Những thương vụ mua bán và sáp nhập diễn ra dồn dập gần đây đang cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng gia tăng đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp trong nước thay vì đầu tư trực tiếp như trước đây.

Sôi động trên nhiều lĩnh vực

Tập đoàn Takara Belmont (Nhật Bản) vừa sáp nhập Công ty cổ phần Thương mại sản xuất dịch vụ Ngữ Á Châu (NAC) - chủ sở hữu thương hiệu salon tóc Kanac - vào tập đoàn này. Với việc để cho Takara Belmont nắm giữ 97% cổ phần, NAC xem như đã vào tay doanh nghiệp xứ hoa anh đào sau hơn 10 năm hoạt động trong ngành hóa chất tóc (thiết lập nhà máy sản xuất và xây dựng thương hiệu). Còn với Takara Belmont, doanh nghiệp đã xây dựng và phát triển thương hiệu mỹ phẩm tóc chuyên dụng Lebel, đang giữ thị phần lớn thứ hai tại Nhật, việc sở hữu NAC được xem là con đường ngắn nhất để bước chân vào ngành hóa mỹ phẩm tóc ở Việt Nam, bởi lẽ NAC hiện có một mạng lưới phân phối với khoảng 60 đại lý, hơn 35.000 cửa tiệm tóc trên cả nước.

Hồi tháng 1-2018, Công ty Square Communications của Việt Nam cũng đã công bố Hakuhodo Inc. (một công ty quảng cáo của Nhật) trở thành đối tác chiến lược của họ. Tuy Square Communications không nói rõ vai trò của đối tác Nhật trong sự hợp tác nhưng các nguồn tin thân cận cho biết Hakuhodo nắm giữ một lượng lớn cổ phần trong thương vụ này.

Ở quy mô lớn hơn, Công ty The NawaPlastic Industries (Saraburi) Co. Ltd của tập đoàn SCG (Thái Lan) vừa chi hơn 2.329,5 tỉ đồng để mua gần 24,14 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) bán ra, nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên gần 50%. SCG từng tuyên bố sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam qua nhiều hình thức khác nhau. Đây là lý do hiện SCG có 23 công ty ở Việt Nam mà không ít trong đó trước đây là doanh nghiệp 100% vốn trong nước.

M4

Theo một số chuyên gia tư vấn về mua bán và sáp nhập (M&A), từ năm ngoái đến nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã lựa chọn phương thức rót vốn vào những doanh nghiệp đã niêm yết hoặc mua lại những doanh nghiệp Việt Nam có thương hiệu tốt. Đáng chú ý là các nhà đầu tư ở khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... đang đầu tư theo hình thức này và vào nhiều lĩnh vực như bán lẻ, sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, hóa chất, dịch vụ tài chính...

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy quí 1 năm nay, trong khi nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết vào Việt Nam bị sụt giảm mạnh thì nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) thông qua góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước lại tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái với khoảng 1,89 tỉ đô la Mỹ. Trong đó có 732 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp 1,34 tỉ đô la; 553 lượt góp vốn, mua cổ phần không làm tăng vốn điều lệ với 547,8 triệu đô la. Lĩnh vực tham gia góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cũng đa dạng, từ bán buôn, bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy, kinh doanh bất động sản - xây dựng, cho đến công nghiệp chế biến - chế tạo, hoạt động khoa học công nghệ...

Vì sao?

Theo một số nhà phân tích, M&A là con đường nhanh nhất để các doanh nghiệp nước ngoài thâm nhập thị trường nội địa. Ngoài việc chính sách và luật của Việt Nam ngày càng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài thì “hàng hóa” ở thị trường Việt Nam cũng được cho là tương đối dồi dào và có nhiều tiềm năng.

Một số doanh nghiệp lý giải nguyên nhân họ phải bán công ty là do thị trường của lĩnh vực họ đang hoạt động đã đến giai đoạn bão hòa, không còn nhiều tiềm năng phát triển.

Về phía doanh nghiệp trong nước, có nhiều cách lý giải cho các vụ bán một phần hoặc bán lại toàn bộ doanh nghiệp nhưng tựu trung vào hai nguyên nhân chính, đó là họ thấy đã tới lúc phải rút khỏi thị trường, hoặc họ muốn cùng với đối tác nước ngoài thúc đẩy hoạt động kinh doanh phát triển hơn nữa.

Ở nguyên nhân thứ nhất, là một người trong cuộc, ông Nguyễn Văn Ngữ, chủ thương hiệu Kanac, cho biết trước khi bán NAC cho đối tác Nhật, ông cũng rất đắn đo vì đây là thương hiệu ông đã gầy dựng và nuôi dưỡng hơn 10 năm qua. Nhưng khi nhìn vào thực tế của ngành nghề trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của đất nước, ông hiểu đây là cuộc chơi khốc liệt mà NAC khó có thể trụ vững trước các đối thủ ngoại mạnh cả về thương hiệu, công nghệ lẫn tiềm lực tài chính. Ông Ngữ cho rằng ông quyết định rút khỏi thị trường ở thời điểm này là hợp lý.

Mặt khác, sau M&A, Takara Belmont vẫn giữ nguyên tên công ty và thương hiệu Kanac, họ tập trung vào kiểm soát, nâng cao công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Theo ông Ngữ, Takara Belmont đang nhắm tới việc đưa Kanac trở thành thương hiệu hóa chất tóc phổ biến không chỉ tại Việt Nam mà còn tại các nước trong khu vực Đông Nam Á. Điều này, NAC chưa thực hiện được trong 10 năm qua. Ông cho rằng trong một cuộc chiến không cân sức, “bán” đứa con của mình cho người khác cũng là cách để những người sáng lập còn cơ hội nhìn thấy đứa con trưởng thành và phát triển.

Một số doanh nghiệp khác thì lý giải nguyên nhân họ phải bán công ty là do thị trường của lĩnh vực họ đang hoạt động đã đến giai đoạn bão hòa, không còn nhiều tiềm năng phát triển. Đơn cử trường hợp của Kinh Đô, khi bán cho đối tác nước ngoài vào năm 2014, hãng này nhận thấy ngành hàng bánh kẹo không còn nhiều cơ hội phát triển như những năm đầu mới thành lập nên họ muốn chuyển sang chiến lược “thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu” mà họ cho là có nhiều tiềm năng hơn.

Ở nguyên nhân thứ hai, ông Võ Thành Trung, Chủ tịch Square Communications, chia sẻ: “Chúng tôi chủ động kết nối với nguồn lực mạnh mẽ của Hakuhodo về quản lý dữ liệu và sáng tạo công nghệ để gia tăng năng lực và đưa ra giải pháp phù hợp cho những thách thức mới của khách hàng tại Việt Nam và các nước Đông Dương”. Trong thương vụ này, Hakuhodo sẽ giúp Square Communications gia tăng sức mạnh và năng lực phục vụ khách hàng trong các hoạt động tiếp thị tích hợp, nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh toàn khu vực Đông Dương.

M5

Hay ở trường hợp của Cầu Tre, doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu thực phẩm đông lạnh được tập đoàn CJ CheilJedang (Hàn Quốc) nắm giữ 71,6% vốn và đổi tên thành CJ Cầu Tre, ông Shin Hyun Soo, Giám đốc ngành hàng thực phẩm toàn cầu của CJ CheilJedang, cho biết với thế mạnh của CJ về nghiên cứu - phát triển và cơ sở hạ tầng hiện đại, CJ Cầu Tre hướng đến trở thành một doanh nghiệp toàn cầu. Để đạt được tầm nhìn này, CJ Cầu Tre đã vạch ra chiến lược, trong đó có việc xây dựng trung tâm nghiên cứu - phát triển thực phẩm, trung tâm an toàn thực phẩm; còn hoạt động xuất khẩu sẽ thông qua mạng lưới thị trường ở hải ngoại của CJ.

Ở góc độ của nhà tư vấn các thương vụ M&A, ông Jeffrey Pirie, Phó tổng giám đốc Deloitte Đông Nam Á, cho rằng càng có nhiều thương vụ M&A thì sẽ càng có nhiều câu chuyện thành công và càng tốt cho nền kinh tế.

Một số nhà tư vấn khác cũng cho rằng những đột phá trong môi trường pháp lý nhằm mở rộng cửa với nhà đầu tư nước ngoài sẽ thúc đẩy gia tăng đầu tư vào Việt Nam. Đáng chú ý là các chính sách mới về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn ngược lại, không ít ý kiến băn khoăn khi những thương hiệu Việt vừa định hình đã phải “biến mất” thông qua những thương vụ M&A. Lãnh đạo một doanh nghiệp nhận xét, một số doanh nghiệp trong nước khi đã tạo được một vị trí tầm cỡ nào đó trên thị trường mà lại bán lại cho công ty nước ngoài, bán bớt vốn hoặc chuyển đi là điều đáng tiếc. Bởi, đi theo xu hướng đó, không biết bao giờ mới có được những tên tuổi lớn thuộc về doanh nghiệp Việt Nam.

* Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Pin It
Muhammad Ali

"Chỉ là công việc bình thường thôi. Cỏ thì mọc, chim thì bay, sóng thì đập vào bờ cát. Còn tôi thì đấm người ta."

User Menu