KD-DN-xay-dung-be-lai 4dd95Công ty Cổ phần Beton 6 được biết đến là một doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực cấu kiện bê tông đúc sẵn, nhưng trong khoảng 2 năm gần đây, nhà đầu tư bắt đầu nhận thấy sự chuyển hướng rõ nét trong chiến lược kinh doanh của công ty này.

Hiện nay, bên cạnh dòng chữ BT 620 Châu Thới xuất hiện trên những chiếc dầm bê tông ở các công trình, Beton 6 đã bắt đầu có mặt ở những công trình hạ tầng giao thông trong vai trò là nhà thầu. Gần đây nhất, trong vai trò là nhà thầu phụ cho Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long, các hệ thống máy móc mang thương hiệu Beton 6 đã xuất hiện trên công trường của dự án xây dựng cầu vượt ở ngã tư Hàng Xanh. Một hình ảnh mới thể hiện sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh Beton 6 đã vạch ra trước đó: Lấn sân mạnh hơn nữa sang lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Không chỉ có Beton 6, mùa đại hội cổ đông năm nay cũng cho thấy định hướng chiến lược này cũng được khá nhiều doanh nghiệp xây dựng và bất động sản lựa chọn. Tổng Công ty Xây dựng số 5 (Cienco 5) là một trường hợp.

Cienco 5 đã đề ra chiến lược kinh doanh với hai mảng chủ lực: xây dựng và bất động sản. Tuy nhiên, theo báo cáo thường niên được cung cấp trước thềm Đại hội cổ đông năm 2013 của Công ty, một trong những chiến lược quản trị rủi ro là rà soát và hạn chế đầu tư bất động sản, trong khi ưu tiên đẩy mạnh lĩnh vực xây lắp hạ tầng, vốn là thế mạnh từ trước. Năm 2013, Công ty sẽ đẩy mạnh tiếp thị, đấu thầu và thi công trong lĩnh vực cấp nước, xử lý nước thải, cầu cảng, đường bộ và đường cao tốc.

Không trực tiếp đầu tư xây dựng kinh doanh bất động sản, nhưng với ngành chủ lực là xây dựng nhà, nên khó khăn thị trường đã tác động lớn đến kết quả kinh doanh của Công ty Xây dựng Cotec (CotecCons). Do đó, bên cạnh việc mở rộng thị trường, một trong những chiến lược ban lãnh đạo CotecCons đưa ra tại Đại hội cổ đông năm nay là sẽ chuyển hướng phát triển qua mảng xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà máy, đường sá, cầu cống, công trình cấp thoát nước, công trình năng lượng.

Với lĩnh vực kinh doanh tương tự CotecCons, Công ty Xây dựng Hòa Bình cũng đã chuyển hướng sang lĩnh vực hạ tầng giao thông. Mặc dù trước đó lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, nhà xưởng hầu như không chiếm một tỉ lệ phần trăm nào trong kết quả kinh doanh nhưng năm 2012, Hòa Bình đã bứt phá với 7 công trình được ký kết với giá trị lên đến 1.700 tỉ đồng. Những hợp đồng này khiến doanh số của lĩnh vực này tăng lên, chiếm 18,5% tổng doanh số của Công ty vào năm 2012.

"Các công ty xây dựng lớn nước ngoài đều xem cơ sở hạ tầng là nền tảng để phát triển doanh nghiệp. Do đó, đây là một hướng đi thích hợp và lâu dài cho CotecCons", ông Nguyễn Bá Dương, Tổng Giám đốc CotecCons, nói về lý do chuyển hướng chiến lược.

Ngoài ra, có thể thấy rằng mặc dù các doanh nghiệp nói trên đều là những công ty thuộc top đầu, nhưng do thị trường bất động sản khó khăn, việc phải tìm thêm những con đường khác để đảm bảo tăng trưởng cho doanh nghiệp là chiến lược bắt buộc. Và rõ ràng không có gì tốt hơn hạ tầng giao thông, một lĩnh vực có tiềm năng lớn, vì Việt Nam vẫn là quốc gia đang phát triển và vốn đầu tư thường do ngân sách nhà nước hoặc quốc tế tài trợ.

Tại lễ công bố quyết định thành lập Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long cách đây gần 2 năm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho biết theo kế hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam cần đến 75 tỉ USD để phát triển hạ tầng giao thông. Hay theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, chỉ trong giai đoạn 2011-2015, nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông của Thành phố ước tính lên đến 11 tỉ USD.

Có lẽ con số hàng tỉ USD vốn đầu tư là miếng bánh hấp dẫn mà các nhà thầu xây dựng nhắm đến khi chuyển hướng chiến lược sang lĩnh vực hạ tầng giao thông. Nhưng miếng ngon thường không dễ nuốt.

Dự án hạ tầng giao thông thường là dự án sử dụng vốn nhà nước. Do đó, nhà thầu chính phần lớn cũng là các doanh nghiệp có gốc nhà nước, từ Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải. Trong số này có Tổng Công ty Xây dựng số 1, Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long, Tổng Công ty Sông Đà.

Ngoài sự cạnh tranh, theo ông Dương, CotecCons, ngành cơ sở hạ tầng khá phức tạp về quy mô, kỹ thuật, quản lý và đây là thế mạnh của các công ty nước ngoài. Do đó, chen chân vào thị trường này là điều không dễ. Và chiến lược của Coteccons là chấp nhận bước đầu làm nhà thầu phụ. "Đối với những công trình phức tạp, bạn có thể chỉ là thầu phụ cho các thầu phụ khác. Nhưng nếu không làm, bạn sẽ chỉ giậm chân tại chỗ", ông Dương nói.

Theo Nhịp cầu đầu tư.

Pin It
Nguyên tắc tấn công số 1:

"Điểm chính cần chú ý là điểm mạnh của người giữ vị trí dẫn đầu thị trường"

User Menu