vinamit-quangba.jpgĐó là kết luận của nhiều doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tham gia chuyến đi khảo sát cơ hội thâm nhập thị trường Trung Quốc đầu tháng 5.2012 và một số đã trình bày tại hội thảo ngày 10.5 tại TP.HCM về những cánh cửa kinh doanh mở rộng khi biên giới làm ăn rộng mở thành khu vực mậu dịch tự do ASEAN + Trung Quốc.

Có 23 doanh nghiệp Việt đã đi thăm hội chợ xuất khẩu Quảng Châu, thăm các hệ thống siêu thị lớn của Trung Quốc với sự hướng dẫn của ông Nguyễn Lâm Viên, chủ tịch của công ty Vinamit về đường đi nước bước tại thị trường này. Đoàn cũng tổ chức hội thảo với các doanh nghiệp Trung Quốc và làm việc với tổng lãnh sự, tham tán thương mại Việt Nam tại Quảng Châu. Kết luận bước đầu được đưa ra là: cơ hội lớn, khả thi, nhưng đòi hỏi sự thay đổi nhận thức về việc thâm nhập thị trường và cần có phương pháp đi đúng.

Ai có phần trong miếng bánh 1,4 tỉ dân?

Vinamit, đã có hơn mười năm thâm nhập thị trường này, đã lập công ty phân phối riêng, và hiện có mặt trên hầu hết các hệ thống siêu thị của Trung Quốc. Nhưng chính Vinamit ngày càng thấy rõ, phải liên kết mạnh với nhiều doanh nghiệp Việt nữa thì sức cạnh tranh sẽ tốt hơn. Tại hội chợ Quảng Châu, có khu vực triển lãm quốc gia của Malaysia, Pakistan, Singapore… mỗi gian hàng có khi chỉ kinh doanh một mặt hàng ớt, tỏi… quy mô nhỏ nhưng đi chung thành hội nên sức cạnh tranh và khả năng đàm phán tăng. Đặc biệt, sau chuyến đi, doanh nghiệp trong đoàn càng nhận rõ rằng phân khúc mà Việt Nam mình có thể cạnh tranh tốt nhất là nông sản, thuỷ sản và thực phẩm chế biến, với chất lượng cao vượt trội mặt bằng chung tại Trung Quốc.

Điều này được xác nhận bởi ông Tô Quốc Tuấn, tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc. Ông sốt sắng nhận lời đến tham dự hội thảo để chia sẻ tất cả những điều mình biết hòng mong doanh nghiệp Việt có thể làm ăn tốt tại đây. Ông nhiệt tình đi mời khách, là cán bộ quản lý kinh tế, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà phân phối lớn của Trung Quốc đến gặp đoàn vào ngày 4.5. “Con đường chính sách đã mở, nhưng doanh nghiệp mình phải biết tận dụng tối đa cơ hội này”, ông cho biết. Ông Tuấn cho biết thêm, đi chính ngạch đang rất có lợi, vì ngoài hàng rào thuế quan đang giảm nhẹ, thì chính ngạch chính là con đường làm ăn lâu dài với những đối tác đàng hoàng, uy tín cũng như thâm nhập với quy mô lớn và đi sâu vào hệ thống siêu thị, vốn đang chiếm tỷ trọng 60 – 65% tổng dung lượng thị trường Trung Quốc.

Đảo chiều kinh doanh

Mười năm trước, một doanh nhân từng là đại diện xúc tiến thương mại của Trung Quốc tại Canada đến Việt Nam, và ông chọn ở lại TP.HCM để phát triển sự nghiệp. Việc bán các sản phẩm, máy móc công nghiệp của Trung Quốc cho thị trường Việt Nam của ông khá tốt nhưng hai năm nay, ông chuyển hướng kinh doanh, đổi tên công ty thành công ty xuất khẩu hàng Việt Nam sang Trung Quốc. Lý do giản đơn: cơ hội và lợi nhuận của việc bán hàng Việt sang quê ông tốt hơn nhiều. Lợi thế của doanh nhân này là hiểu biết các chính sách, cách thức và nguyên tắc kinh doanh của thị trường Trung Quốc, đặc biệt là hành lang pháp lý vốn dĩ vô cùng nghiêm khắc của quốc gia này. Ngoài 50 tuổi, ông vẫn miệt mài đi gặp các doanh nghiệp để thuyết phục họ xuất hàng sang Trung Quốc.

Quả vậy, những thương nhân Việt tại Móng Cái gắn rất chặt với các công ty phân phối ở bên kia cửa khẩu (Đông Hưng) hơn mười năm nay vẫn lặng lẽ phân phối hàng Việt sang Trung Quốc như một phương thức mưu sinh của họ. Chị Mão, buôn bán hàng Việt tại Đông Hưng có trong tay một đội ngũ nhân viên khắp các tỉnh vùng Hoa Nam rộng lớn, sẵn sàng chào bán và cung cấp mọi loại hàng hoá từ Việt Nam sang các bạn hàng Trung Quốc. Chị, giống như nhiều bạn hàng khác, cũng tích cực tham dự các hội chợ, triển lãm lớn vốn dĩ là nơi tập trung đông đảo nhất các nhà buôn để giới thiệu sản phẩm và gặp gỡ đối tác. Càphê G7, bánh đậu xanh Hải Dương, bánh trứng Hữu Nghị, kẹo dừa Bến Tre… đều là những mặt hàng mạnh mà mỗi tháng, một công ty như chị Mão có thể bán cái vèo mấy mươi tỉ đồng, dù công ty trong nước cứ tưởng chị đang bán hàng tại thị trường nội địa vì chị đặt mua từ đội ngũ bán hàng phía Bắc của doanh nghiệp.

Nhu cầu còn lớn

Hoa Nam Thành, một khu phức hợp thương mại do năm công ty lớn của Trung Quốc hợp lực đầu tư đang mở một không gian mới tại Nam Ninh với tên gọi là trung tâm giao thương Trung Quốc – ASEAN. Một quản lý cao cấp của trung tâm này nói sõi tiếng Việt đã đi xe hơi hơn mười tiếng đồng hồ để đến gặp đoàn doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao mời tham gia trung tâm này, và để kể tiếp câu chuyện: người Trung Quốc đang rất ưa chuộng hàng Việt Nam.

Việt Nam có lợi thế rất lớn về nông sản và thực phẩm chế biến. Bản thân những câu chuyện báo chí đưa thời gian gần đây về việc người Trung Quốc qua thu mua khoai lang, mía, vải… cũng cho thấy sự thiếu hụt những sản phẩm nông sản ở Trung Quốc.

Có một nghịch lý ít doanh nghiệp nhìn ra là ngay tại những thành phố có mức sống cao như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến… đại đa số người dân ở đây cũng khó có thể nếm được vị ngon chân thật của nông sản Việt Nam. Ngoài nông sản tươi (nhất là trái cây) thì thực phẩm chế biến rất được ưa chuộng: mít sấy, kẹo dừa, bánh đậu xanh và hàng loạt bánh trái khác: thạch dừa, rau câu, bánh tét, bánh ít, bột thực phẩm, gạo, mì gói… Người dân Trung Quốc được biết vị ngon thật sự của “báu vật phương Nam” – cách người Trung Quốc gọi nông sản Việt, thì rất mê nhưng báu vật này xuất hiện ở Trung Quốc còn ít quá, nhất là trong hệ thống siêu thị.

VŨ KHÁNH – TRẦN NGUYÊN

Theo SGTT

Pin It
Carrie

"Đàn ông có thể đã tìm ra lửa, nhưng chính đàn bà mới tìm ra cách chơi với lửa."

User Menu