Giải quyết những bất cập này đòi hỏi phải truy đúng nguyên nhân và có những giải pháp đa phương để cùng tạo ra một thị trường ổn định, có hiệu quả nhằm tránh những thiệt hại bất công cho người tiêu dùng.

Trước những diễn biến về giá cả cũng như những thông tin liên quan đến thị trường sữa bột trẻ em ở Việt Nam, nhận định đầu tiên có thể đưa ra là thị trường này đang hoạt động kém hiệu năng và dường như đang bị thao túng.

Giải quyết những bất cập này đòi hỏi phải truy đúng nguyên nhân và có những giải pháp đa phương để cùng tạo ra một thị trường ổn định, có hiệu quả nhằm tránh những thiệt hại bất công cho người tiêu dùng.

Vì sao giá cao?

Tình trạng người tiêu dùng bấm bụng mua sữa ngoại với giá ngất ngưởng cũng như khả năng của các hãng sữa nước ngoài liên tục đẩy giá các mặt hàng của mình lên cao (bất kể sự giảm mạnh của nguyên liệu đầu vào) không thể đơn giản là do tâm lý sính hàng ngoại của người Việt Nam. Thật ra, nó là hệ quả của nhiều yếu tố có liên quan trực tiếp với nhau, từ vấn đề quảng cáo sản phẩm cho đến tính chất của cầu và cách thức kinh doanh.

Vị trí đặt quảng cáo

Trước tình trạng kém chất lượng của nhiều nhãn hiệu sữa nội đã bị phát giác, người tiêu dùng tất nhiên sẽ hướng đến sữa ngoại để tìm kiếm sự an toàn. Bên cạnh đó, với những chiến lược quảng cáo và tiếp thị đầy những kỹ xảo thương trường được rút kinh nghiệm từ những va chạm trên khắp thế giới, các hãng sữa ngoại xuyên quốc gia đã thành công trong việc thu phục thị hiếu khách hàng, làm cho người tiêu dùng mất dần khả năng chọn lựa và thay đổi.

Như một trường hợp điển hình, các chiến lược quảng cáo và tiếp thị của các hãng sữa ngoại tại Philippines đã biến nước này thành một trong những thị trường sữa trẻ em lớn nhất châu Á với nhiều hệ quả tiêu cực, chẳng hạn như sự tụt giảm nghiêm trọng của tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ (phương thức nuôi trẻ nhỏ tốt nhất được khuyến khích tối đa bởi Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc).

Hàng năm, các công ty này đã chi gần 90 triệu đô la riêng cho công việc quảng cáo cộng thêm các chi phí tiếp thị khác để thu phục thị trường sữa trẻ em khoảng nửa tỉ đô la của Philippines. Trước sự tràn lan của những đợt quảng cáo và tiếp thị mạnh bạo, Bộ Y tế Philippines đã ra một lệnh cấm vào năm 2006, dẫn đến một cuộc đấu lý trước Tòa án Tối cao vào năm 2007. Ban đầu thì tòa xử theo Bộ Y tế nhưng sau đó đã đi ngược lại. Một số quan sát viên cho rằng phe sữa đã tạo được áp lực chính trị để có kết quả như vậy.

Hơn ai hết, các hãng sữa trẻ em nói chung hiểu rất rõ là các chiến lược quảng cáo và tiếp thị là chìa khóa cho sự thành công của họ. Và các công ty sữa ngoại tất nhiên là đang sử dụng triệt để chúng tại Việt Nam. Tình trạng này cộng với sự mất niềm tin của công chúng vào các nhãn sữa nội đã tạo ra cho các mặt hàng sữa ngoại một lượng cầu có độ co giãn theo giá rất ít. Điều này có nghĩa là các hãng sữa ngoại có thể tăng giá bán nhưng vẫn không làm giảm lượng cầu nhiều. Đây là cơ hội “ngàn vàng” để tối đa hóa lợi nhuận mà chắc chắn là có nằm trong sự cân nhắc các chiến lược kinh doanh của các công ty sữa xuyên quốc gia.

Với tính chất của cầu sữa ngoại như vậy cộng với thị phần khoảng 80% (tập trung phần lớn vào bốn hãng là Abbott, Mead Johnson, Dutch Lady, và Nestlé) của thị trường Việt Nam thì không thể không đặt câu hỏi rằng, phải chăng các công ty sữa ngoại đã thông đồng để cùng nhau đẩy giá lên nhằm thu lợi nhuận trên mức bình thường?

Những vụ liên quan đến vấn đề thông đồng giá trong lĩnh vực sữa trẻ em không phải là hiếm. Trong năm 2005, Chính phủ Ý đã phạt các hãng sữa trẻ em đa quốc gia hơn 9,7 triệu lira vì đã cấu kết để đẩy giá sữa lên cao hơn bình thường so với các nước trong khu vực. (Một số đồng phạm trong vụ này đều có tên không xa lạ gì như Nestlé Italiana S.p.A, Abbott S.p.A., Bristol-Myers Squibb S.r.l.). Ở Mỹ, vào những năm 1990, các hãng sữa trẻ em như Abbott và Mead Johnson đã phải đối đầu với hàng loạt các vụ kiện cáo buộc họ đã tham gia vào việc ấn định giá (price fixing). Mặc dù không nhận sai trái nhưng Abbott đã đồng ý trả 32 triệu đô la để dàn xếp chấm dứt các cáo buộc ở 17 tiểu bang vào năm 1996.

Trở lại câu hỏi trong trường hợp Việt Nam hiện nay, đây là một vấn đề pháp lý mà muốn có câu trả lời thì phải có chứng cứ rõ ràng từ các cuộc điều tra về những hành vi hạn chế cạnh tranh. Theo kinh nghiệm thì thường khó có thể chứng minh là các công ty có một hợp đồng “giấy trắng mực đen” để quy định việc cấu kết, bởi vì họ đủ khôn để tránh tạo ra những tang chứng quá rõ ràng như vậy nếu như họ thật sự tham gia vào hành động bất hợp pháp này. Tuy nhiên, việc các hãng sữa ngoại đề nghị giá bán lẻ ra thị trường Việt Nam quá cao so với giá gốc cũng như so với các nước trong khu vực (mặc dù mức thuế nhập khẩu so sánh không cao) là một điều không bình thường và đủ là cơ sở để có những nghi ngờ về sự thao túng thị trường của họ.

Ngoài ra, các hãng cũng có thể thực hiện được mục đích nâng giá mà không cần phải liên lạc để bàn bạc trực tiếp. Ở khía cạnh này, có thể kể đến trường hợp dẫn giá (price leadership). Trong trường hợp này, một công ty sẽ khởi sự việc tăng giá và các công ty khác sẽ cùng nhau làm theo (khi giá ở tất cả các phân khúc thị trường đều đồng loạt tăng thì các nhà sản xuất lại bán được giá cao hơn bình thường nhưng không phải đối đầu với nhiều cạnh tranh hơn). Với việc các hãng sữa ngoại đồng loạt tăng giá nhiều lần trong thời gian qua thì trường hợp dẫn giá cũng là một khả năng có thể xảy ra đối với thị trường sữa bột Việt Nam và cần được điều tra làm rõ.

Giải pháp phù hợp

Theo như những yếu tố dẫn đến bất cập trong thị trường sữa bột trẻ em như đã trình bày ở trên thì một giải pháp thiết thực đòi hỏi phải có nhiều động thái khác nhau. Điều cần làm trước hết là Cục Quản lý cạnh tranh cần phải tiến hành mở cuộc điều tra về các hành vi hạn chế cạnh tranh (theo Chương II của Luật Cạnh tranh) của các hãng sữa ngoại. Theo kinh nghiệm của trường hợp ở Ý như đã đề cập thì khi cơ quan chức năng bắt đầu mở cuộc điều tra thì các hãng sữa đã ngừng hành vi cấu kết của mình (và giá sữa đã hạ ngay) mặc dù lúc đó vẫn chưa có kết quả điều tra.

Bên cạnh đó, cần có những biện pháp quản lý quảng cáo và tiếp thị để người tiêu dùng không bị mê hoặc bởi những thông tin bị phóng đại hoặc bóp méo. Trước mắt, các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt nghị định liên quan đến các vấn đề quảng cáo sữa cho trẻ từ sơ sinh cho đến 24 tháng (Nghị định 21/2006/NĐ-CP). Đối với các sản phẩm sữa cho trẻ lớn hơn, cần có những quy định chi tiết để ngăn cấm quảng cáo về các tính năng chưa được thẩm định nhưng có công dụng mê hoặc người tiêu dùng rất hữu hiệu như kiểu “uống sữa đem lại sự thông minh”...

Theo đây, các cơ quan và hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng cần có những cuộc vận động nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng (chẳng hạn như hiểu biết đúng đắn về chất lượng của sữa bột, những thông tin quảng cáo, và tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ) cũng như trình báo những trường hợp sai phạm đối với các cơ quan chức năng.

Trong trường hợp các cơ quan chức năng lơ là trong việc thực thi nhiệm vụ của mình thì các tổ chức đại diện người tiêu dùng nên cân nhắc để khởi kiện. Mặc dù chọn con đường đấu lý không phải bao giờ cũng thành công nhưng nó sẽ tạo ra được những tiếng vang đem lại sự chú ý rộng rãi của người tiêu dùng trong cả nước. Hơn nữa vì sữa trẻ em là một mặt hàng nhạy cảm và Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng cho nên khi bị phản ứng mạnh mẽ thì các công ty sữa ít nhiều cũng phải thay đổi phương cách kinh doanh của mình cho phù hợp nhằm duy trì mối quan hệ lâu dài.

Tất nhiên là khi giải quyết được các vấn đề liên quan đến lạm dụng quảng cáo và tiếp thị cũng như nâng cao được ý thức của người tiêu dùng thì lượng cầu sữa ngoại sẽ co giãn mạnh hơn khi giá thay đổi. Lúc đó, nếu các hãng sữa ngoại tiếp tục duy trì giá quá cao so với sữa nội thì khách hàng sẽ chuyển qua mua các nhãn sữa nội có chất lượng. Hệ quả là giá cả trên thị trường sẽ trở nên cạnh tranh hơn.

Những biến động trên thị trường hiện nay cũng là một cơ hội cho các công ty sữa nội vươn lên giành thị phần nếu giải quyết tốt vấn đề chất lượng cũng như có những chiến lược phát hành rộng rãi những thông tin trung thực đến với người tiêu dùng. Có thêm nhiều công ty nội địa có khả năng cạnh tranh tốt không những sẽ làm cho giá cả công bằng hơn mà còn hỗ trợ tích cực cho chiến dịch vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Theo TBKTSG

Pin It
Nguyên tắc tấn công số 4:

"Quá trình theo đuổi cũng không kém phần quan trọng chính cuộc tấn công"

User Menu