có phân phối iPhone hay không là điều mà FPT chưa khẳng định.

Theo chia sẻ của một nhà bán lẻ điện thoại di động có thương hiệu, hệ thống của họ đã ký hợp đồng với FPT cho việc phân phối cho một lô hàng iPhone nhưng số lượng sẽ có hạn vì ở góc độ nào đó, FPT còn ưu tiên cho chuỗi F.Shop.

"Những chiếc iPhone có tem FPT phân phối đã về đến các cửa hàng bán lẻ và những lớp tập huấn bán hàng cho sản phẩm này đã được Apple triển khai rộng rãi. Thời gian đầu, FPT phải chọn nhà phân phối lớn. Tính đến nay chỉ có những cái tên như Mai Nguyên, Thế Giới Di Động, Viễn Thông A, Nguyễn Kim và FPT là sẽ có bán iPhone chính hãng do FPT phân phối ra thị trường", vị này tiết lộ.

Trên thị trường thế giới, Apple thường phân phối iPhone theo nhà mạng. Tại Việt Nam, VinaPhone và Viettel đã phân phối iPhone từ năm 2010 tới nay.

Các hệ thống khác, từ FPT, iCenter... đều bán iPhone lấy lại từ hai nhà mạng này. Thực tế cho thấy, thời gian qua, người dùng Việt Nam chưa có thói quen mua điện thoại đi cùng với gói cước như ở các quốc gia khác.

VinaPhone lẫn Viettel đều là nhà mạng, không có chức năng phân phối nên việc bán iPhone ra thị trường thời gian qua khá khó khăn, đành để cho "hàng xách tay" làm mưa làm gió.

Chính thái độ đón nhận quá tích cực của khách hàng càng khiến cuộc chạy đua để giành quyền phân phối iPhone trở nên cực kỳ hấp dẫn.

Cuối năm 2012, BrighStar cũng là đơn vị giành được quyền phân phối iPhone. Đáng tiếc, cái gật đầu của Apple dành cho BrighStar chỉ dừng lại ở lô hàng iPhone 3GS, trong khi thị trường đang đón nhận nồng nhiệt sản phẩm iPhone 4S.

Sau hợp tác này, đến nay, Brighstar vẫn chưa có thêm hợp đồng phân phối mới với Apple. Do vậy, chuyện FPT là nhà phân phối "danh chính ngôn thuận" trong thời điểm hiện nay vẫn làm thị trường xôn xao.

Theo ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Mai Nguyên, đơn vị đang sở hữu chuỗi cửa hàng phân phối các dòng điện thoại cao cấp tại TP.HCM, việc FPT trở thành nhà phân phối chính thức iPhone sẽ vẽ lại bản đồ phân phối smartphone tại Việt Nam.

Giá bán iPhone tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới chỉ nhỉnh hơn giá bán hàng xách tay khoảng 10% (do thuế), quy ra chênh lệch chỉ khoảng vài trăm nghìn đến 1 triệu đồng/chiếc. Với giá bán tốt như thế, iPhone sẽ tạo được lợi thế về giá so với các đối thủ, và hàng xách tay iPhone cũng không còn đất sống.

Trong vai trò là nhà bán lẻ có doanh số bán điện thoại lớn nhất Việt Nam, nói về việc FPT được ủy quyền bán lẻ iPhone, đại diện của Thế Giới Di Động nhìn nhận, không chỉ FPT mà các nhà bán lẻ đều muốn làm việc cùng Apple.

Với iPhone, năm 2012, hệ thống Thế Giới Di Động đã tiêu thụ khoảng 15.000 máy và trong thời gian tới, lượng tiêu thụ có thể đạt hơn 5.000 máy/tháng.

"Bài toán đặt ra cho Apple tại thị trường Việt Nam không phải là giá mà là nguồn hàng", đại diện Thế Giới Di Động nhấn mạnh. Do đó, trong mục tiêu dài hạn, nhà phân phối này đang hướng đến chuyện làm việc trực tiếp với Apple để ổn định nguồn hàng.

Apple, F.Shop: Lợi cả đôi đường

Việc FPT làm việc trực tiếp với Apple để đưa iPhone về Việt Nam được xem là nỗ lực sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho chuỗi cửa hàng F.Shop.

FPT là công ty duy nhất ở Việt Nam sở hữu ba hình thái cửa hàng của Apple (gồm: cửa hàng cấp 1 là APR - Apple Premium Reseller; cấp 2 là AAR - Apple Authorised Reseller và cấp 3 là CES - Consumer Electronic Store).

Mặc dù vậy, đó không hẳn là yếu tố khiến FPT được đánh giá là nhà phân phối "đáng gờm", theo các thống kê và nhận định về thị trường phân phối điện thoại tại Việt Nam của hãng Euromonitor International.

Báo cáo thường niên của Tập đoàn FPT cho thấy, năm 2012, mảng bán lẻ (FPT Retail) mang về doanh thu 1.026 tỷ đồng (tăng trưởng 51% so với năm 2011 và vượt so với kế hoạch 1.000 tỷ đã đề ra), chiếm 4% trong tổng doanh thu và là một trong ba lĩnh vực có tỷ trọng doanh thu thấp nhất.

Đồng thời, lợi nhuận trước thuế (LNTT) lại lỗ 35 tỷ đồng. Trong kế hoạch năm 2013, dù doanh thu của mảng bán lẻ tăng lên 2.000 tỷ nhưng LNTT vẫn tiếp tục lỗ 38 tỷ đồng.

Theo FPT, những khoản lỗ này đều nằm trong dự trù, bởi đây là giai đoạn đầu tư, mở rộng cửa hàng nhằm tăng độ phủ. Kết thúc năm 2012, FPT Retail sở hữu 50 cửa hàng (trong đó có 5 cửa hàng được ủy quyền bởi Apple) và dự kiến trong năm nay, họ sẽ đạt mốc 100 cửa hàng (lộ trình 2012 - 2014 đạt 150 cửa hàng).

Tuy nhiên, theo ông Ngô Quốc Bảo, với tiến độ như hiện nay, chắc chắn, con số thực hiện sẽ cao hơn dự kiến. Chưa biết được rằng trong trường hợp FPT phân phối iPhone, doanh thu của mảng bán lẻ sẽ tăng trưởng ra sao, nhưng sự góp mặt của iPhone, chí ít cũng làm tăng giá trị về mặt thương hiệu cho F.Shop (thuộc FPT Retail).

Có thể nói, iPhone đã khiến cho thị trường điện thoại di động "không ngủ yên", nhà sản xuất phải liên tục đưa ra thị trường các dòng smartphone với đầy đủ tính năng và sự hợp lý về giá hơn iPhone. Không dừng lại ở đó, ngay cả các nhà bán lẻ cũng phải thay đổi từng ngày theo nhu cầu của người tiêu dùng.

Cách đây ba năm, smartphone vẫn chiếm tỷ trọng khá nhỏ trong các chuỗi cửa hàng bán lẻ so với điện thoại truyền thống (sử dụng bàn phím) nhưng năm 2012 đã trở thành cột mốc cho sự thay đổi.

Theo đại diện Thế Giới Di Động, hiện tại, giá trị mà smartphone mang lại cho chuỗi cửa hàng đang chiếm 65 - 68% (điện thoại mang nhãn của Việt Nam hay Trung Quốc chỉ chiếm dưới 10%) và tính đến cuối năm 2012, tỷ trọng smartphone luôn dao động ở mức 50 - 55%, chủ yếu là hàng chính hãng của Sony, LG, Samsung, HTC...

Mục tiêu của Thế Giới Di Động trong năm 2013 là nâng tỷ trọng smartphone trong chuỗi (206 cửa hàng) lên 70%.
Trong khi đó, với Viễn Thông A, chỉ trong năm 2012, nhà bán lẻ này đã đưa 36 trung tâm smartphone vào hoạt động.

Chiến lược nhân rộng trung tâm smartphone trên toàn quốc đã đem lại cho Viễn Thông A những thành công nhất định về mặt hình ảnh lẫn doanh thu.

Theo đó, lượng khách hàng đã tăng từ 2 - 3 lần so với trước khi chuyển đổi mô hình sang trung tâm smartphone. Hiện tại, smartphone đang chiếm 75% giá trị doanh thu của toàn hệ thống.

"Doanh thu của Viễn Thông A tăng 10% trong bối cảnh cạnh tranh gắt gao của ngành bán lẻ thiết bị di động một phần cũng nhờ vào chính sách này", bà Hoàng Ngọc Vy, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Viễn Thông A cho biết.

Năm 2013 và năm 2014, theo đánh giá của bà Hoàng Ngọc Vy, thị trường sẽ vẫn tiếp tục theo xu hướng smartphone, các hãng sản xuất không ngừng cải tiến và cho ra đời những siêu phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Điển hình trong quý I/2013 đã có thêm các smartphone như: Galaxy S4, Sony Xperia Z, HTC Ore... Do vậy, trong năm nay, Viễn Thông A sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình smartphone để đạt con số 100 trung tâm trên toàn quốc.

Những thống kê về thị trường cho thấy, trong phân khúc smartphone, iPhone được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng, tùy theo từng thời điểm mà tỷ lệ tăng quanh mức 15 - 20%. Ở giai đoạn đỉnh điểm như thời iPhone 4 chẳng hạn, con số này lên đến 25%.

Song, với mức giá mà phần lớn người tiêu dùng có thể chấp nhận được (trung bình khoảng 330 USD/smartphone) thì Samsung, Nokia và HTC vẫn là ba thương hiệu dẫn đầu tại thị trường Việt Nam.

Song, kết quả này chỉ mang tính tạm thời vì mới đây, gã khổng lồ Apple cũng lên tiếng sẽ xem xét việc sản xuất iPhone giá rẻ vào năm 2014 để tiếp cận những thị trường mới nổi, phân khúc này đã góp phần đưa đối thủ Samsung vượt mặt Apple về số lượng smartphone tiêu thụ trong năm 2012.

Khi đó, chắc chắn thị trường sẽ càng thêm sôi động và sẽ có thêm nhà bán lẻ của Việt Nam "bắt tay" với Apple để đón đầu các làn sóng đó.

ĐỖ HẢI - PHƯƠNG QUYÊN

Theo DNSG.

Pin It
Carrie

"Đàn ông có thể đã tìm ra lửa, nhưng chính đàn bà mới tìm ra cách chơi với lửa."

User Menu