Tấm hộ chiếu thành công trong kinh doanh sẽ đến với bạn không chỉ do bạn thông minh, có một ý tưởng độc đáo hay sự kiên trì, bền bỉ, mà còn vì bạn sở hữu những kỹ năng kinh doanh tuyệt vời.
1. Đánh giá chính xác tình huống hiện tại
Kỹ năng kinh doanh đầu tiên phải trau dồi là khả năng quan sát, thu thập thông tin và hiểu rõ tình huống mà bạn và công ty của bạn đang phải đối mặt. Những gì đang xảy ra xung quanh bạn - bên trong bản thân bạn, công ty bạn và thế giới bên ngoài? Đối thủ của bạn, khách hàng, đối tác, các yêu cầu về nguồn lực, công nghệ, động lực ngành, tất cả những gì bạn cần biết để có được quyết định sáng suốt và khách quan. Nếu bạn bắt đầu với một giả thiết sai, thì bạn sẽ luôn có câu trả lời sai.
2. Theo đuổi một tầm nhìn có tính thách thức
Sau khi thực hiện đánh giá, bạn sẽ phải thiết lập mục tiêu thật rõ ràng và có thể đo lường được. Nhưng những mục tiêu này phải có tính thách thức. Bạn có khả năng làm được nhiều hơn những gì bạn biết. Hãy áp dụng khái niệm quan trọng như sau:
Sức mạnh của số 0
Giả sử tầm nhìn của bạn là thành lập một công ty có doanh thu 500.000 đô la Mỹ trong vòng năm năm. Bây giờ hãy thêm vào các số 0. Hãy tự hỏi bản thân: Bằng cách nào công ty tôi đạt được doanh thu 5 triệu đô la? Tôi phải nghĩ và hành động khác đi như thế nào? Hãy thêm vào một số 0 nữa. Làm thế nào để công ty có được doanh thu 50 triệu đô la? Bạn có nhận ra sức mạnh của số 0 và từ Bằng Cách Nào (How)? Đầu óc bạn phải tập trung vào việc làm thế nào để hiện thực hóa kế hoạch táo bạo nhất này.
3. Không lùi bước
Việc thực hiện thành công mỗi dự án đều đòi hỏi bạn phải chú tâm cao độ tới mọi chi tiết và không cho phép chậm tiến độ. Hãy bắt đầu bằng một quyết tâm cho bạn và đội ngũ cộng tác của bạn. Đối mặt với bất cứ thử thách nào, dù lớn hay nhỏ, bạn có thể vượt qua, bằng cách luồn xuống dưới, đi vòng hay xuyên thủng nó, nhưng không cho phép bất cứ thứ gì cản bước bạn. Bạn có cảm nhận được sức mạnh của hành động này không – kiên quyết không nhượng bộ? Hãy cho mọi người thấy và hành động.
4. Thương thuyết cứng rắn và hướng tới mục tiêu hai bên cùng có lợi
Mọi giao tiếp giữa con người đều có thể mang lại lợi ích nếu hai bên đều cảm thấy thằng lợi. Trong cuốn sách Getting to Yes, các tác giả phát triển bốn nguyên tắc để xây dựng những mối quan hệ bền vững thông qua thương thuyết: (a) hãy tách biệt giữa con người và các vấn đề; (b) tập trung vào các lợi ích chứ không phải địa vị; (c) đưa ra các lựa chọn hướng tới lợi ích chung; (d) dựa trên những tiêu chí khách quan. Thách thức ở đây là làm thế nào đạt được điều bạn mong muốn trong khi vẫn giữ được mối quan hệ tốt đẹp.
5. Giải quyết vấn đề
Hiếm có một ngày trong đời tư hay trong cuộc đời kinh doanh lại không nảy sinh vấn đề cần giải quyết. Mọi thứ đang tiến triển tốt đẹp, rồi vấn đề đột nhiên xuất hiện. Cách tiếp cận hệ thống gồm 7 bước để giải quyết các vấn đề:
(a) nhận dạng vấn đề,
(b) cụ thể hóa vấn đề,
(c) xác định ranh giới,
(d) xem xét sự khác biệt,
(e) tìm kiếm những thay đổi,
(f) kiểm tra để tìm hiểu nguyên nhân,
(g) xác định nguyên nhân.
Điểm chú ý ở đây là có một quy trình để bạn có thể học hỏi và áp dụng nhằm giải quyết vấn đề một cách có hệ thống. Bạn không phải tự mình mày mò.
6. Đưa ra các quyết định đúng
Khả năng ra quyết định đúng cần thiết cho cả công việc kinh doanh lẫn đời sống cá nhân của bạn. Quyết định tồi sẽ dẫn đến thất bại. Vậy làm thế nào để bạn cải thiện được kỹ năng ra quyết định? Cách tiếp cận có hệ thống phục vụ cho việc ra quyết định gồm: (a) đưa ra vấn đề cần quyết định, (b) xác định một quyết định lý tưởng, (c) phân loại và đánh giá các tiêu chí, (d) đưa ra các phương án, (e) đánh giá các phương án, (f) dự tính kết quả tương ứng, (g) lựa chọn phương án.
7. Huy động trí tuệ tập thể
Đây là quá trình khai thác những ý tưởng, kinh nghiệm và óc tưởng tượng của một nhóm nhằm phát hiện những ý tưởng sáng tạo và giải quyết vấn đề. Kiến thức tổng hợp của một nhóm lớn hơn rất nhiều so với kiến thức của một cá nhân đơn lẻ, và đây là sức mạnh của quá trình huy động trí tuệ tập thể.
8. Huy động các nguồn lực
Bạn không thể làm bất cứ việc gì hiệu quả nếu không hiểu được tầm quan trọng của việc huy động các nguồn lực. Các nguồn lực kinh doanh có thể là bất cứ thứ gì (chắc chắn là như vậy) giúp doanh nghiệp của bạn tiến nhanh hơn và xa hơn với ít rủi ro nhất.
9. Giao tiếp hiệu quả
Hãy xem chúng ta có gì nào, bạn đã nhận định được tình hình, có tầm nhìn mang tính thách thức và đưa ra những sáng kiến. Điều gì sẽ xảy ra? Chưa có gì xảy ra cả, trừ khi bạn liên tục truyền đi một thông điệp nhất quán đến những người quan tâm đến nó. Hãy cho họ một hình dung cụ thể về những gì bạn sẽ đạt được. Nhưng bạn khó có thể tác động đến ai đó mà không có khả năng giao tiếp thuyết phục và hiệu quả. Trong trường hợp bạn còn băn khoăn, bạn có thể học hỏi và cải thiện kỹ năng giao tiếp thuyết phục.
10. Hành động quyết đoán
Kinh doanh là một “môn thể thao” đồng đội. Đó không chỉ là việc suy nghĩ, lên kế hoạch, hợp tác và hoạch định tầm nhìn chiến lược. BẠN PHẢI HÀNH ĐỘNG! Hãy tìm ra cách để hoàn thành nhiệm vụ mà không bị gián đoạn trong quá trình thực thi.
11. Cư xử nhất quán
Có những người bạn sẵn lòng làm hộ bất cứ việc gì, nhưng cũng có những người mà bạn không muốn phí thời gian với họ dù chỉ một giây. Sự khác nhau giữa hai nhóm người này là do tính cách và cách cư xử của họ quyết định. Những công dân tốt sẽ luôn có những phẩm chất tốt. Những phẩm chất đó là: đạo đức, trung thực, đáng tin cậy, công bằng, chín chắn, chuyên nghiệp, hài hước, biết giữ lời hứa, hiểu biết, đúng giờ, biết lắng nghe, có kỹ năng lãnh đạo và thực hành tốt.
Theo “Triết lý doanh nghiệp 101”/Hoclamgiau