Điện thoại to, điện thoại nhỏ, điện thoại rẻ, điện thoại đắt, điện thoại cong. Tất cả chúng đều có một điểm chung là muốn đánh bại iPhone.


apple vàsamsung

Nhiều tên tuổi smartphone hàng đầu thế giới đã sử dụng MWC, triển lãm lớn nhất nhì làng công nghệ, để quyến rũ người dùng toàn cầu. Bất chấp sự vắng mặt của Apple, iPhone vẫn là mục tiêu số một của những thông báo mới. iPhone dường như không thể cản phá.

Khoảng hơn một tháng trước, Apple công bố doanh số iPhone kỷ lục với tỉ lệ tăng trưởng 83% tại Trung Quốc. Còn theo báo cáo của Canaccord Genuity, Apple có thể đã kiếm được 93% lợi nhuận của toàn ngành di động. “Phần thừa” còn lại chính là dành cho những cái tên khác.

Ben Wood, chuyên gia phân tích viễn thông và di động của hãng nghiên cứu CCS Insight, ví Apple như “vua của những ngọn núi”. “Họ tiếp tục gặt hái lợi nhuận đáng ghen tị tại thời điểm mà hầu hết các hãng khác đang gặp khó khăn. Chỉ còn một ít lợi nhuận sót lại cho phần còn lại và chỉ có tác dụng làm cạnh tranh thêm căng thẳng”.

Hiện thực khốc liệt đó được thể hiện rõ ràng tại MWC 2015, nơi các nhà sản xuất thiết bị tìm đủ mọi chiến lược để nổi bật hơn đối thủ, truy đuổi vị trí thứ hai, phía sau Apple.

Samsung, đối thủ mạnh nhất của Apple, ra mắt smartphone bị xem là “giống iPhone” nhất từ trước tới nay. Galaxy S6 và Galaxy S6 Edge dùng thiết kế nguyên khối, bọc kính, kim loại, màn hình độ nét cao, chip mạnh mẽ, tập trung vào máy ảnh, công nghệ vân tay và dịch vụ thanh toán di động.

Bộ đôi đẹp mắt và đẳng cấp hơn nhiều các mẫu Galaxy trước đó. Chiến lược này, theo đánh giá của Jan Dawson, trưởng nhóm phân tích tại Jackdaws Research, là có thể phục hồi doanh số smartphone cho Samsung.

“Samsung đã có khoảng thời gian tuyệt diệu trên thị trường tiêu dùng cho tới thời điểm này. Tuy nhiên, thách thức là họ đang bán giá ngang iPhone cho những thiết bị không đặc biệt hay khác biệt như iPhone”, chuyên gia nhận xét.

Dù vậy, ngay cả Samsung cũng nhận thức rõ chừng đó là chưa đủ. Như nhiều công ty khác, hãng điện tử Hàn Quốc quảng bá mạnh đến giới doanh nghiệp. Samsung đẩy mạnh Knox, dịch vụ tách biệt ứng dụng làm việc - cá nhân trên một điện thoại và gọi đây là thứ mà bất kỳ nhà quản lý CNTT nào đều yêu thích.

Một lần nữa, Samsung lại đối đầu trong lĩnh vực thế mạnh của Apple. Tháng 2/2015, báo cáo Mobility Index của công ty quản lý thiết bị di động Good Technology cho biết số iPhone được kích hoạt trong công sở ba tháng cuối năm 2014 đã tăng gấp 3 lần so với Android. Apple đang tìm đường tiến vào thị trường doanh nghiệp sâu hơn nhờ quan hệ hợp tác với IBM. Nhà sản xuất iPhone, iPad hi vọng thị trường B2B có thể bù đắp cho doanh số cá nhân đang chậm lại.

Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng iPhone quá đắt để mỗi doanh nghiệp trang bị mỗi nhân viên một máy. Tất nhiên, điều đó đồng nghĩa đối tượng này cũng “sốc” với giá cao cấp của Galaxy S6 hay HTC One M9 mới.

Một “gã khổng lồ” khác đang nhăm nhe đối tượng khách hàng này, đó là Microsoft. Theo ông Wood, Microsoft đang dứng trước cơ hội lớn do 3, 4 chiếc Windows Phone tầm trung mới có giá bằng 1 chiếc iPhone. Nhằm mục đích này, công ty giới thiệu hai mẫu Lumia giá rẻ mới tại MWC 2015 và gần đây nhất là Lumia 430, “dế” Windows Phone rẻ nhất từ trước tới nay, với giá chỉ bằng 1/9 iPhone.

nokia lumia

Microsoft Lumia 430 có giá chỉ bằng 1/9 iPhone 6.

Trong một cuộc phỏng vấn, Phó Chủ tịch mảng Thiết bị Microsoft, Stephen Elop cho biết, hãng “muốn một mẫu điện thoại doanh nghiệp, kết nối chính xác với những gì là xương sống của Microsoft”.

Công ty có thế mạnh ở bảo mật, trung tâm dữ liệu còn doanh nghiệp lại phát triển ứng dụng xoay quanh chúng. Không có lý do gì để chi số tiền lớn như vậy cho iPhone 6 hay Samsung. Chiến lược hướng đến thiết bị tầm thấp được Microsoft cân nhắc thận trọng.

Với Microsoft, bất kỳ chiếc máy nào bán ra cũng đều được chào đón. Hãng chỉ có chưa đầy 3% thị phần smartphone toàn cầu nhưng giá bán rất hấp dẫn.

Các nhà sản xuất khác cũng dự định hướng mục tiêu bán hàng sang doanh nghiệp. Blackphone và Silent Circle gần đây công bố thế hệ điện thoại bảo mật thứ hai. Họ tiết lộ 70% doanh thu đến từ đơn hàng mua buôn từ các công ty.

Tuy nhiên, với giá dự kiến 649 USD cho Blackphone 2 – gần bằng giá iPhone mà không có nhiều điểm nổi trội hơn, doanh nghiệp có lẽ phải đặc biệt xem trọng tính an toàn thông tin mới chi tiền cho thiết bị.

Một số hãng khác như BlackBerry lại hi vọng bán được cả điện thoại và dịch vụ. Hãng điện thoại Canada vừa tung ra thiết bị cảm ứng, giá rẻ có tên BlackBerry Leap. Sau khi tụt xuống chỉ còn 0,4% thị phần năm 2014, BlackBerry đang cố gắng trở thành công ty phần mềm và dịch vụ. Họ công bố sẽ mở rộng bộ ứng dụng, dịch vụ độc quyền sang iOS, Android và Windows Phone vào cuối năm 2015.

Các công ty smartphone cũng để mắt tới thị trường đang lên như Trung Quốc, Ấn Độ. Tuy nhiên tại Trung Quốc, Apple đang ở vị trí khá mạnh, gần như “soán ngôi” Xiaomi về thị phần. Trong khi đó, doanh số Samsung tại đây lại bị xói mòn bởi Xiaomi, Lenovo, Huawei. Đây là cơ hội để Apple bán iPhone cho giới nhà giàu, có ảnh hưởng dù giá quá đắt khiến nó khó có thể đứng đầu thế giới về thị phần.

Tuy nhiên, con số này không phải vấn đề. Điều quan trọng hơn, theo ông Dawson, là iPhone chiếm được cảm tình của những khách hàng giầu có nhất, có ảnh hưởng nhất, để lại cuộc chiến thị phần (chứ không phải tiền) cho những người còn lại.

Một điều khá tệ cho các hãng là một khi mọi người đã mua iPhone, họ có xu hướng không chuyển sang thiết bị khác. Apple “khóa chân” họ trong hệ sinh thái mạnh mẽ, giữa ứng dụng, nhạc, bộ nhớ đám mây, điều khiển nhà thông minh hay xe hơi.

Những điều đã nói ở trên không đồng nghĩa với việc iPhone sẽ chiếm ưu thế cả đời. Phần cứng đang ngày càng kém quan trọng, nhường chỗ cho dịch vụ, vì vậy Apple cần đưa ứng dụng như bản đồ, nhắn tin hay phức tạp hơn như HealthKit, HomeKit đi đúng hướng.

Tuy vậy, ngay tại MWC 2015, bóng dáng của Apple ở khắp nơi. Trên mọi phương diện, công ty là cỗ máy kiếm tiền quyền lực và trên hết, sở hữu thiết bị, thương hiệu được trọng vọng. Đó quả thực là ngọn núi quá dốc cho những ai muốn leo lên. Đúng như những gì nhà phân tích Wood nhận xét, “các nhà sản xuất chỉ dám nhìn lên đầy khiếp sợ”.

Du Lam

Theo ICTnews

Pin It
Walter Landor

"Sản phẩm được làm ra trong nhà máy, nhưng thương hiệu thì được tạo ra trong tâm trí"

User Menu