Khép lại năm 2017, doanh thu thị trường bán lẻ trong nước gần cán mốc 130 tỉ đô la Mỹ. Đây là kết quả kỷ lục và vượt xa những dự báo của các công ty tư vấn quốc tế.

Triển vọng của thị trường bán lẻ với hơn 94 triệu dân được dự báo sẽ không ngừng gia tăng nhưng sự cạnh tranh cũng hết sức khốc liệt.

Mốc 130 tỉ đô la

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, thị trường bán lẻ hàng hóa trong nước năm 2017 ước đạt 2.937.300 tỉ đồng (khoảng 129,56 tỉ đô la Mỹ), tăng 10,9% so với năm 2016. Đây là mức tăng khá cao so với năm 2016 (đạt khoảng 118 tỉ đô la, tăng 10,2% so với năm 2015) và năm 2015 (110 tỉ đô la, tăng 10,6% so với năm 2014). Điều đáng chú ý là doanh số của thị trường rất khả quan nếu so với những dự báo của các công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường. Trước đây Deloitte và Statista đã dự báo thị trường bán lẻ Việt Nam đến năm 2016 mới đạt được 100 tỉ đô la; và theo Deloitte, đến năm 2017 là 109 tỉ đô la.

Còn theo khảo sát mà hãng tư vấn Mỹ A.T. Kearney công bố, năm 2017, Việt Nam đã tăng năm bậc, lên vị trí thứ sáu trong Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI), trở thành một trong sáu thị trường bán lẻ hấp dẫn chỉ sau các thị trường lớn: Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE). Một trong những nguyên nhân được cho là do Luật Đầu tư thông thoáng đã góp phần gia tăng sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà bán lẻ nước ngoài. Theo ông Soon Ghee Chua, Trưởng khu vực Đông Nam Á của A.T. Kearney, nền kinh tế Việt Nam đang chuyển hướng sang các doanh nghiệp tư nhân và các mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao, được kỳ vọng ​​sẽ giúp tăng thu nhập và tiêu dùng trong dài hạn. Ông còn nói: “Với sự gia tăng dân số ở thành thị và tầng lớp trung lưu, với tỷ lệ dân số trẻ và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, các nhà bán lẻ nước ngoài có lý do để lạc quan ở thị trường Việt Nam”.

Thị trường bán lẻ hàng hóa trong nước năm 2017 ước đạt 2.937.300 tỉ đồng (khoảng 129,56 tỉ đô la Mỹ), tăng 10,9% so với năm 2016.

Công ty tư vấn bất động sản Savills Việt Nam thì nhận định, tuy nền bán lẻ hiện đại xuất hiện ở Việt Nam tương đối muộn nhưng lại đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ.

Siêu thị ngoại mới sẽ không nhiều

Dù vậy, trong thời gian tới, việc phát triển các siêu thị mới được dự báo sẽ không thể nhanh và thuận lợi như thời gian vừa qua, nhất là ở các đô thị lớn. Nguyên nhân, theo giới phân tích, mô hình kinh doanh này được cho là không còn phù hợp trong bối cảnh thị trường bán lẻ ngày càng cạnh tranh cao và thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã và đang thay đổi. Liên tục trong ba năm qua, tuy thị trường đã chứng kiến hàng loạt vụ chuyển nhượng - sáp nhập (M&A) với giá trị rất lớn, nhưng các chuỗi siêu thị sau khi về tay chủ mới lại ít mở thêm các điểm kinh doanh mới.

Một nguyên nhân khác là do chính sách siết chặt việc mở điểm kinh doanh mới của nhà bán lẻ nước ngoài. Tại một hội thảo về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 diễn ra gần đây, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho biết sẽ tăng cường quản lý doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ để việc mở cửa thị trường vẫn đảm bảo công bằng với doanh nghiệp trong nước. Nếu vậy, giới phân tích nhận định nhà quản lý sẽ dựa vào quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế khu vực (ENT), và điều này chỉ có thể thực hiện đối với mô hình bán lẻ cần diện tích lớn như siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM).

Tăng tốc cửa hàng 24 giờ

Trong khi đó, theo kết quả khảo sát GRDI của A.T. Kearney, mô hình cửa hàng 24 giờ và siêu thị nhỏ (mini-mart) là phân khúc phát triển nhanh nhất của thị trường bán lẻ Việt Nam. Trước đó, báo cáo ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) năm 2016 của Kantar Worldpanel cũng cho thấy doanh thu của mô hình cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini ở khu vực thành thị tăng mạnh và đang là lực tăng trưởng chính. Businesskorea dẫn nguồn của GS Retail, chủ sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 của Hàn Quốc vừa mới tham gia vào thị trường Việt Nam, lý giải việc chọn thị trường Việt Nam để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của họ là dựa vào tiềm năng của một nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh và có tỷ lệ người tiêu dùng từ 35 tuổi trở xuống chiếm tới 57% dân số.

4A1

Ngành bán lẻ được dự báo sẽ tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài. Ảnh: Quốc Hùng.

Trước GS25, nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi như Circle K, B’s mart, Family Mart, MiniStop, Shop&Go... đã có mặt tại Việt Nam và mỗi thương hiệu đã phát triển hàng trăm cửa hàng. Năm ngoái, chuỗi 7-Eleven cũng đã xuất hiện ở TPHCM và đang đẩy nhanh số điểm bán với mục tiêu cả ngàn cửa hàng.

Mặt khác, việc mở điểm bán theo mô hình này được cho là không bị cản trở về chính sách. Theo Thông tư 08/2013 của Bộ Công Thương, việc lập cơ sở bán lẻ có diện tích dưới 500 mét vuông tại khu vực đã được các tỉnh, thành trực thuộc trung ương quy hoạch hoạt động mua bán hàng hóa và đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng thì không phải thực hiện quy định ENT. Như vậy, có thể thấy chính sách đã mở cửa hoàn toàn cho nhà bán lẻ nước ngoài khi mở cửa hàng dưới 500 mét vuông, một diện tích khá lớn cho một cửa hàng 24 giờ, trong khi mô hình bán lẻ này hiện chỉ có các thương hiệu của nước ngoài mà không có thương hiệu trong nước.

Sôi động thương mại điện tử

Theo ước tính, doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) chỉ chiếm 2,8-3% doanh thu ngành bán lẻ. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, thị trường TMĐT trong nước năm 2016 trị giá khoảng 4 tỉ đô la Mỹ và có tốc độ tăng trên 20%/năm. Hiệp hội TMĐT Việt Nam dự báo trong năm năm tới, quy mô thị trường có thể đạt 10 tỉ đô la.

Người tiêu dùng trẻ, tiếp cận công nghệ tương đối sâu, tỷ lệ người dùng Internet cao trong khi thị phần của TMĐT còn thấp là những chỉ báo cho một thị trường TMĐT “màu mỡ”. Sự cạnh tranh đang diễn ra không chỉ giữa các doanh nghiệp TMĐT hay các cửa hàng trên mạng xã hội mà nhiều doanh nghiệp bán lẻ truyền thống lớn cũng đã tham gia, như Thế giới di động (MWG), Viễn Thông A, FPT, Nguyễn Kim, Aeon, Lotte, Big C, Saigon Co.op... Những thương hiệu này đang thúc đẩy chiến lược bán hàng đa kênh (kết hợp ngoại tuyến và trực tuyến). Báo cáo đầu năm nay của Nielsen cho thấy bán hàng đa kênh là xu hướng bán lẻ của tương lai. Trong khi đó, theo báo cáo của Kantar Worldpanel, với tỷ lệ tăng trưởng về giá trị của ngành hàng FMCG thông qua TMĐT đạt 69%, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tăng trưởng TMĐT cao trên thế giới. Tuy thị trường TMĐT được ước đoán chỉ chiếm khoảng 5% tổng doanh thu ngành bán lẻ vào năm 2020, nhưng người tiêu dùng sẽ ngày càng sử dụng kênh trực tuyến để tìm kiếm sản phẩm, so sánh giá cả, đọc các nhận xét...

Cạnh tranh nội - ngoại

Ước tính doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm thị phần khoảng 50%, nhưng cũng có ý kiến cho rằng con số này cao hơn trong thực tế.

Ngành bán lẻ được dự báo sẽ tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài. Savills dẫn nguồn từ Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ước tính doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm thị phần khoảng 50%, nhưng cũng có ý kiến cho rằng con số này cao hơn trong thực tế. Và theo Savills Việt Nam, trong tương lai, hoạt động của các doanh nghiệp bán lẻ nội địa có khả năng bị thu hẹp hơn do thiếu kinh nghiệm, quy mô đầu tư và nguồn nhân lực.

Nhìn vào các nhà bán lẻ ngoại có thể thấy đặc điểm của họ là sự bài bản, cẩn trọng, là chiến lược, và tầm nhìn dài hạn, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam thì có sự linh hoạt, tính dễ thích ứng và sự thấu hiểu thói quen, văn hóa của người tiêu dùng. Nhưng theo Savills, xét trên “sân chơi quốc tế” thì sự linh hoạt không còn là ưu điểm, dù thế mạnh đó có thể áp dụng cho một số thị trường mới ở các tỉnh. “Nếu muốn phát triển bền vững, doanh nghiệp Việt cần xây dựng chiến lược dài hơn, xa hơn và chú trọng hơn tới việc phát triển một đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp cho cuộc đua cần sức bền này”, ông Phạm Thái Bình, Trưởng bộ phận bán lẻ của Savills TPHCM, nhận định.

Còn một thực tế nữa của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam là khi quy mô hoạt động càng lớn thì khả năng vượt tầm kiểm soát càng cao. Và khi không thể vượt qua, những người đứng đầu doanh nghiệp thường dễ đi đến quyết định chuyển nhượng và tìm cơ hội khác. Theo đánh giá của ông Bình, khi mà doanh nghiệp nội vẫn còn chật vật với việc khẳng định chỗ đứng thì mục tiêu chiếm lĩnh thị phần lại càng ngoài tầm với. Trong khi doanh nghiệp nội vẫn loay hoay tìm vốn, tìm lối đi... thì doanh nghiệp ngoại có thể bỏ qua các bước này để nhắm thẳng tới thị phần.

Ông Bình còn chỉ ra sự ứng phó với “cơn sóng doanh nghiệp ngoại” của doanh nghiệp nội địa vẫn chỉ gói gọn trong các bước: cùng ngồi lại dự báo khả năng của đối thủ và bàn bạc giải pháp. Theo ông Bình, tuy có sự trao đổi, rút kinh nghiệm nhưng nếu vẫn thiếu sự đoàn kết vì một mục tiêu chung thì doanh nghiệp trong nước còn phải mất một thời gian dài nữa để thoát khỏi tình trạng “chung bàn mà chẳng chung mâm”.

Xu hướng phủ rộng của các kênh bán lẻ hiện đại và gia tăng bán hàng trực tuyến ngày càng mạnh mà các nhà bán lẻ ngoại lại đang chiếm ưu thế ở các kênh này. Do vậy, các doanh nghiệp trong nước cần phải nghĩ đến phương án liên kết với nhau và với các nhà sản xuất để tạo nên chuỗi giá trị bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trên sân nhà.

* Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Triển vọng của thị trường 130 tỉ đô la

Pin It
Montesquieu 1722-1755

"Lý do khiến người La Mã Cổ đại lát được những con đường vĩ đại là vì chân họ mang những thứ giầy dép không được êm ái lắm"

User Menu