Một ánh mắt, một lời nói, hoặc một cử chỉ của người bán hàng, có khi chỉ khác nhau đôi chút nhưng cũng đủ để đem lại cho người mua những cảm nhận hoàn toàn trái ngược nhau. Nhưng thực tế đáng buồn là không phải nhân viên bán hàng nào cũng được hướng dẫn cụ thể về điều đó. Họ chỉ biết rất mơ hồ rằng mình được thuê để bán quần áo, mỹ phẩm…., khách hỏi thì trả lời, ngoài ra họ không quan tâm làm thế nào để bán được sản phẩm, cửa hàng lời hay lỗ.
Vấn đề này, xuất phát từ đâu?
Từ phía các nhân viên:
Phần lớn các nhân viên tại các cửa hàng hiện nay là học sinh, sinh viên đi làm thêm, hai là người ở dưới quê có họ hàng đang mở cửa hiệu trên thành phố lên bán hàng giúp.
Đối với những người mới từ quê lên, thì cuộc sống chốn đô thị quả thật khác xa so với cuộc sống nơi đồng quê. Do vậy việc họ không hiểu hết được nhiệm vụ và tầm quan trọng của một nhân viên bán hàng cũng là điều dễ hiểu.
Đối với những bạn là học sinh, sinh viên đi làm thêm, họ là những người chưa có kinh nghiệm đi làm, hơn thế nữa, từ bé tới giờ luôn ở vị trí là người mua hàng hay chính xác là quen được người khác phục vụ, nay lại đảo ngược vị trí thành đi phục vụ người khác nên khó tránh khỏi những sai lầm như thiếu kiên nhẫn, cáu kỉnh với khách hàng.
Từ phía chủ hàng:
Bản thân chủ các cửa hàng hiện nay, không phải ai cũng xác định được tầm ảnh hưởng của nhân viên tới việc kinh doanh của mình. Tuyển nhân viên chỉ cần ngoại hình ưu nhìn, hoặc người thân có thể tin tưởng được là ok. Buổi đầu hướng dẫn nhân viên cũng rất sơ sài, chỉ giới thiệu sản phẩm, giá tiền, thời gian làm việc, một số nội quy đơn giản, vậy là xong. Trong khi đó còn một yếu tố quan trọng khác như thái độ với khách hàng, cung cách làm việc thì hoàn toàn bị lãng quên.
Các cách bán hàng khiến người mua khó chịu nhất:
1. Trông mặt mà bắt hình dong.
Thói xấu này là lớn nhất. Nói nôm na là nhìn bề ngoài mà xét đoán người mua hay nói cách khác là “khinh người”. Đáng nhẽ ra các nhân viên bán hàng phải biết rằng dù khách hàng có vẻ ngoài ra sao, nhưng họ đến cửa hàng của mình nghĩa là họ có nhu cầu “tiêu tiền”, và chính những đồng tiền đó sẽ một phần được chuyển thành lương cho họ vào cuối mỗi tháng. Đằng này, cứ thấy đi xe to, ăn mặc sành điệu là niềm nở đón tiếp, cứ đi xe xấu, ăn mặc bình thường thì là nghèo, là không cần quan tâm. Trong khi nhu cầu mua sắm của cả hai người khi bước vào cửa hàng là như nhau.
2. Thiếu kiên nhẫn.
Vấn đề này đặc biệt rõ, khi các bạn đi mua quần áo. Ai cũng biết rằng việc chọn được một bộ cánh cho hợp với mình là một việc rất khó, có khi đi lượn cả một buổi chiều qua đến cả chục cái shop cũng không ưng cái nào. Ấy thế mà các nhân viên bán hàng lại không hiểu. Cứ thấy khách thử đến lần thứ hai, thứ ba là bắt đầu xị mặt “bánh bao chiều”, rồi khi khách cần thử cái khác là bắt đầu kiếm cớ hết hàng, hỏi thêm cái gì là bắt đầu trả lời dựt cục, gắt gỏng rất thiếu nhiệt tình.
3. Những khuôn mặt buồn.
Ai đi mua hàng cũng mong nhận được sự tiếp đón nồng nhiệt của nhân viên bán hàng. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, mà các nhân viên của ta thường xuyên tiếp đón khách hàng với “bộ mặt buồn”. Khi không có khách là tụm năm tụm bẩy buôn dưa, tươi cười như hoa. Khi có khách đến là lại xị mặt, chọn lựa qua loa, cứ như thể chỉ mong khách đi cho mau để ta lại tiếp tục buôn cho sướng.
4. Thiếu kiến thức về sản phầm, dịch vụ mình đang bán.
Với tư cách là người bán hàng, mình phải là người nắm rõ sản phẩm hơn ai hết. Nhưng kỳ lạ thay là ở nước ta, ngay tại thủ đô Hà Nội đây, vẫn còn rất nhiều nhân viên không biết gì hơn khách hàng, thậm chí còn thiếu kiến thức hơn. Thử hỏi như vậy thì làm sao giới thiệu tư vấn cho khách hàng mua sản phẩm được.
5. Thiếu trách nhiệm.
Nhiều lần vào cửa hàng, muốn lấy một món đồ để thử thì quay lại nhìn chả thấy có ai giúp mình. Các nhân viên vẫn còn đang mải tán gẫu. Đến khi phải gọi mới chịu ra. Vừa đưa sản phẩm cho khách, vừa ngoái lại buôn nốt câu chuyện với đồng nghiệp. Lúc mặc cả thì lời nói nặng nề như đi cãi nhau. Khách hỏi thì trả lời qua loa. Đơn giản bởi vì cửa hàng lỗ chứ mình có bị giảm lương đâu.
Vấn đề này thực sự là một bức xúc lớn đối với những người đi mua hàng. Ngày nay tuy đã có nhiều cửa hàng đã cho nhân viên luyện một khóa về thái độ tiếp khách nên khâu phục vụ đã được cải thiện đáng kể. Nhưng đó mới chỉ ở các cửa hàng lớn. Còn đối với các cửa hiệu nhỏ nhỏ thì vẫn dậm chân tại chỗ, vẫn còn đó những chủ cửa hàng chỉ vì khách trả lại đồ vì không vừa mà to tiếng, rồi xông vào xô xát với khách hàng.
Theo Saga