Với những nền tảng tích cực của năm 2017, triển vọng về giá tiêu dùng trong năm 2018 đang được kỳ vọng khả quan, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long.

Trong năm 2018, giá cả thị trường hàng hóa Việt Nam dự báo chịu tác động của nhiều yếu tố. Trong đó, đáng chú ý là dịch bệnh đối với vật nuôi luôn có nguy cơ xảy ra, gây ảnh hưởng tới nguồn cung và giá cả các mặt hàng thực phẩm. Thời tiết, khí hậu vẫn là yếu tố có khả năng ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất nông nghiệp và nguồn cung nông sản trên thị trường.

Bên cạnh đó, triển vọng tăng giá của nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng trên thị trường thế giới cũng sẽ ảnh hưởng tới giá xăng bán lẻ trong nước.

Ông Ngô Trí Long nhận định giữ lạm phát ở mức 4% là một thách thức không nhỏ khi các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng năm 2017 như: đẩy nhanh đầu tư, nới tăng trưởng dư nợ tính dụng... có thể tác động trễ tới diễn biến chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2018.

G1

Lạm phát năm nay sẽ chịu áp lực chủ yếu từ việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ công và giá thực phẩm. Giá dịch vụ công tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình tăng giá 2016 – 2020 nên được dự báo đóng góp vào lạm phát tổng thể, tương đương năm 2017, khoảng 2 – 2,5 điểm phần trăm. Trong khi đó, giá thực phẩm thịt lợn năm 2017 giảm chủ yếu do dư cung. Do vậy, nhiều khả năng năm 2018 giá thực phẩm sẽ phục hồi khi nguồn cung thịt lợn giảm do ngành chăn nuôi có những điều chỉnh tác động không nhỏ đến lạm phát năm 2018.

Ông Long cho rằng tăng trưởng GDP năm nay vào khoảng 6,5 – 6,8% (mục tiêu Chính phủ là 6,7), như vậy sẽ cho ra những kết quả khác nhau về lạm phát. Theo đó, 6,5% là mức tăng trưởng tối ưu không gây áp lực lên lạm phát, còn tăng trưởng 6,8% là mức có thể đạt được khi các biện pháp kích cầu được áp dụng nhưng sẽ gây áp lực lạm phát của năm.

Cũng theo ông, tác động trễ của yếu tố tiền tệ đến lạm phát từ năm 2017 sang năm 2018 không lớn do hệ số thâm dụng tín dụng trong năm 2017 ước đạt 2,04 lần, giảm so với mức 2,81 lần của năm 2016. Giá hàng hóa thế giới sẽ không gây áp lực nhiều lên lạm phát do dự báo ít biến động trong năm 2018 và giá dầu được dự báo chỉ tăng nhẹ 6% so với mức tăng 24% của năm 2017.

"Các nhân tố trên cho thấy tuy mức lạm phát 4% tuy khó nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được", ông nói.

Góp ý các giải pháp kiểm soát giá tiêu dùng trong năm 2018, ông Ngô Trí Long cho rằng cần phải tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá nhằm kiểm soát lạm phát, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến của chỉ số CPI để có sự điều chỉnh kịp thời.

G2

Theo đó, điều hành CPI phải bám sát và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng, tránh tạo ra lạm phát kỳ vọng hay "độ trễ" của lạm phát trong những năm sau. Định hướng điều hành lạm phát là bám sát quy luật cung cầu của thị trường, không áp đặt thủ tục hành chính.

Trong đó, ông Long nhấn mạnh việc kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với các hàng hoá, dịch vụ do nhà nước định giá, các kê khai giá doanh nghiệp đối với các mặt hàng bình ổn, mặt hàng kê khai giá... "Tất cả những mặt hàng, dịch vụ mà nhà nước định giá trong năm 2018 cần điều chỉnh phù hợp theo thời điểm, tránh hiện tượng đưa vào thời điểm cao độ, dẫn đến phản ứng dây chuyền. Phải theo dõi sát sao thị trường, không để xảy ra biến động", ông nói.

Mặt khác, chính sách tiền tệ cần được điều hành linh hoạt, bám sát các diễn biến thị trường tài chính tiền tệ trong nước và quốc tế để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, NHNN tiếp tục nỗ lực neo giữ kỳ vọng lạm phát thấp ở mức hợp lý, nhằm giảm rủi ro và bất định cho nền kinh tế.

* Nguồn: Trí thức trẻ

Pin It
Robert Anthony

"Đối nghịch với lòng can đảm không phải là sự hèn nhát mà là sự phục tùng"

User Menu