Để phát triển một ý tưởng kinh doanh, trước hết, bạn cần vẽ ra được một viễn cảnh tương lai về những gì bạn muốn đạt được và nắm được những điểm mạnh yếu của bản thân . Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn khởi động và có được câu trả lời cho những yếu tố đó.
XÂY DỰNG VIỄN CẢNH
Hãy nhắm mắt lại trong vòng một vài phút và tưởng tượng ra một hình ảnh thật chi tiết về những gì mà bạn muốn thấy về cuộc sống của mình trong 5 năm tới. Hình ảnh càng chi tiết càng tốt.
- Bạn sẽ sống ở đâu?
- Bạn sẽ làm gì hàng ngày?
- Bạn sẽ làm công việc nào?
- Bạn sẽ làm việc một mình hay cùng với những người khác?
- Xung quanh bạn sẽ là những ai?
- Bạn sẽ làm gì khi bạn không làm việc?
Đừng tự giới hạn mình trong những câu hỏi này; bạn hãy sáng tạo ra một hình ảnh thật sống động về bản thân. Hãy nghĩ đến những gì quan trọng đối với bạn. Đây là những vấn đề cá nhân sẽ có ảnh hưởng tới kiểu doanh nghiệp mà bạn sẽ theo đuổi - bạn sẽ muốn làm người thành thị hay người nông thôn; bạn muốn đi đây đó hay chỉ ngồi trước máy tính; bạn muốn gặp mọi người hay chỉ muốn làm việc qua điện thoại... Làm như vậy sẽ giúp bạn có được một nền tảng cho việc lựa chọn loại hình công việc kinh doanh, ra các quyết định kinh doanh, và đặt ra những mục tiêu rõ ràng.
Tốt nhất, bạn hãy làm bài tập này cùng với một người khác và chia sẻ hình dung của bạn với người đó. Nếu bạn không thể làm điều đó thì hãy viết ra để việc hình dung của bạn được cụ thể hơn.
XÁC ĐỊNH NHỮNG ĐIỂM MẠNH CỦA BẢN THÂN VÀ NHỮNG VIỆC BẠN MUỐN LÀM
Thường thì sẽ rất có ích nếu bạn nhìn lại bản thân để xem mình thích gì và không thích gì, cũng như mình có tài năng trong lĩnh vực nào. Việc làm này không chỉ giúp bạn đi đến một ý tưởng kinh doanh thắng lợi. Nó còn giúp bạn đi đến một ý tưởng kinh doanh phù hợp với các kỹ năng và sở thích của bạn. Sự hứng thú đối với công việc kinh doanh là yếu tố quan trọng giúp bạn có thể phát triển trên con đường dài phía trước.
Một trong những cách tốt nhất để làm điều này là lên 3 danh sách riêng rẽ sau đây:
- Danh sách 1: Những điểm mạnh của bạn
Mọi người đều có điểm mạnh trong một lĩnh vực nào đó và nhiều kỹ năng có thể là nền tảng cho một công việc kinh doanh cụ thể. Vốn dĩ, bạn có thể sở hữu những kỹ năng như tổ chức hoặc năng khiếu sửa chữa các đồ vật. Tuy nhiên, bạn có thể đã quá quen thuộc với những kỹ năng của mình đến mức chúng không thể ngay lập tức xuất hiện trong đầu bạn. Vì vậy, hãy lập danh sách này bằng cách tự quan sát bản thân trong một vài tuần lễ để xem mình có những năng khiếu gì. Và bạn cũng có thể hỏi những người hiểu rõ bạn để biết được ấn tượng của họ về những gì ưu điểm vượt trội mà họ nhận thấy ở bạn.
- Danh sách 2: Những kỹ năng bạn đã tích luỹ được trong những năm qua
Cho dù làm việc trong bất kỳ môi trường nào, chắc chắn, bạn cũng tích luỹ được ít nhiều kỹ năng. Hãy viết ra tất cả những trách nhiệm trong công việc mà bạn đã từng đảm đương; hãy nghĩ đến những nhiệm vụ khác nhau mà bạn biết cách xử lý và hoàn thành. Hãy bảo đảm rằng, danh sách này có ít nhất 10 mục khác nhau. Có như vậy, bạn mới có thể đánh giá được kỹ năng hiện có của bản thân một cách chính xác
- Danh sách 3: Những việc bạn muốn làm
Hãy lên danh sách những việc bạn muốn làm. Điều này có thể không dễ dàng như người ta tưởng. Danh sách đó phải gồm ít nhất 10 mục khác nhau. Hãy suy nghĩ rộng hơn những sở thích và những mối quan tâm nảy sinh tức thì trong đầu bạn. Nếu bạn cảm thấy lúng túng, hãy hỏi ý kiến của những người đã quen biết bạn từ lâu -- đặc biệt là những người biết bạn từ khi bạn còn nhỏ -- để xem họ thấy bạn vui sướng nhất khi làm những công việc như thế nào?
Hãy để ba danh sách này ở một chỗ dễ thấy (ví dụ trên bàn làm việc của bạn chẳng hạn) trong một vài tuần, và mỗi khi bạn có một ý tưởng mới, hãy lập tức ghi nó vào một mục phù hợp. Hãy hỏi cả những người hiểu rõ bạn để thông qua câu chuyện của họ khơi dậy trí nhớ của mình.
LỜI KẾT
Các bước trên đây giúp bạn đi đến một ý tưởng kinh doanh bằng cách hướng nội, đi sâu tìm hiểu những gì nằm trong chính con người bạn. Sau khi đã thấu hiểu bản thân, biết được mình muốn gì và có thể làm gì thì đã đến lúc bạn nên hướng ngoại để hoàn thiện thêm ý tưởng của mình. Hãy chịu khó quan sát, tìm kiếm và nghiên cứu để phát hiện xem trên thị trường có những nhu cầu nào chưa được lấp đầy mà bạn có thể đáp ứng với sản phẩm hay dịch vụ của mình. Chẳng hạn, hiện có khá nhiều các danh sách kinh doanh "Top 10" hay "Mới nhất” và “Nóng hổi". Những danh sách này có thể khuyến khích và đem lại cho bạn một số ý tưởng bám sát và cập nhật với thị trường biến đổi không ngừng như hiện nay.
Theo saga.vn
Không ghi tác giả