Lauren Lyons Cole là một nhà hoạch định tài chính ở thành phố New York. Ở buổi gặp mặt đầu tiên với khách hàng, cô sẽ đặt cho họ hai câu hỏi có vẻ như không hề liên quan gì đến tiền bạc: “Đồ uống yêu thích của bạn ở Starbucks là gì?” và “Mục tiêu của bạn là gì?”
Cô chia sẻ rằng câu trả lời sẽ giúp cô hiểu được cách tiêu xài và tiết kiệm của khách hàng đó. Như vậy cô cũng sẽ biết cách lập ra chiến lược hiệu quả để khách hàng đạt được thứ họ muốn.
Khi làm việc với một khách hàng mới, tôi cần biết tất tần tật mọi thứ về tình hình tài chính của họ. Từ các chi tiêu hằng tháng đến số dư trong tài khoản ngân hàng và lãi suất thẻ tín dụng. Không nên bỏ qua bất cứ chi tiết nào cả.
Trước khi đi vào những chi tiết tài chính nhỏ nhặt, tôi sẽ đặt ra hai câu hỏi mà người khác sẽ nghĩ là không hề có liên quan đến tiền bạc. Nhưng thật ra chúng chứa đựng nhiều thông tin hơn cả những bản báo cáo tài chính đấy.
Nhà hoạch định tài chính Lauren Lyons Cole.
1. Đồ uống yêu thích của bạn ở Starbucks là gì?
Đây quả là một câu hỏi đơn giản nhưng theo thời gian tôi đã học được một điều, cà phê rất có lợi trong những lúc bàn bạc về tài chính cá nhân. Không có nó, khả năng cuộc trò chuyện trở nên buồn chán rất cao, đặc biệt là vào buổi gặp mặt đầu tiên. Vì vậy, tôi luôn chuẩn bị thức uống yêu thích của khách hàng.
Và có một lý do khác để tôi đặt ra câu hỏi này, đồ uống Starbucks của bạn có thể cho tôi biết cách bạn xài tiền.
Theo kinh nghiệm của tôi thì, nếu bạn hay gọi những thức uống đơn giản như cà phê đen size lớn (venti black coffee) hay một ly cappuccino nhỏ (tall cappuccino) thì rất có thể bạn không phải là người thích tiêu xài trong những lĩnh vực khác.
Nếu đồ uống của bạn phức tạp hơn một tí, như một ly macchiato hạnh nhân ít béo ít đường size lớn với syrup không đường và ít đá chẳng hạn, thì tôi sẽ chuẩn bị tinh thần cho một buổi trò chuyện tập trung vào ngân sách và cắt giảm chi tiêu.
Còn nếu câu trả lời của bạn là bạn ghét Starbucks và chỉ uống espresso thượng hạng ở những thương hiệu cà phê đắt đỏ thì tôi sẽ trông chờ tới một cuộc trò chuyện thẳng thắn về việc tối đa hóa tài khoản lương hưu của bạn vì thu nhập sau thuế có thể cao một cách không ngờ tới.
Đây cũng chỉ là những quan sát cá nhân, không dựa trên dữ liệu hay khoa học gì cả. Tôi cũng sẽ hỏi thêm vài câu hỏi khác để hiểu chính xác về cách tiêu tiền của một khách hàng. Nhưng câu hỏi về Starbucks thường đoán đúng.
2. Mục tiêu của bạn là gì?
Hoạch định tài chính là một trải nghiệm không bao giờ nên đi theo một khuôn mẫu nhất định. Trước khi lập ra một chiến lược tiết kiệm cho khách hàng mới, trước hết tôi phải hiểu được mục tiêu của họ đã.
Nếu bạn muốn cưới chồng/vợ, mua nhà và lập gia đình trong vòng 5 năm sắp tới, kế hoạch tài chính của bạn sẽ rất khác biệt so với của một người mơ ước du lịch tới 30 đất nước khác nhau trước khi họ 30 tuổi.
Mục tiêu phải đi trước, rồi tiền bạc mới đi theo. Một khi biết được viễn cảnh tương lai của khách hàng, tôi sẽ có thể tiếp tục lo liệu mọi thứ. Để tôi nói trước cho bạn biết một điều: Rất có thể bạn sẽ phải dừng việc uống cà phê mỗi ngày.
Nếu không thể, bạn có thể giảm bớt lại việc tiêu xài trong những lĩnh vực khác. Nhiệm vụ của tôi không phải là chỉ cho bạn cách xài tiền mỗi ngày, chỉ cần miễn sao bạn đạt được mục tiêu của mình thôi.
* Nguồn: Doanh Nhân+