Theo Đông Nghi - Báo NLĐ

Kinh doanh trong điều kiện hầu hết khách hàng “thắt lưng buộc bụng” mà vẫn giữ được khách ổn định là điều không dễ và để bảo đảm tăng trưởng càng khó hơn. Trong bối cảnh chung hiện nay, đa số các siêu thị đều giảm doanh thu 5% - 10%, hệ thống Big C với những thế mạnh sẵn có và những chính sách linh động, hợp lý không những trụ vững mà còn thu hút khá đông khách hàng mới, lượng khách tăng 20% - 25% so với cùng kỳ.

 

Theo sát thị trường để có được giá tốt

Giữa cái nắng chói chang của TPHCM, bãi gửi xe của siêu thị Big C Tô Hiến Thành (quận 10-TPHCM) vẫn đông nghẹt xe. Khách hàng – đa số là giới văn phòng – không phải vào đây tránh nắng mà tranh thủ giờ nghỉ trưa đến “săn lùng” hàng giá rẻ. “Tôi phát hiện nhiều mặt hàng ở đây bán rẻ hơn những siêu thị khác và rẻ hơn ở chợ nên rủ mấy chị đồng nghiệp cùng đi mua. Thời buổi đắt đỏ, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó” – chị Phạm Thị Mai Ly, kế toán một công ty xây dựng trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, cho biết. Chỉ tay vào xe đẩy hàng toàn bột giặt, dầu gội đầu, dầu ăn, đường, nước mắm, mì gói, thịt nguội, rau cải..., chị Ly vui vẻ nói: “Tôi dọ giá nhiều nơi rồi, những thứ này đều rẻ hơn 500 đồng – 2.000 đồng/loại. Bấy nhiêu đây cũng “đỡ tốn” mấy chục ngàn đồng chứ ít gì”.


Tiếp chuyện với chúng tôi, bà Dương Thị Quỳnh Trang, phụ trách đối ngoại của Big C, cho biết: “Cả 2 tháng nay, kinh doanh trong điều kiện “bão giá”, cả hệ thống phải chạy đua với công việc: vừa thương lượng với nhà cung cấp vừa tìm và dự trữ nguồn hàng giá rẻ, lên kế hoạch bán hàng giảm giá, khuyến mãi... để chia sẻ khó khăn với nhà cung cấp và người tiêu dùng”. Với hơn 50.000 mặt hàng kinh doanh tại siêu thị, mỗi ngày Big C nhận được rất nhiều thông báo điều chỉnh giá từ các nhà cung cấp. Để tăng giá, nhà cung cấp nào cũng đưa ra các lý do của mình. Tuy nhiên, nhờ có đội ngũ thu mua chuyên nghiệp với gần 100 chuyên viên, theo dõi chặt chẽ tiến triển giá cả trên thị trường nội địa cũng như trên thế giới, đoán trước các xu hướng giá và nhu cầu người tiêu dùng... nên Big C đánh giá được mức độ thỏa đáng của yêu cầu tăng giá, từ chối thẳng những doanh nghiệp “thừa nước đục thả câu” và thương lượng mức tăng hợp lý nhất. Theo bà Quỳnh Trang, việc cam kết mua số lượng lớn, ổn định; thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn là một lợi thế lớn giúp Big C thương lượng hiệu quả. Nhiều trường hợp, Big C giảm hoặc không có chiết khấu, giảm chi phí quảng cáo... để hai bên cùng hợp tác lâu dài, cùng phát triển, cùng quảng bá cho sản phẩm và cùng mục đích bảo vệ người tiêu dùng.


Chính sách linh hoạt chinh phục người tiêu dùng

Hiện nay, Big C đang bán giá tối thiểu đối với những mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, bột ngọt, đường, nước mắm và giảm giá 5% - 10% so với giá ấn định trên bao bì sản phẩm cho hơn 1.000 mặt hàng hóa mỹ phẩm và thực phẩm khô; giảm lãi -1,5% đến -2% tùy theo chủng loại hàng hóa; phát triển những sản phẩm mang thương hiệu độc quyền của Big C như thịt nguội Ebon, hàng “Wow- giá hấp dẫn” (chất lượng tương đương nhưng giá rẻ hơn sản phẩm cùng loại 10% - 20%). Không cần quảng cáo rầm rộ nhưng chính những hoạt động này đã có sức mạnh lớn, thu hút người tiêu dùng đến mua sắm tại siêu thị ngày càng đông. Ngoài ra, với lợi thế mặt bằng rộng, kho hàng lớn, Big C còn tăng cường đặt hàng số lượng lớn, dự trữ nhiều mặt hàng thực phẩm và đồ uống với giá rẻ để ổn định giá bán ở siêu thị. “Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là giữ giá ở mức thấp so với thị trường phân phối hiện đại. Việc cắt giảm tỉ lệ lãi của một số chủng loại hàng hóa làm giảm lợi nhuận nhưng bù lại, lượng khách hàng đến mua sắm tại Big C tăng 20%–25% so với trước đây nên chúng tôi vẫn có lãi” – bà Quỳnh Trang thẳng thắn cho biết.

Pin It
Walter Landor

"Sản phẩm được làm ra trong nhà máy, nhưng thương hiệu thì được tạo ra trong tâm trí"

User Menu