Hầu như các chuỗi kinh doanh điện máy như Thế Giới Di Động, Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Chợ Lớn, Phan Khang... đều phát triển kênh kinh doanh trực tuyến vốn được cho là "một vốn nhiều lời".

tmdt copy

Tháng 5/2015, Trung tâm điện máy Đệ Nhất Phan Khang ra mắt website phankhang.vn phiên bản mới. Đây là điểm khởi đầu cho sự cải tiến toàn diện của Đệ Nhất Phan Khang nhằm tăng chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng tốt hơn nữa.

Trước đó, năm 2011, hệ thống điện máy Thiên Hòa đã kinh doanh trực tuyến. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, mảng bán hàng này của Thiên Hòa chủ yếu để quảng bá thương hiệu, tăng độ nhận diện thương hiệu với khách hàng. Hai năm trở lại đây, Thiên Hòa mới chú trọng kênh bán hàng online.

Ông Trần Tấn Hoàng Hậu - Giám đốc Marketing hệ thống điện máy Thiên Hòa cho rằng: "Kinh doanh online là xu hướng tất yếu trong thị trường công nghệ số đang phát triển rất mạnh. Vì thế, trong kế hoạch từ nay đến năm 2020, Thiên Hòa sẽ đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến với mục tiêu tăng trưởng 400%/năm. Để đạt được điều này, Thiên Hòa sẽ có 200 nhân sự trong thời gian tới. Song song đó, Công ty cũng đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, marketing online thông qua các trang mạng xã hội, website".

Không đứng ngoài cuộc đua khi thị trường đang tăng trưởng, các thương hiệu Nguyễn Kim, Chợ Lớn... cũng đầu tư mạnh cho lĩnh vực này. Ngoài website bán hàng trực tuyến nguyenkim.com được cập nhật thường xuyên về sản phẩm mới, các chương trình khuyến mãi, tháng 5/2016, Nguyễn Kim với sự "trợ lực" từ Central Group đã mua lại Zalora Việt Nam - một thương hiệu đã tạo được chỗ đứng nhất định trong kinh doanh trực tuyến.

Với thương vụ M&A (mua bán, sáp nhập) này, Nguyễn Kim một lần nữa khẳng định sự nhanh nhạy của một doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm trên trong lĩnh vực bán lẻ. Trong khi đó, Chợ Lớn với hệ thống 39 trung tâm kinh doanh ở nhiều tỉnh - thành cùng website bán hàng chuyên nghiệp nhưng vẫn tiếp tục tuyển dụng nhân viên bán hàng online.

Việc bán hàng online giúp doanh nghiệp tiếp cận dễ hơn với khách hàng, tiết kiệm được nhiều chi phí (nhân viên, mặt bằng, quản lý...) nên sẽ có nhiều chính sách bán hàng tốt hơn. Bên cạnh đó, với tâm lý quen dần với việc mua hàng online của khách hàng cùng sự tiện lợi về thời gian và chi phí cũng mang đến hiệu quả kinh doanh rõ rệt cho doanh nghiệp.

Cụ thể, doanh thu bán hàng online của Thiên Hòa luôn tăng trưởng ở mức 200% mỗi năm. Và hiện nay, 40 nhân viên online của dienmaythienhoa.vn không xử lý hết các đơn hàng trực tuyến.

Ra đời sau nhưng mảng kinh doanh online của Đệ Nhất Phan Khang trong năm 2015 bằng doanh thu của một trung tâm hiện hữu, vì thế mà "Đệ Nhất Phan Khang đang đẩy mạnh đầu tư để mang đến dịch vụ tốt nhất cho khách hàng", đại diện Đệ Nhất Phan Khang cho biết.

Theo báo cáo của Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), năm 2015, thương mại điện tử ước đạt doanh số 4,07 tỷ USD, tăng 37% so với năm 2014, chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Loại hàng hóa, dịch vụ được mua trực tuyến thường xuyên nhất là áo quần, giày dép và mỹ phẩm (chiếm 64%), tiếp đến là đồ công nghệ và điện tử, thiết bị đồ dùng gia đình, sách, văn phòng phẩm.

Dự báo đến năm 2020, mô hình thương mại điện tử doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C) sẽ tăng 20%/năm. Riêng trong nhóm ngành điện máy, dự báo của Euromonitor International Việt Nam (thuộc Tập đoàn Nghiên cứu thị trường Euromonitor International), từ năm 2015 đến năm 2020, bán lẻ trực tuyến hàng điện máy sẽ tăng trên 30% mỗi năm, đạt con số 20.985 tỷ đồng vào năm 2020.

Tiềm năng như vậy nên các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, với sự phát triển mạnh mẽ của giải pháp digital marketing, các doanh nghiệp bán lẻ càng có thêm cơ hội để tiếp cận và bán sản phẩm đến người tiêu dùng, do đó, online sẽ là kênh bán hàng chủ lực của các nhà bán lẻ điện máy.

Ông Trần Kinh Doanh - TGĐ Công ty CP Thế Giới Di Động chia sẻ: "Năm 2015, doanh thu bán hàng online của Thế Giới Di Động đạt 1.650 tỷ đồng, tăng 94% so với năm trước (năm 2014 đạt 925 tỷ đồng). Năm 2016, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 3.300 tỷ đồng, và 3 tháng đầu năm đã đạt 680 tỷ đồng, tăng 101% so với năm 2015. Tính đến giữa tháng 8/2016, Công ty đã có 1.023 cửa hàng Thegioididong và 135 cửa hàng dienmayXanh.com tại 63 tỉnh - thành. Mạng lưới phủ rộng đã tạo lợi thế về giao hàng, bảo hành, chăm sóc khách hàng, và bán hàng trực tuyến đang là tiềm năng lớn để Công ty khai thác".

Tiềm năng là vậy và thành công đã đến với nhiều doanh nghiệp nhưng cạnh tranh trực tuyến hiện nay không còn là bán hàng giá rẻ mà phải tạo sự khác biệt trong sản phẩm, dịch vụ, chế độ hậu mãi. Theo ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động, giá rẻ không phải là mô hình bền vững, bởi tâm lý khách hàng khi muốn mua đồ rẻ sẽ tìm đến nơi rẻ nhất.

MINH HÀO/DNSG

Pin It
Aristotle Onassis

"Bí quyết kinh doanh là... biết cái điều mà người khác không biết"

User Menu