Ngạn ngữ cổ từng khuyên đừng bao giờ làm kinh doanh với bạn bè hoặc người thân gia đình. Nhưng đến nay thế giới vẫn ghi nhận những công ty lừng danh qua hàng thế kỷ nhờ "bí kíp" quản trị gia truyền.
Wal-Mart có hơn 10.400 siêu thị ở 27 quốc gia (năm 2011) với hơn 2,2 triệu nhân viên, phục vụ hơn 200 triệu lượt khách mỗi tuần - Ảnh: Getty Images
Mời bạn đọc tìm hiểu một số gia tộc kinh doanh phát triển rực rỡ qua hàng thế kỷ này.
Kỳ 1: Wal-Mart - nhà bán tạp hóa thành tỉ phú
Nhà Walton đã trở gia tộc giàu có nhất hành tinh vào năm 2011, nhờ một tay "cha đẻ" ngành bán lẻ trên toàn cầu Sam Walton với tập đoàn quyền lực nhất thế giới - Wal-Mart.
Xuất thân từ một gia đình không khá giả, Sam Walton từng bán báo và vắt sữa bò thuê để phụ giúp bố mẹ. Ít ai tưởng tượng được chỉ trong vòng 50 năm sau Wal-Mart có thể đạt doanh thu 469,2 tỉ USD.
Bắt đầu với những món hàng rẻ tiền
Năm 44 tuổi, Walton quyết định vay bố vợ thêm 20.000 USD cộng với 5.000 USD tiền tiết kiệm từ khi vào quân đội để mở cửa hàng Wal-Mart Discount City ở Rogers, bang Arkansas vào tháng 7-1962.
Các đối thủ của Sam không tin ý tưởng của ông về một doanh nghiệp thành công có thể xây dựng từ những mặt hàng giá rẻ mạt và dịch vụ tối ưu. Nhưng sự thành công của Wal-Mart thậm chí còn lớn hơn mong đợi của ông.
Năm 1970, Wal-Mart bắt đầu lên sàn và số tiền huy động được đã giúp công ty có "gió" để mở rộng.
Dù có quy tụ cả phả hệ, Wal-Mart vẫn không đủ người nhà lấp vào các vị trí chủ chốt. Vì thế, gia đình Walton luôn chủ đích tìm và rước về những nhà lãnh đạo ưu tú nhất có thể.
Năm 1988, Sam Walton ông chuyển chức giám đốc điều hành cho "cận thần" không cùng dòng máu David Glass và vẫn đảm nhiệm vị trí chủ tịch hội đồng quản trị.
Sam Walton đã được Tổng thống George H. W. Bush trao tặng Huân chương Tự do của tổng thống năm 1992. Khi qua đời cùng năm đó, con trai cả S. Robson Walton nối nghiệp cha làm chủ tịch.
Wal-Mart hiện có hơn 10.400 siêu thị ở 27 quốc gia (số liệu năm 2011) với hơn 2,2 triệu nhân viên, phục vụ hơn 200 triệu lượt khách mỗi tuần, và riêng ở Mỹ 90% người dân đều nằm trong bán kính 24km xung quanh một cửa hàng Wal-Mart.
Năm 2012, Wal-Mart đạt doanh thu 44 tỉ USD, gần gấp đôi GDP của nước Áo.
Doanh số trong ba tháng của Wal-Mart bằng một năm nhà bán lẻ thứ II Home Depot bán trong một năm. Wal-Mart thật sự không có đối thủ cạnh tranh khi quy mô còn lớn hơn các hãng bán lẻ Target, Sears, Kmart, J.C. Penney, Safeway và Kroger cộng lại.
Thậm chí nếu tham gia chính trị thì đội quân Wal-Mart chỉ xếp sau Trung Quốc, còn nếu là một nền kinh tế thì sẽ đứng vị trí 26.
Giàu nhờ nhượng bộ lợi nhuận
Tốc độ tăng trưởng chóng mặt của Wal-Mart không chỉ đến từ mức giá thấp quá hấp dẫn người tiêu dùng, mà còn là chính sách khôn ngoan (và bị nhiều chỉ trích) của nhà Walton.
Hãng thi hành chính sách ép các nhà cung cấp nhượng bộ lợi nhuận: đối với các sản phẩm cơ bản không thay đổi, số tiền mà Wal-Mart sẽ trả và sẽ lấy từ người tiêu dùng phải giảm theo từng năm.
Nhưng hầu như ai cũng không thoát khỏi thế giới của Wal-Mart, và 21.000 nhà cung cấp của nó hiểu được cái giá đắt từ việc bán hàng rẻ mạt cho Wal-Mart.
Để tồn tại trong yêu sách của Wal-Mart, tất cả các nhà sản xuất từ đồ lót, xe đạp đến quần jeans đều phải sa thải nhân viên, đóng cửa nhà máy Mỹ và tìm đến các thị trường gia công giá rẻ nước ngoài.
Dù vậy, đối với nhiều nhà cung cấp, điều tồi tệ hơn cả chuyện làm ăn với Wal-Mart là "nghỉ chơi" với hãng.
Năm 2012, cứ mỗi 1 USD dân Mỹ chi ra cho bất kỳ cửa hàng nào ở Mỹ (trừ phụ tùng ôtô) thì có 7,5 cent chảy vào ngành bán lẻ. Điều đó có nghĩa hợp đồng với Wal-Mart có thể là rất quan trọng ngay cả đối với các công ty hàng tiêu dùng lớn nhất.
Cuối những năm 1980 đầu 1990, Wal-Mart tăng gấp đôi lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ trong vòng năm năm, trị giá mua hàng trong năm 2002 đạt 12 tỉ USD và chiếm gần 10% tổng lượng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.
Tuy nhiên trong thập kỷ qua, Wal-Mart đã vướng phải hàng loạt vụ kiện đủ lý do, nhưng chủ yếu vẫn là nợ lương và trốn thuế. Tính riêng trong năm 2000, trung bình cứ hai giờ Wal-Mart bị kiện một lần.
Dù giàu có nhưng gia đình Walton mới chỉ đóng góp 2% giá trị tài sản vào quỹ từ thiện, trong khi đó tỉ phú Bill Gates cam kết cho đi 48% và tỉ phú Warren Buffett tặng 78% tài sản của ông.
Châu Luân/Tuổi Trẻ