Khi bức tranh hai cô gái Tahiti của danh họa Paul Gauguin được nhà đấu giá Christie gõ nhát búa 300 triệu đô la, cả thế giới đã phải bật ngửa vì độ đắt đỏ hiếm có của một họa phẩm. Hẳn smartphone của bạn cũng không thể nhân nổi những con số mà bức “When will you marry” (tạm dịch: Khi nào em lấy chồng) mang lại cho ông chủ người Thụy Sỹ.
Với giá chốt lên đến 300 triệu USD (tương đương 6,7 nghìn tỷ VND) hẳn người mua chúng muốn thay đổi thẩm mỹ của cả một thế hệ, hay duy trì hòa bình của một tiểu vương quốc?
Điều đặc biệt ở đây là dù bạn có là người “trong nghề” cũng chỉ nhận ra ý nghĩa đằng sau bức họa không nhiều hơn những người ngoại đạo là mấy.
Gauguin đã mơ về một bức họa nguyên thủy, thuần khiết nhưng khi chuyển đến Tahiti (một hòn đảo của Pháp) ông mới vỡ mộng. Nơi đây bị chiếm làm thuộc địa lầm than, quá nửa dân số chết vì dịch bệnh, nghèo đói.
Không cho ra đời tác phẩm “thoát tục” nào nên ông đành họa bức chân dung những cô gái Tahiti trong trang phục truyền thống, cài hoa trên tai, biểu thị cho viêc sẵn sàng kết hôn. Phía sau là cô gái nét mặt ưu tư, cử chỉ bàn tay giống một phật tử.
Bức họa “Khi nào em lấy chồng” đánh bật những kỷ lục của Picasso trở thành họa phẩm đắt đỏ nhất thế giới.
Có thể chủ mới của bức họa đã “ngộ” ra những giá trị tiềm ẩn sâu hơn nữa mà giới chuyên gia cũng chưa đào bới được. Nhưng cho đến nay, danh tính người chủ mới cũng chưa được tiết lộ!
Đây là một thương vụ kinh điển nhất về việc mua bán những họa phẩm trên thế giới. Ngoài ra những phẩm cấp cao như kim cương, đá quý, xế cổ...hầu hết được thâu tóm bởi nhà Christie.
Tính đến hết năm 2014, doanh thu từ đấu giá toàn cầu lên đến 7,7 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2013 và hứa hẹn sau vụ “gõ búa” siêu xế cổ Aston Martin vào giữa tháng này sẽ nâng tổng doanh thu 2015 của Christie còn cao hơn nữa.
Còn nhớ, vụ 2 sàn đấu giá lớn nhà Christie và Sotheby từng bị nhà chức trách Mỹ phạt 20 triệu USD vì hành vi “ngang nhiên thổi giá”. Dù mức phạt chỉ chiếm 6% tổng lợi nhuận của Christie nhưng cũng khiến giới chuyên gia phải nghiêm túc mổ xẻ rằng: Các sàn “chỉ ăn không ngồi rồi” mà lợi nhuận hàng năm vượt mức 330 triệu đô, khó có thể tin được!
Vậy đâu là mánh khóe của Christie khi bắt tay được với một loạt giới thượng lưu cũng như “cò nghệ thuật”?
Chiến lược giá ngược đời
Chưa bàn đến độ hiếm có hay tính độc quyền của họa phẩm, giá mua sẽ dựa trên giá trị nội tại hoặc nhu cầu của thị trường.
Thế nhưng, các chuyên gia nhà Christie cho biết: Giá phụ thuộc phần lớn vào những thông tin công cộng. Tức là những tiêu chuẩn cốt lõi trên lại trở nên nhẹ đô hơn những thông tin chúng ta tìm kiếm giá trên google hay phương tiện đại chúng.
Việc đặt giá nằm trong tầm tay của các sàn đấu
Thí dụ, siêu xế cổ Aston Martin được “ai đó” nhận định có giá không thấp hơn 15 triệu USD trong phiên đấu giá tới. Mặc dù ít ai mảy may quan tâm đến xế cổ này còn có thể bon bon trên đường được bao lâu rồi cho về vườn, nhưng thông tin đó cũng làm nóng mặt giới báo chí.
Tai hại hơn, giới Ultrarich (Siêu giàu) âm thầm chuẩn bị khăn gói lên sàn đấu giá, và cuộc chạy đua đốt tiền lại bắt đầu!
Triết lý bảo vệ họa sĩ thực thụ
Nếu được hỏi về tôn chỉ của Christie khi đấu giá những họa phẩm đắt đỏ: 80% trong số họ sẽ trả lời là bảo vệ quyền lợi của họa sĩ, và tôn vinh những giá trị nghệ thuật sẽ được 20% còn lại bày tỏ.
Thử hỏi với kim chỉ nam cao quý như vậy, liệu có họa sĩ hay chủ sở hữu nào không muốn làm bạn với Christie?
Bạn hãy nhớ rằng, các bức tranh là độc nhất vô nhị, nếu nó được vẽ bởi đại họa sĩ đã quá cố thì sự hiếm có càng khó tìm hơn. Vì vậy, để trở thành nơi được chọn mặt gửi vàng, sàn đấu Christie liên tục tung các cú phô trương màu mè nhằm gây dựng lòng tin ở các chủ cũ cũng như chủ mới của vật phẩm.
Bàn tay thép và lối ngách hốt bạc tỷ từ thị trường đặc biệt
Nếu việc hốt bạc dễ dàng như vậy thì hẳn các sàn đấu giá đã mọc lên như nấm? Nhưng không, ông anh cả gần 250 tuổi đời này có lẽ có thừa các ngón nghề để bảo vệ vững chắc ngôi vua sàn đấu của mình.
Ra đời từ những năm 1766, nhà Christie từng chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử cũng như những cuộc khủng hoảng kinh tế khiến cho giới nào cũng khép nép với hầu bao của mình.
Thế nhưng, chỉ có nghệ thuật “ảo thực” lại đứng ngoài cuộc chơi, những bức họa chưa bao giờ mất giá mà ngược lại nó ngày càng tăng giá chóng mặt hơn.
Chẳng có chủ sở hữu nào tận tay tháo bức tranh khỏi tường nếu nó không mang về khoản lợi nhuận cả triệu đô. Hay đơn cử như bức họa của Claude Monet bị một vị khách nóng tính đấm vỡ nát nhưng vẫn có giá 12 triệu đô. Chẳng cần vắt óc đầu cơ vào BĐS với nỗi lo ngay ngáy, bạn hoàn toàn bội thu với vật phẩm hái ra tiền này.
Nếu bạn độc quyền một thứ gì đó, bạn hãy bán chúng với giá gấp bội! Christie rất lọc lõi khi hiểu luật chơi hơn ai hết, là trung gian môi giới nên việc đẩy giá sẽ khiến họ hưởng mức hoa hồng cao ngất ngưởng.
Tham chiến toàn cầu thông qua đấu giá trực tiếp và online
Khi mà giá không được niêm yết công khai trên thị trường, người nắm thông tin cả hai phía sẽ là người chiếm lợi thế nhất. Vì vậy, việc bắt tay làm giá với các bên là chuyện không hiếm đối với các sàn đấu. Quan trọng bạn đừng “hé răng” với các cơ quan chức trách mà thôi.
Ngày nay, để tăng doanh thu và mở rộng tầm ảnh hưởng, Christie còn tung ra gói đấu giá online trên toàn thế giới. Với việc giữ kín như bưng những tên tuổi tham chiến, việc thò “ngón tay đen” để đẩy giá lên cao cũng khiến các chủ mua hàng chân chính luôn có nguy cơ bị hớ rất cao.
Hoàng Hà
Theo Trí Thức Trẻ