Theo một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Kauffman về lãnh đạo doanh nghiệp, những công ty với kế hoạch kinh doanh được viết ra rõ ràng và hoàn chỉnh có mức tăng trưởng nhanh hơn 50% và đạt mức tỉ suất lợi nhuận gộp cao hơn 12% so với những công ty khác.
Khi một bản kế hoạch kinh doanh được viết ra, những cơ hội cho sự tăng trưởng của công ty trở nên rõ ràng hơn. Điều này còn đem lại lòng tin từ phía các nhà đầu tư tiềm năng và bạn có thể đảm bảo một nguồn tài trợ bên ngoài khi cần thiết.
Đã có nhiều doanh nhân chia sẻ lý do vì sao họ không viết ra một bản kế hoạch kinh doanh cho công ty của mình, nhưng họ đang sai. Mọi doanh nghiệp đều cần một bản kế hoạch kinh doanh – và không phải chỉ một bản mà là mỗi bản cho một năm.
Sau đây là bốn sai lầm phổ biến nhất trong suy nghĩ của nhiều nhà quản lý doanh nghiệp:
1. Tôi chỉ cần bản kế hoạch kinh doanh cho thời điểm xuất phát hoặc khi tôi cần một khoản vay, một khoản đầu tư
Một bản kế hoạch kinh doanh sẽ giúp bạn ra những quyết định đúng, giữ công ty tiếp tục hoạt động và ngăn bạn đi lệch khỏi con đường hướng tới những mục tiêu cuối cùng.
Hàng năm, bạn nên ngồi xuống và lập chiến lược cho 12 tháng sắp tới. Rút ra những bài học của năm vừa qua, tự định vị lại vị trí của mình trên thị trường và đánh giá lại những định hướng kinh doanh của mình. Bây giờ đã là tháng ba nhưng vẫn chưa phải là muộn để làm những việc này.
2. Tôi không cần viết một bản kế hoạch kinh doanh vì tất cả luôn ở trong đầu tôi rồi.
Việc không viết một bản kế hoạch kinh doanh sẽ cản trở bạn phát triển công ty của mình. Đặt bút viết một bản kế hoạch kinh doanh là bạn đang hệ thống hóa lại công việc kinh doanh của công ty, để khi thiếu bạn công ty vẫn có thể hoạt động tốt. Có một cách để định nghĩa một doanh nghiệp thành công, đó là “một doanh nghiệp sinh lợi nhuận và hoạt động không cần bạn”. Nếu bạn giữ mọi kế hoạch kinh doanh trong đầu, điều này có thể sẽ không xảy ra.
3. Tôi cần thay đổi tư duy để kích thích tăng trưởng chứ không cần viết kế hoạch kinh doanh
Trên thực tế, tư duy hay quan điểm kinh doanh không phải vấn đề lớn mà là mô hình hoạt động hợp lý. Khi viết ra một bản kế hoạch kinh doanh, bạn có thể bắt đầu nhìn thấy toàn cảnh và không đặt áp lực phải thay đổi tư duy lên chính bản thân mình. Từ đó, bạn có thể thấy các chiến lược, thường là những chiến lược khả thi giúp kích thích tăng trưởng cho công ty.
4. Viết kế hoạch kinh doanh không có ích gì vì tình hình kinh doanh của công ty thay đổi hàng tuần
Cần nhớ rằng bản kế hoạch kinh doanh của bạn không phải một danh sách những điều mong muốn mà phải là một danh sách những mục tiêu thực tế và khả thi, đi cùng với những kế hoạch hành động cụ thể để đạt được những mục tiêu đó.
Tuy nhiên, không nên hiểu bản kế hoạch kinh doanh là con đường duy nhất, mà hãy nhìn nhận nó như một định hướng chung mà bạn muốn theo. Bạn cần học cách lập kế hoạch để vượt qua bất kỳ “cơn bão” nào có thể ập tới bất thình lình.
Một bản kế hoạch kinh doanh nên có những nội dung sau:
- Văn hóa công ty: giá trị cốt lõi và sứ mệnh của công ty là gì?
- Mục đích: công ty hoạt động kinh doanh vì mục đích gì? Phân tích SWOT (SWOT – viết tắt của Strengths, Weaknesses, Opportunities và Threats): là một công cụ quản trị, dùng để đánh giá các thế mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp, những cơ hội và mối đe dọa đến từ môi trường bên ngoài đối với doanh nghiệp tại thời điểm đó.
- Mục tiêu dài hạn: là những điều bạn muốn đạt được trong 5-10 năm tới Mục tiêu trung hạn: là những điều bạn muốn đạt được trong 3-5 năm tới.
- Mục tiêu ngắn hạn: là những điều bạn muốn đạt được trong 1 năm tới.
- Những tiềm lực (gồm nội lực và ngoại lực) có thể giúp công ty đạt được mục tiêu ngắn hạn và trung hạn là gì.
- Hệ thống KPI (KPI – viết tắt của Key Performance Indicator): là một hệ thống các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của công ty và các bộ phận trong công ty, giúp bạn biết công ty đang làm tốt hay không tốt và từ đó đưa ra những quyết định về quản trị.
- Bảng điểm cân bằng (Balanced Scorecard): là một công cụ quản trị, dùng để lên kế hoạch chiến lược, giúp công ty điều khiển hoạt động kinh doanh đi đúng với tầm nhìn và chiến lược đã lập trước.
- Bảng điểm cân bằng thường đi cùng với hệ thống KPI để giám sát và đo lường hiệu quả hoạt động so với các mục tiêu chiến lược của công ty.
- Kế hoạch tiếp thị: làm thế nào để bán được nhiều hàng (hoặc dịch vụ) hơn và làm thế nào để tăng doanh thu.
- Kế hoạch vận hành: xây dựng những quy trình giúp công ty hoạt động hàng ngày và làm thế nào để tối ưu hóa hiệu quả vận hành.
- Kế hoạch tài chính: đảm bảo rằng công ty đang kiểm soát được chi phí và có doanh thu
Kế hoạch kinh doanh là một tài liệu quan trọng của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp với một bản kế hoạch kinh doanh đúng đắn và hoàn chỉnh sẽ tạo ra doanh thu, sinh lời và kéo dài tuổi thọ của doanh nghiệp. Đó chính là sự khác biệt.
Tú Mạnh
Theo Trí Thức Trẻ