Nội dung nổi bật:  Zara là nhãn hiệu thời trang, chuỗi cửa hàng bán lẻ được thuộc tập đoàn Inditex của Tây Ban Nha thành lập vào năm 1975.

- Zara vốn nổi tiếng vì hàng đẹp, giá rẻ, kiểu dáng phong phú và luôn luôn bắt kịp thời đại một cách thần tốc. Nhờ đâu được vậy?

Không tạo ra mốt, mà là người theo sau nhanh nhất

Sản xuất số lượng ít để tạo khan hiếm.

Kiểu dáng phong phú để khách hàng có nhiều lựa chọn, không ảnh hưởng đến doanh thu nếu chẳng may bị lỗi mốt.

Không quảng cáo, chọn địa điểm "đẹp" là đủ.

- Kết quả: là nhà bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới.


Các chị các mẹ trung niên mua Zara bởi hàng rẻ, em gái 20 sắm Zara bởi hàng mốt. Rõ ràng, Zara đang duy trì tốt cả hai yếu tố "mốt" và "rẻ" để rồi kết hợp với nhau một cách rất hiệu quả. Bất cứ ai từng đặt chân tới Zara mua đồ đều thấy choáng ngợp vì tốc độ cập nhật thời trang của hãng không phải theo phút mà là... theo giây. Hiện Zara có khoảng 1808 cửa hàng trên toàn thế giới, đóng góp 80% doanh số cho tập đoàn Inditex.

Những yếu tố làm nên thành công "rẻ-mốt-lãi" của Zara gói gọn trong bộ ba công thức:

Thời gian ngắn = Luôn bắt kịp mốt

Số lượng ít = Chậm chân là hết hàng

Kiểu dáng nhiều = Lựa chọn phong phú, cơ hội thành công nhiều.

Thời gian ngắn = Luôn bắt kịp mốt

Trong khi nhiều hãng mạnh tay đầu tư để "tạo ra xu hướng" thì Zara không làm vậy mà đi theo một cách nhanh nhẹn và linh hoạt. Bên cạnh những mẫu riêng thì phần lớn quần áo của Zara được mô phỏng từ các nhãn hiệu cao cấp.

Nhiệm vụ của đội ngũ thiết kế Zara không phải là tạo ra cái mới, mà là tái tập hợp những yếu tố thời trang đã có sẵn theo ý mình để tạo ra sản phẩm mới hơn. Nói cách khác, họ "tái hiện" thời trang chứ không "tạo ra" thời trang.

Mỗi năm Zara tung ra 11.000 sản phẩm trong khi các đối thủ H&M chỉ có 2.000 còn GAP chỉ có 4.000. Vòng quay hàng tồn kho của Zara chỉ kéo dài 6 ngày, trong khi H&M là 52 ngày và GAP là 94 ngày. Từ khâu nhận định xu hướng cho tới lúc có hàng mới bày bán chỉ mất có 30 ngày. Cứ hai tuần một lần, gần 2000 cửa hàng của Zara lại có hàng mới để bán.

Đội thiết kế tất bật quanh năm
Thiết kế và phát triển sản phẩm là một công việc nặng nề,cần rất nhiều lao động. Toàn bộ đội thiết kế và phát triển sản phẩm đều được đặt tại Tây Ban Nha, bao gồm hơn 200 người, mỗi tháng phải cho ra 1000 mẫu mới, trung bình mỗi tuần, một người phải đưa ra được 1 - 2 mẫu. Tất bật quanh năm, toàn bộ đội ngũ phải chia nhau ba nhiệm vụ:

1. Một nhóm thiết kế bộ sưu tập cho một hay nửa năm sắp tới dựa vào những gợi ý cơ bản của bên thị trường.

2. Một nhóm biến tấu cho bộ sưu tập phù hợp với xu hướng mới nhất của mỗi mùa.

3. Nhóm thứ ba lại dựa vào bộ sưu tập đang có mặt trên thị trường để biến hóa.

Zara không chỉ nhận định xu hướng thời trang qua những bản báo cáo thị trường cổ điển mà còn thông qua hàng loạt bức email, cuộc điện thoại đến từ các cửa hàng. Đó là những thông tin thu thập được khi đội ngũ nghiên cứu đến "thực địa" tại các trường đại học, vũ trường, đường phố, khu vui chơi... để quan sát xem giới trẻ đang mặc gì.

Sản xuất tại chỗ, đắt nhưng nhanh

Đối với những sản phẩm lâu dài như chăn ga gối đệm, Zara cũng thuê nhà máy tại các nước đang phát triển để tiết kiệm. Nhưng với thời trang nhanh, hãng sản xuất tại chỗ. Tuy lương của công nhân châu Âu cao hơn bên ngoài, nhưng thời gian quay vòng nhanh đến khó tin: chỉ cần haituần, ý tưởng nảy ra trong đầu nhà thiết kế sẽ biến thành sản phẩm sờ sờ ngay trên kệ. Trong khi đó, các hãng khác thường đặt nhà máy ở châu Á để thuê nhân công giá rẻ.

Máy móc thay sức người

Zara xây dựng 14 nhà máy tự động hóa cao cấp ngay tại Tây Ban Nha với hệ thống robot làm việc sát sao từng giây, nhuộm sẵn vải và tạo ra vải thành phần. Zara còn đầu tư máy quét mã vạch laser để phân loại, sắp xếp hơn 80.000 miếng vải với tỉ lệ lỗi dưới 0,5% để kịp tiến độ. Vải chưa nhuộm màu được đặt hàng sẵn, hãng có thể điều chỉnh màu linh hoạt tùy theo xu hướng.

Số lượng ít = Chậm chân là hết hàng

Nhờ giảm thiểu số lượng sản xuất cho mỗi kiểu dáng, Zara không chỉ khiến sản phẩm khó bị lộ ra ngoài mà còn tạo được khan hiếm. Thời trang mà, càng hiếm thì càng quý! Khi cửa hàng Zara đầu tiên trên phố Regent, London được khai trương, khách chỉ đến xem hàng và định bụng quay lại vào dịp sale. Nhân viên bán hàng giải thích với họ rằng các mẫu mã đều thay đổi hàng tuần, đến tuần sau kiểu mẫu khách ưng có thể không còn nữa. Và Regent trở thành một trong những cửa hàng đắt khách nhất của Zara, các cửa hàng mọc lên ở Anh mỗi lúc một nhiều.

Nếu kiểu dáng không "ăn" với mốt lúc đó thì Zara cũng chẳng cần bán tống bán tháo để bù lỗ. Trên thực tế, hãng chỉ cần giảm giá 18% trong khi nhiều đối thủ phải "sale" đến một nửa.

Kiểu dáng nhiều = Lựa chọn phong phú, cơ hội thành công cao

Đến với Zara, khách hàng cũng có nhiều lựa chọn hơn cho phù hợp với gu của mình.

Thay vì sản xuất nhiều hàng cho cùng một mẫu mã, Zara tập trung vào sáng tạo nhiều kiểu dáng và giảm thiểu số lượng. Nhờ đó, ngay cả khi mẫu này hết hàng nhanh chóng thì vẫn còn đầy mẫu khác đang được chờ để tung ra.

Cửa hàng đẹp, bày biện hấp dẫn đã là quảng cáo rồi

vi-sao-mot-chiec-ao-zara-chi-nam-tren-ke-toi-da-6-ngay

Một điểm thú vị ở Zara là hãng không đầu tư vào quảng cáo, PR, mà chỉ dốc túi vào việc xây dựng thật nhiều cửa hàng.

Zara chọn địa điểm đẹp nhất trong những thành phố chính, bày những hàng đẹp nhất qua cửa sổ còn bên trong bày biện một cách tinh vi. Chính vì vậy, để tìm được địa điểm mở cửa hàng Zara không phải việc đơn giản, đó là một quy trình cần đến rất nhiều yếu tố, kiến thức và kinh nghiệm liên quan đến vị trí, hình ảnh, thiết kế cửa sổ và nội thất. Inditex có một đội thiết kế và kiến trúc sư riêng để đảm nhận việc này.

Một số cửa hàng được mở tại những tòa nhà đặc trưng của thành phố như Palazzo Bocconi ở thành phố Rome, Cine Capitolio ở Elche, Tây Ban Nha, Tu viện San Antonio El Real tại Salamanca, Spain. Nhờ đó, hình ảnh thương hiệu được tăng cường, làm vậy là cũng đủ quảng cáo rồi.

Kết quả

Zara trở thành nhà bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới.

Theo thông tin công bố trên trang web chính thức Inditex, trong năm 2012, lợi nhuận của Zara tăng thêm 22%, lên tới 2,3 tỷ Euro.

Thùy An

Theo Trí Thức Trẻ

Pin It
Theodore Levitt

"Không có cái ngành kinh doanh nào gọi là ngành dịch vụ cả. Chỉ có những ngành mà phần dịch vụ đóng góp nhiều hơn hay kém hơn các ngành khác. Mọi người đều làm dịch vụ"

User Menu