Đến lúc đó, đối thủ cạnh tranh chính yếu của Wal-Mart chính là Tập đoàn Carrefour (Pháp) - tập đoàn bán lẻ lớn thứ hai thế giới và Tesco (Anh) - tập đoàn lớn thứ ba.

Sự đối đầu này chính là thách thức ở cấp cao hơn so với Tập đoàn Kmart chỉ ở trong lòng nước Mỹ. Thị trường lớn nhất chứng kiến cuộc đối đầu này đang là Trung Quốc. Năm 2004, Carrefour có đến 40 cửa hàng tại 23 thành phố của Trung Quốc với doanh thu hằng năm khoảng 12 tỉ nhân dân tệ.

Do chen chân vào đây chậm hơn, Wal-Mart mới chỉ có 26 đại lý bán lẻ với doanh thu khoảng 6 tỉ nhân dân tệ (năm 2003). Theo thống kê, hiện có khoảng 30 trong số 50 tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới đã có mặt tại vùng đất Trung Hoa.

Trung Quốc: “Hãy vào làm ăn với đất nước chúng tôi”

Sau những lần “bành trướng” không ngừng nghỉ khắp châu Âu, Brazil, Mexico, Nam Phi, Úc..., cuối cùng Wal-Mart đã tiến đến Trung Quốc. Nền kinh tế thuộc loại sôi động nhất đã mở cửa đón một công ty thuộc loại năng động nhất.

Trong suy nghĩ của đa số người dân Trung Quốc, siêu thị lớn nhất họ biết lại là Trust-Mart chứ không phải là Wal-Mart hay Carrefour, những hãng bán lẻ nổi danh khắp thế giới. Việc Wal-Mart cần làm lúc này là xác định và nắm bắt được nhu cầu cũng như tâm lý của người dân Trung Quốc.

Tại Mexico, do làm tốt điều này mà Wal-Mart nắm giữ được khoảng 60% thị trường bán lẻ tại đây. Nhưng cũng chính người khổng lồ đã buộc phải từ bỏ thị trường Đức và Hàn Quốc khi không đáp ứng được tâm lý mua sắm của người dân tại hai đất nước này.

Không quá khó để nhận ra việc e dè cũng như kỳ thị, tìm mọi cách chống trả lại sức “bành trướng” của Wal-Mart tại nhiều quốc gia nó đi qua. Bên cạnh những thành công không có gì để bàn cãi tại châu Âu, Brazil, Mexico..., Wal-Mart cũng vấp phải một số thất bại cay đắng.

Năm 1997, khi tiếp cận thị trường nước Đức, lập tức Wal-Mart nhận được những quả đắng đầu tiên. Thay vì vui mừng trước những nụ cười, thái độ niềm nở, lịch sự của các nhân viên Wal-Mart, người Đức lại tỏ ra e dè và nghi ngờ. Kết quả là Wal-Mart bị thua lỗ liên tục, và đến năm 2006 buộc phải bán chuỗi bán lẻ lại cho Metro - một đại gia bán lẻ của nước Đức.

Wal-Mart cũng nhận phải một thất bại tương tự tại Hàn Quốc khi ồ ạt “đổ quân” vào. Ngày 23/6/2006, báo International Herald Tribune giật tít “Wal-Mart bán tháo cửa hàng và rút lui khỏi Hàn Quốc”. 16 siêu thị buộc phải sang tay cho Shinsega - đối thủ trực tiếp tại xứ sở kim chi với giá 882 triệu USD.

Đây quả là một bài học cay đắng cho người khổng lồ. Wal-Mart tiếp tục đi vào bánh xe đổ của một loạt đại gia trước đó cũng đã bị đánh bật khỏi Hàn Quốc: Carrefour (Pháp) bán chuỗi cửa hàng bán lẻ lại cho E-Land (Hàn Quốc), Google thua trắng Naver Web, Nokia bị “đo ván” bởi Samsung và LG...

Nhưng Trung Quốc không phải là Đức hay Hàn Quốc! Đứng trước thông tin Wal-Mart sẽ vào Trung Quốc, lãnh đạo nước này đã tuyên bố: “Hãy vào làm ăn với đất nước tôi”.

Hiệu ứng của Wal-Mart có thể chính là thứ mà người Trung Quốc đang cần. Những nhà cung cấp ở đây cũng nhìn nhận Wal-Mart đã có những ảnh hưởng tích cực, thay đổi trong tất cả lĩnh vực từ các hệ thống cung cấp, mạng lưới phân phối đến các dịch vụ khách hàng.

Sự phổ biến của các cửa hàng Wal-Mart đang góp phần gia tăng số lượng các nhà cung cấp Trung Quốc, đồng thời rõ ràng sẽ làm Trung Quốc trở thành một quốc gia cạnh tranh hơn trên trường quốc tế. Các quan chức chính phủ coi Wal-Mart như một phương thức hiệu quả để các nhà sản xuất trong nước nỗ lực, đồng thời thúc đẩy sự chuyển giao của Trung Quốc từ kế hoạch nhà nước sang thị trường tự do.

“Nhập gia tùy tục”

Trụ sở của Wal-Mart tại Trung Quốc nằm ở Thâm Quyến, thành phố có cảng lớn thứ năm trên thế giới. Wal-Mart càng buộc phải nhập gia tùy tục để không vuột mất thị trường tiềm năng này.

Ngoài việc chấp nhận những luật lệ bất thành văn của giới kinh doanh Trung Quốc, lần đầu tiên Wal-Mart phá bỏ lập trường được lập ra dưới thời Sam Walton: cho phép thành lập liên minh trong các cửa hàng. Điều này nghĩa là tạo điều kiện cho yếu tố thứ ba là người quản lý và người lao động “chen chân” vào - điều gần như cấm kỵ tại Wal-Mart.

Lý do là tại Trung Quốc, các công đoàn có tầm ảnh hưởng rất lớn. Không cho phép công đoàn phát triển, nghĩa là Wal-Mart đành chấp nhận tự loại bỏ gần như 50% tốc độ phát triển của mình. Cũng như tại Mỹ, Wal-Mart phát triển cùng với tầng lớp trung lưu của Trung Quốc.

Khi mở cửa hàng đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 1996, Wal-Mart đã không có gian hàng mỹ phẩm, vì khi đó có vẻ xa xỉ và không cần thiết. Hiện nay, các cửa hàng của Wal-Mart đều có quầy mỹ phẩm ngay cạnh cửa chính, được hoàn thiện với cách trưng bày diễn đạt dưới hình thức chiếu rọi tứ phía, bên cạnh các bức chân dung khổng lồ của các phụ nữ châu Á hấp dẫn, trang điểm đẹp.

Bắt đầu xuất hiện tại Trung Quốc từ năm 1996, đến nay Wal-Mart đã thiết lập hơn 60 cửa hàng với khoảng 80 chi nhánh bán lẻ tại 34 thành phố.

Wal-Mart cũng đang dự định mở thêm nhiều cửa hàng khác trong năm 2007, đồng thời sẽ tăng số lao động tại đây từ 36.000 người hiện nay lên 150.000 người trong năm năm tới. Mốc son quan trọng nhất là Wal-Mart sẽ dốc 1 tỉ USD mua lại mạng lưới đại siêu thị lớn nhất Trung Quốc Trust-Mart. Doanh thu của Trust-Mart năm 2005 là 1,67 tỉ USD, trong khi Wal-Mart chỉ có doanh thu 1,3 tỉ USD tại thị trường Trung Quốc. Doanh thu năm 2005 của Carrefour là hơn 2 tỉ USD. Dự kiến Wal-Mart sẽ mua 31 cửa hàng của Trust-Mart và nâng dần tỉ lệ cổ phần sở hữu trong tập đoàn này.

Giới quan sát cho rằng việc sáp nhập Trust-Mart vào Wal-Mart sẽ giúp tập đoàn này vươn lên trở thành tập đoàn có hệ thống bán lẻ và kho hàng lớn nhất Trung Quốc. Và lúc đó, Wal-Mart sẽ trở thành số một, vượt Carrefour và Tesco.

Một thị trường bán lẻ đầy tiềm năng khác mà Wal-Mart đã nhắm đến không thể không nhắc tới là Ấn Độ. Trước khi chính thức tấn công vào Ấn Độ, công ty đã tranh thủ khai thác thị trường này bởi những đơn hàng có tổng trị giá đến 1,6 tỉ USD cho hàng may mặc, đồ da.

Để tiến vào nước này, Wal-Mart đã bắt tay với Sunil Mittal - nhà cung ứng điện thoại di động số một Ấn Độ. Tại đây, hiện Sunil Mittal nắm giữ 200 cửa hàng phân phối. Việc liên doanh với Wal-Mart sẽ đem đến lợi ích cho cả hai phía: cổ phiếu của Sunil Mital tăng cao và thời gian mở rộng chuỗi cửa hàng của Wal-Mart tại Ấn Độ sẽ được rút ngắn (dự tính hoàn thành trong năm năm).

Cũng như tất cả các quốc gia khác đi qua, người dân đều e ngại sự “xâm lăng” của Wal-Mart. Không chỉ dẫn đến nạn lương thấp và thất nghiệp, những nhà kho của Wal-Mart luôn bị e ngại là ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, lúc này Wal-Mart đã đưa ra “nước cờ” mới: nhượng quyền thương hiệu.

Theo Tuổi Trẻ

Pin It
Quảng cáo của FedEx

"Bạn phải có mặt ở đấy trước bằng cách đi đến đấy trước"

User Menu