Gọi xe công nghệ, cho vay ngang hàng, cho thuê nhà ngắn hạn... đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam nhưng phần lớn thị phần của các loại hình kinh tế chia sẻ này đều nằm trong tay các tập đoàn nước ngoài.

 “Làm nền” cho doanh nghiệp ngoại

Dự thảo mới nhất Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ (KTCS) của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết một số loại hình KTCS chính đang hoạt động ở Việt Nam hiện nay, bao gồm vận tải trực tuyến, chia sẻ phòng ở lưu trú và cho vay ngang hàng dù mới bước đầu phát triển nhưng đã thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đáng chú ý, hiện đang có xu hướng các tập đoàn lớn của nước ngoài với ưu thế về vốn và công nghệ đẩy mạnh mua lại cổ phần chi phối tại các công ty thuộc loại hình KTCS ở Việt Nam, thậm chí chấp nhận thua lỗ trong ngắn hạn để chiếm lĩnh thị trường. Vì thế, các nhà đầu tư ngoại giữ vai trò dẫn dắt, chi phối các mô hình kinh doanh chia sẻ ở trong nước và kết nối với mạng lưới các chi nhánh khác ở nước ngoài.

Đơn cử như ví điện tử, một trong các mô hình KTCS đầu tiên tại Việt Nam với những cái tên quen thuộc như Payoo, MoMo... đến nay đã có tới vài chục triệu người sử dụng.

Báo cáo mới đây của Tập đoàn tài chính JP Morgan cho biết 19% giá trị giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam được thực hiện qua ví điện tử. Con số này ngang với thanh toán bằng tiền mặt, xếp sau thanh toán qua thẻ (34%) và chuyển khoản ngân hàng (22%). Với thị trường đầy tiềm năng này, các ví điện tử đang thi nhau nở rộ để chiếm lĩnh thị trường thương mại điện tử.

Tuy nhiên, nhìn vào danh sách những “ông lớn” có lượng người dùng nhiều nhất hiện nay như MoMo, Zalopay, Airpay, GrabPay by Moca, VNPay, Viettelpay, Payoo, chỉ có duy nhất Viettelpay là thuần Việt, còn lại hầu hết được rót vốn đầu tư hoặc bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tương tự, trong lĩnh vực đặt dịch vụ du lịch trực tuyến, các doanh nghiệp (DN) Việt cũng không thoát khỏi vị trí làm nền khi những cái tên đứng ở vị thế thống lĩnh đều mang quốc tịch ngoại như Agoda.com, Booking.com (đều thuộc Booking Holdings), Trivago.com, Hotels.com (đều thuộc Expedia Group), hay Airbnb.com, Tripadvisor, Traveloka (Indonesia)…

Quen thuộc hơn, mô hình kết nối vận tải như Uber, Grab bắt đầu xuất hiện từ năm 2014 đã được hàng triệu người sử dụng, kéo theo hàng loạt dịch vụ tương tự của các DN trong và ngoài nước gia nhập thị trường. Theo báo cáo mới nhất của Hãng nghiên cứu thị trường ABI Research, với việc hoàn tất 62,5 triệu cuốc xe trong nửa đầu năm nay, Grab vẫn là hãng gọi xe công nghệ dẫn đầu thị trường VN, chiếm 74,6% thị phần. Đứng thứ 2 là ứng dụng be đang chiếm 12,4% thị trường nhưng cũng đang bị đối thủ đến từ Indonesia là Gojek bám đuổi rất sát với tỷ trọng 12,3% thị phần.

Trước đó, sau khi Grab thâu tóm Uber vào 2018, rất nhiều ứng dụng gọi xe quốc tịch Việt như be, FastGo, Vato, Aber, MyGo, Go-ixe, Xelo, Ahamo... đã ra đời với mong muốn trở thành đối trọng giành lại thị trường cho DN nội. Thế nhưng sau hai năm chật vật, nhiều cái tên trong số này đã trở nên mờ nhạt, thậm chí “rơi rụng”, chỉ còn app mà không còn thấy bóng dáng tài xế xuất hiện trên đường phố.

Thua cả nguồn lực và công nghệ

Trước thực trạng trên, Bộ KH-ĐT cho rằng nếu không khẩn trương ban hành và triển khai chiến lược hỗ trợ DN trong nước thì có thể dẫn đến hiện tượng bị nước ngoài chi phối hoàn toàn thị phần KTCS trong nước.

Ngoài ra, các đối tác khác của mô hình KTCS khi không cập nhật được thông tin, công nghệ sẽ trở thành đối tượng yếu thế, mất việc làm... vì không theo kịp hoặc bị hình thức kinh doanh mới thống lĩnh, chiếm thị phần. Phân tích cụ thể, chuyên gia kinh tế Đỗ Hòa đánh giá có 2 nguyên nhân chính dẫn đến sự lép vế của DN Việt là nguồn lực hạn chế và công nghệ còn yếu.

Về nguồn lực, các lĩnh vực thuộc mô hình KTCS là một sân chơi lớn, đòi hỏi mức đầu tư rất mạnh và lâu dài. Trong giai đoạn đầu, các DN phải “đổ” tiền mạnh, chấp nhận lỗ để chiếm thị phần. Sau khi giành được lượng thị phần nhất định, họ bắt đầu mở thêm những dịch vụ, ứng dụng khác trong hệ sinh thái để bù lỗ, thu lời. Trong khi đó, DN Việt đa phần yếu, nguồn lực thấp, không đủ “sức” để chạy đường dài. Gốc rễ vấn đề là do nhà nước chưa có chính sách, chiến lược kinh tế tập trung phát triển những ngành kinh tế này. Chủ trương kêu gọi, khuyến khích KTCS nhưng không tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể như các nước: Singapore ưu đãi thuế, chính phủ Trung Quốc thậm chí “bơm” tiền hỗ trợ DN trong giai đoạn đầu. Cũng chính vì DN Việt phải “đơn thương độc mã” trong cuộc chiến giành thị phần, không có sự hỗ trợ từ chính sách nên giảm cơ hội gọi vốn từ các nhà đầu tư. Rủi ro cao, nhà đầu tư e dè.

Về công nghệ, KTCS chủ yếu dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI). Lĩnh vực này Việt Nam mới bắt đầu kêu gọi đầu tư, trong khi các nước đã đi trước từ rất lâu, công nghệ, kinh nghiệm đều tốt hơn Việt Nam. Mặt khác, các DN nước ngoài vào Việt Nam thu thập, khai thác dữ liệu được bảo vệ chặt chẽ bởi luật Đầu tư nước ngoài, trong khi môi trường thu thập, phân tích dữ liệu người dùng của Việt Nam còn rất nhiều bất cập. Chưa có môi trường lành mạnh, nền tảng pháp lý đủ mạnh để tạo sân chơi cho công nghệ số ở Việt Nam có thể phát huy.

Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ các mô hình KTCS. Nếu không nhanh chóng có chính sách phù hợp để xây dựng một vài DN Việt làm đối trọng trong một số lĩnh vực, khi thị trường bước vào giai đoạn bão hòa, các DN lớn đã định vị được vị trí, chiếm lĩnh thị trường thì các DN vừa và nhỏ không thể có cơ hội chen chân vào. Khi đó, các DN nước ngoài sẽ liên kết, tăng giá để tối ưu hóa lợi nhuận, cuối cùng người tiêu dùng chịu thiệt.

Chuyên gia Đỗ Hòa

Pin It
Ngạn ngữ Anh

"Chớ có nói trừ khi bạn có thể cải thiện được sự im lặng."

User Menu