Sự phát triển của các kênh truyền thông xã hội cùng xu hướng thương mại điện tử (TMĐT) đang thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng. Vì thế, doanh nghiệp phải đa dạng hóa cách tiếp cận để đáp ứng được xu hướng mua sắm của các thế hệ.

Sự thay đổi hành vi tiêu dùng của các thế hệ

Trong những năm qua, các thương hiệu đã phát triển nhiều kỹ thuật để thu hút các thế hệ tiêu dùng. Báo cáo nghiên cứu gần đây của Epsilon (tạp chí online của cộng đồng người yêu toán) về tiếp thị xuyên thế hệ đã phân tích sâu hơn mô hình chi tiêu. Epsilon đã chia nhóm các thế hệ theo giai đoạn 10 năm; ví dụ xác định Millennials là 25-35 tuổi thay vì nhóm 23-39 tuổi được chấp nhận rộng rãi trước đây.

Danh mục chi tiêu của các thế hệ cho thấy, thế hệ trẻ chi tiêu nhiều hơn cho bán lẻ và các thế hệ tiêu dùng lớn hơn chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục. Theo nghiên cứu, 80% người tiêu dùng ở mỗi thế hệ gần đây đã ghé siêu thị và một nửa xem đó là kênh ưa thích.


Khoảng 75% GenZ và Millennials sử dụng điện thoại thông minh để mua sắm trực tuyến, nhiều hơn bất kỳ thế hệ nào khác.

Trải nghiệm trực tuyến cũng được các thế hệ tiêu dùng tiếp cận và sử dụng. Amazon được ưa chuộng bởi tất cả thế hệ, với người dùng nhiều nhất đến từ nhóm Millennials (65%). Gen Z có khả năng sử dụng cửa hàng trực tuyến hoặc trang web thương hiệu cao gấp hai lần so với các thế hệ khác.

Khoảng 75% GenZ và Millennials sử dụng điện thoại thông minh để mua sắm trực tuyến, nhiều hơn bất kỳ thế hệ nào khác, 63% GenZ sử dụng máy tính xách tay để mua sắm trực tuyến, cao hơn đáng kể so với các thế hệ khác. Những số liệu đó giúp doanh nghiệp tiếp cận đúng thế hệ và đúng nhu cầu của khách hàng.

Các chuyên gia đã thống kê được một số đặc điểm tiêu dùng của từng nhóm thế hệ như sau:

GenZ - Nhóm tiêu dùng dưới 23 tuổi

Thế hệ Z đang thu hút sự chú ý nhiều hơn khi trở thành nhóm có khả năng chi tiêu và thói quen mua hàng độc đáo. GenZ không ngại chi tiền và đã chi tiêu 44 tỷ USD mỗi năm. Thế hệ Z không tin tưởng quảng cáo mà có xu hướng bị thu hút bởi sự chứng thực một món hàng nào đó từ đồng nghiệp hay các nhân vật có ảnh hưởng

Millennials - Những người tiêu dùng khoảng từ 23-35 tuổi

Đây là nhóm chi tiêu nhiều nhất, đặc biệt sau khi kết hôn. Tại Mỹ, Millennials chi khoảng 600 tỷ USD mỗi năm. Nhóm Millennials thích tương tác với các thương hiệu trên mạng xã hội, đặc biệt là thương hiệu sử dụng nền tảng xã hội cho dịch vụ khách hàng. Các nền tảng xã hội như Facebook, Instagram, Pinterest được nhóm này quan tâm và sử dụng để mua sắm trực tuyến.

 

Millennials là nhóm tuổi chi tiêu nhiều nhất, đặc biệt sau khi kết hôn.

Một bộ phận nhỏ trong nhóm Millennials mặc dù bị ảnh hưởng bởi truyền thông xã hội vẫn chọn mua sắm tại siêu thị. Đối với nhóm này, hình thức mặt hàng rất quan trọng, họ cũng thích tham gia hoạt động hội nhóm để được thấy mình là một phần của cộng đồng

GenX - Nhóm tuổi từ 36-54

Thế hệ X là những người bận rộn với sự nghiệp và gia đình. Áp lực công việc và con cái khiến họ không có thời gian đọc quảng cáo dài. Email được họ ưa thích khi tiếp nhận thông tin.

Thế hệ này có xu hướng trung thành hơn thế hệ khác, ưa thích các chương trình quà tặng và phiếu giảm giá. Facebook là nền tảng xã hội yêu thích của GenX và họ thường bị lôi cuốn bởi nội dung hấp dẫn, có tính giải trí cao.

Boomer - Nhóm tuổi từ 55-75

Thế hệ này là thế hệ của truyền thông xã hội. 82% trong nhóm này là thành viên của một mạng xã hội, trong đó Facebook là phổ biến. Không giống như thế hệ trẻ ưa thích Instagram và Twitter, thế hệ Boomer không bị ảnh hưởng bởi những luồng thông tin liên tục khi mua sắm. Họ dành 27 giờ mỗi tuần để mua hàng trực tuyến và trung bình những người từ 50 tuổi trở lên chi 7 tỷ USD mỗi năm cho việc mua hàng trực tuyến.

Hơn một nửa số Boomer truy cập trang web của công ty hoặc tiếp tục tìm kiếm do kết quả của việc nhìn thấy một cái gì đó họ ưa thích trên phương tiện truyền thông xã hội. Boomer cũng bị thu hút bởi các chương trình khách hàng trung thành. 78% trong số họ nói rằng sẽ tiếp tục tham gia các chương trình khuyến mãi nếu thấy có ích.

Silent - Nhóm tuổi từ 76 tuổi trở lên

Đây là nhóm có nhiều người giàu nhất trong các thế hệ. Họ luôn là khách hàng của các ngành công nghiệp giải trí, y tế, dịch vụ, tài chính và nhà ở. Mặc dù nhiều thành viên của thế hệ này đang sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và các kênh kỹ thuật số khác, phần lớn họ vẫn thích thư trực tiếp, bản tin, bưu thiếp và tờ rơi. Gia đình, lòng yêu nước, cộng đồng và sự tôn trọng là những chủ đề nhóm này quan tâm nhất.

 ♥

Tùy vào từng thế hệ và phân khúc khách hàng, doanh nghiệp cần có chiến lược và giải pháp kinh doanh phù hợp. Đối với Milliennials, doanh nghiệp cần tận dụng nền tảng xã hội không chỉ là các kênh truyền thông mà còn là kênh dịch vụ, tương tác cộng đồng để lôi kéo họ.

Đối với GenZ, tiếp thị ảnh hưởng với bằng chứng xác thực sẽ là điều kiện cơ bản để thương hiệu lấy lòng được họ. Những người có tầm ảnh hưởng không nhất thiết phải là nghệ sĩ, người nổi tiếng mà có thể là người có ảnh hưởng trong những nhóm cộng đồng nhỏ với uy tín về lĩnh vực chuyên biệt. Với nhóm này, doanh nghiệp cần chiến lược kinh doanh đa nền tảng để tạo ra sự tương hỗ giữa các mạng xã hội như Facebook, Instagram, YouTube, Snapchat...

Với GenZ, doanh nghiệp cần chiến lược kinh doanh đa nền tảng để tạo ra sự tương hỗ giữa các mạng xã hội như Facebook, Instagram, YouTube, Snapchat...

Đối với GenX, doanh nghiệp nên tiếp thị cá nhân hóa với nội dung ngắn gọn và lời kêu gọi mua sắm rõ ràng. Email marketing, các chương trình khuyến mãi, quà tặng, giảm giá sẽ tạo nên lượng khách hàng GenX trung thành đáng kể. Hãy giúp họ thoát khỏi những áp lực của gia đình và công việc bằng cách tiếp thị sản phẩm với những loại hình mang tính giải trí như video ca nhạc, phim ngắn, hài. Đây là cách khiến họ ưa thích nhãn hàng nào đó một cách tự nhiên nhất.

Boomer cần sản phẩm của doanh nghiệp hiện diện trên các kênh trực tuyến như là một minh chứng cho uy tín thương hiệu. Đó chính là lý do doanh nghiệp phải đầu tư bài bản cho trải nghiệm khách hàng.

Với nhóm Silent, thư trực tiếp và liên lạc bằng văn bản hoặc gặp mặt là giải pháp tối ưu đối với doanh nghiệp khi tiếp cận. Nội dung quảng bá sản phẩm phải trực diện, đi thẳng vào vấn đề hay những hình ảnh, câu chuyện có tính biểu cảm cao để tạo ra cảm xúc cho nhóm giàu nhất này, từ đó tác động tới quyết định mua sắm của họ.

Mỗi thế hệ có cách tiếp cận sản phẩm riêng nên rất khó để tích hợp trong một chiến dịch tiếp thị. Nhưng tận dụng mạng xã hội với nhiều nhóm nội dung phù hợp cho từng thế hệ thì lại có thể là một phương thức dễ thực thi. Bởi mạng xã hội đang là công cụ truyền thông được hầu hết thế hệ ưa thích. Để nắm được “gu” của từng thế hệ, phương pháp tiếp thị dựa trên dữ liệu là xu hướng mà doanh nghiệp cần nắm bắt và đầu tư.

* Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn

Pin It
Walter Landor

"Sản phẩm được làm ra trong nhà máy, nhưng thương hiệu thì được tạo ra trong tâm trí"

User Menu