WeWork và Uber đốt tiền như lửa đốt rừng Amazon và giờ không khác gì những xác chết biết đi. Nhiều công ty khởi nghiệp “kỳ lân” khác cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Hồi đầu tuần, WeWork - công ty chia sẻ văn phòng hàng đầu thế giới - tuyên bố hoãn vô thời hạn kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO). Chỉ trong vòng 4 tuần, giá trị vốn hóa của WeWork sụt giảm từ 47 tỷ USD xuống chỉ còn 10 tỷ USD.
Cuộc khủng hoảng của startup đình đám này khiến các nhà đầu tư và giới quan sát thị trường choáng váng. Hồ sơ tài chính của WeWork cho thấy công ty này lỗ chồng lỗ suốt 3 năm qua: 429 triệu USD năm 2016, 890 triệu USD năm 2017 và 1,6 tỷ USD năm 2018.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, WeWork lỗ khoảng 1,3 tỷ USD. Kế hoạch IPO của WeWork sụp đổ, đến lúc này giới chuyên gia và truyền thông Mỹ mới đồng loạt chỉ trích WeWork chỉ là “công ty công nghệ giả cầy”. Bởi WeWork không kiếm tiền từ bất cứ một sản phẩm hay dịch vụ công nghệ nào cả, mà chỉ là một hãng bất động sản cho thuê văn phòng.
CEO WeWork Adam Adam Neumann buộc phải từ chức vì kế hoạch IPO đổ bể. Ảnh: New York Magazine.
Bốn công ty đốt 13 tỷ USD trong năm nay
Nói một cách đơn giản thì WeWork chỉ thuê văn phòng của các chủ tòa nhà theo hợp đồng dài hạn, trang trí lại không gian cho đẹp đẽ rồi cho thuê theo hợp đồng ngắn hạn, khách hàng chủ yếu là các startup. Yếu tố công nghệ ở WeWork hầu như không tồn tại.
Trên thực tế, cú trượt dốc của WeWork không hề là điều gì lạ lùng đối với những nhà quan sát các công ty khởi nghiệp “kỳ lân” tại Mỹ. Giống như các startup zombie khác, WeWork đốt tiền vô tội vạ. Công ty này tiêu khoảng 1,5 tỷ USD tiền mặt trong nửa đầu năm nay.
Theo The Atlantic, nếu bạn ngủ trên nệm hiệu Casper, gọi xe Lyft đi làm ở văn phòng WeWork, sử dụng DoorDash để gọi đồ ăn trưa, tiếp tục gọi xe Lyft về nhà, rồi dùng Uber Eats để gọi đồ ăn tối thì bạn đã dành cả ngày tương tác với các công ty lỗ tổng cộng 13 tỷ USD trong năm nay.
Uber, WeWork, Lyft hay DoorDash chưa từng thông báo kinh doanh lãi và nhiều khả năng là không bao giờ làm được điều đó. Theo CNN, một số nhà phân tích cho rằng Uber sẽ có lãi từ năm 2023, nhưng nhiều nhà đầu tư cho rằng các startup “kỳ lân” khó có khả năng kinh doanh lãi trong tương lai gần.
Uber đốt khoảng 8 tỷ USD trong năm 2019. Ảnh: Engadget.
Sau khi IPO, giá trị vốn hóa của Uber đạt 76,5 tỷ USD. Nhưng từ đó đến nay, giá trị của công ty bốc hơi gần 50%. Theo Wall Street Journal, Uber sẽ lỗ hơn 8 tỷ USD trong năm nay. Và chắc chắn Uber sẽ còn đối mặt với rất nhiều rắc rối.
Bởi mới đây, bang California đã thông qua luật buộc Uber phải coi tài xế là nhân viên chính thức để họ được hưởng các phúc lợi như bảo hiểm, lương tối thiểu. Điều đó có nghĩa là Uber không còn là một công ty hoạt động theo mô hình “kinh tế chia sẻ” nữa, mà chẳng khác gì các hãng taxi khác.
Tham vọng "tái định nghĩa"
Barron’s dẫn lời tỷ phú Larry Ellison, đồng sáng lập Oracle, mô tả trên thực tế Uber là thực thể “vô giá trị”. Doanh nhân Ellison phân tích Uber không sở hữu xe, không kiểm soát được tài xế và “ứng dụng thì đến con mèo của tôi cũng viết được”. “Uber chẳng có gì trong tay cả, không công nghệ, không có sự trung thành của khách hàng”, ông nhấn mạnh.
Giá trị vốn hóa của Uber và WeWork được định ở mức hàng chục tỷ USD nhờ nguồn tiền mặt của các nhà đầu tư hào phóng. SoftBank của tỷ phú Masayoshi Son đầu tư và cam kết đầu tư tới 10,5 tỷ USD vào WeWork. Tập đoàn Nhật Bản cũng đổ 7,6 tỷ USD vào Uber hồi đầu năm 2018.
Tại sao các nhà đầu tư như SoftBank sẵn sàng chi nhiều tiền đến như vậy cho Uber và WeWork dù chúng hoạt động tệ hại đến vậy? Theo The Atlantic, giới đầu tư mờ mắt trước những lời mời gọi cực kỳ hấp dẫn như “tái định nghĩa không gian văn phòng” hay “tái định nghĩa giao thông đô thị”. Các startup này đưa ra tầm nhìn mang tính chinh phục trên phạm vi toàn cầu.
Và chinh phục thị trường toàn cầu đòi hỏi một lượng tiền khổng lồ để thuê bất động sản, trả lương cho tài xế, trợ giá cho khách hàng, vận động hành lang các chính phủ…
Cả WeWork và Uber đều rao bán những giấc mơ chinh phục điên rồ, phi hiện thực. Ảnh: Reuters.
Nhưng khi phải minh bạch hoạt động theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC), cả hai con “kỳ lân” Uber và WeWork đều cho thấy bộ mặt thật thảm hại. CNN dẫn lời nhà phân tích Daniel Morgan của Synovus Trust Company nhận định các nhà đầu tư muốn nhìn thấy “một tia sáng cuối đường hầm của khả năng có lãi” ở Uber.
Nhưng không có ánh sáng nào cả. WeWork cũng vậy. Hồ sơ WeWork nộp lên SEC mô tả “một thị trường 1.600 tỷ USD” với gần 300 triệu thành viên. Nhưng cũng chính hồ sơ đó cho thấy tình trạng lỗ chồng lỗ khủng khiếp, và quan trọng hơn là WeWork không có một con đường nào sáng sủa để đến với tương lai có lãi.
Chưa kể CEO Adam Neumann còn làm trò ma giáo, bòn rút 700 triệu USD của WeWork từ các hợp đồng bán cổ phiếu và vay nợ thế chấp bằng cổ phiếu công ty.
Chỉ toán học mới cứu được kỳ lân
Các startup “công nghệ tiêu dùng khác” không công bố báo cáo tài chính, do đó rất khó xác định sức khỏe của chúng. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng đã có quá đủ bằng chứng cho thấy mô hình kinh doanh chia sẻ của thương hiệu Uber và WeWork có quá nhiều vấn đề, đặc biệt là tham vọng toàn cầu đòi hỏi một dòng vốn tỷ USD không bao giờ cạn.
Phải chăng SoftBank tưởng tượng rằng chỉ cần đặt chiến lược dài hạn và tiêu tiền vô tội vạ là một startup công nghệ tiêu dùng có thể biến thành “Amazon mới”? Theo The Atlantic, các nhà đầu tư đang đặt cược vào những dịch vụ Internet đáp ứng nhu cầu ăn, ngủ, mua sắm, đi chơi, đi làm… của cư dân thành thị.
Tài xế Uber và Lyft biểu tình ở California đòi lương thưởng công bằng. Ảnh: Sacramento Bee.
Đó không phải là tầm nhìn sai lầm. Thực tế là các công ty này cũng đã đạt tới doanh thu hàng tỷ USD, phục vụ hàng triệu khách hàng ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Vấn đề là các công ty như Uber hay WeWork rao bán giấc mơ nghìn tỷ USD trong khi lỗ hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ USD. Giải pháp phải là xóa bỏ ảo tưởng chinh phục thế giới điên rồ, thu gọn hoạt động, trở về với giá trị thị trường thực thụ.
“Các công ty khởi nghiệp kỳ lân chưa chết, dù giá trị vốn hóa của chúng đã ngắc ngoải. Nhưng chúng phải thay đổi con đường và mô hình kinh doanh. Ma thuật đã tạo ra chúng và giờ chỉ có toán học mới cứu được chúng”, The Atlantic khẳng định.
* Nguồn: Zing News