Trong bài viết số ra tuần trước, chúng ta đã bàn về cơ sở để xây dựng một hệ thống bản sắc nhận diện thương hiệu sao cho hiệu quả. Tuần này, trước khi bắt đầu mô tả các bước cần thiết trong quá trình sáng tạo bản sắc nhận diện thương hiệu, việc tổng kết lại các yếu tố nền tảng là điều hết sức cần thiết.

Nếu thiếu những yếu tố này, hệ thống bản sắc nhận diện thương hiệu sẽ chỉ được xây dựng trên một nền móng lỏng lẻo mà thôi. Nền móng tốt cho việc xây dựng bản sắc nhận diện cần dựa trên một chiến lược khác biệt hóa thương hiệu rõ ràng.

Trên thị trường hiện nay, khi mà tin tức được truyền đi với tốc độ của Internet và các nguồn thông tin có thể khai thác được từ khắp nơi trên thế giới, sẽ dễ dàng hơn với các sản phẩm và dịch vụ của một thương hiệu để có thể đạt được mức ngang hàng với các đối thủ cạnh tranh. Việc sở hữu một mẫu logo được thiết kế đẹp nhất thế giới đi chăng nữa, cũng sẽ không giúp được gì nếu thương hiệu của bạn không thể xác định được sự khác biệt vượt trên mức trung bình. Khác biệt hóa thương hiệu chính là vấn đề then chốt mà bạn cần phải giải quyết trước khi bắt tay tiến hành sáng tạo bản sắc nhận diện cho thương hiệu.

Chúng ta đã bàn đến việc tìm giải pháp cho vấn đề này bắt đầu với phần mô tả bước nghiên cứu. Nghiên cứu nội bộ về những điểm mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp bạn và so sánh chúng với các đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh đó là nghiên cứu thị trường bên ngoài để tìm hiểu những cảm nhận của thị trường về thương hiệu của bạn, cũng như điều gì tạo nên một thương hiệu lý tưởng trong phân khúc mà bạn hoạt động.

Chúng ta cũng đã mô tả cách sử dụng các kết quả nghiên cứu như thế nào để có thể xây dựng chiến lược khác biệt hóa cho thương hiệu, bao gồm việc lập một danh sách đánh giá các lợi thế cạnh tranh và điều chỉnh chúng hợp lý để xác định các điểm khác biệt đại diện cho những yếu tố sẽ tạo tác động tích cực nhất trên thị trường. Mở rộng chiến lược này hơn nữa, chúng ta đã đề cập những lợi ích từ việc chuyển dịch cảm nhận của thị trường về ngành kinh doanh mà thương hiệu của bạn hoạt động sang một phân nhóm tham chiếu khác độc đáo hơn.

Với cơ sở là một chiến lược khác biệt hóa được tạo dựng một cách cẩn trọng, chúng ta đã mô tả mức độ gần gũi lý tưởng khi liên kết Thương hiệu Nhánh với Thương hiệu Mẹ, và cùng với nó là phương pháp đề xuất để cân nhắc các yếu tố và mức độ tác động tới Thương hiệu Nhánh cũng như Thương hiệu Mẹ khi phát triển mối liên hệ chặt chẽ giữa chúng.

Cuối cùng, chúng ta đã bàn đến khía cạnh cảm xúc của thương hiệu – cân nhắc xem tính cách thương hiệu có thể được phát triển dựa trên các nét đặc tính cụ thể như thế nào, nhằm tập trung tạo dựng một ấn tượng cảm xúc riêng cho thương hiệu.

Từ điểm đầu mối này, việc tiếp theo chúng ta cần làm là sử dụng các nét tính cách thương hiệu làm tiêu chí cho toàn bộ công tác truyền thông bằng hình ảnh và ngôn ngữ khi phát triển bản sắc nhận diện thương hiệu, từ việc sáng tạo bản sắc nhận diện cốt lõi không chỉ bao gồm tên thương hiệu và logo thương hiệu cho đến việc thể hiện một cách hệ thống và nhất quán tất cả các loại phương tiện truyền thông cho thương hiệu. Sau này, chúng ta sẽ bàn đến một số khía cạnh, như giới thiệu bản sắc nhận diện thương hiệu mới ra thị trường như thế nào và thương hiệu cần những gì để lưu giữ giá trị lâu dài cùng với thời gian.

Cách đây bốn mươi năm, tôi nhận tấm bằng cử nhân thiết kế và bắt đầu dấn thân theo nghề thiết kế chuyên nghiệp. Khi có cơ hội cộng tác với một số chuyên gia ngôn ngữ giỏi, tôi nhận ra tầm quan trọng của việc kết hợp khéo léo ngôn ngữ và hình ảnh để có thể thực sự thu hút sự chú ý. Tôi may mắn làm việc cùng một chuyên gia marketing rất tài năng và cũng rất quan tâm tới mảng phát triển bản sắc nhận diện thương hiệu. Chúng tôi đã thành lập một công ty truyền thông marketing tại New York, cung cấp đầy đủ các dịch vụ truyền thông tiếp thị. Và chính từ đó, tôi học được giá trị của việc giải quyết các vấn đề tiềm ẩn về marketing sao cho những sáng tạo mà chúng tôi thực hiện không chỉ đơn thuần là để thu hút sự chú ý.

Xây dựng hệ thống bản sắc nhận diện thương hiệu là một trong những chương trình mang tính chiến lược nhất trong toàn bộ chương trình truyền thông của doanh nghiệp. Đây là kinh nghiệm mà tôi đúc rút được với tư cách là một nhà thiết kế hiểu rõ tầm quan trọng của thiết kế, cũng như những hạn chế của nó. Trừ khi bạn làm tốt công tác thiết lập định hướng và nền tảng thương hiệu trước khi bắt tay sáng tạo hình ảnh và ngôn ngữ cho bản sắc nhận diện của thương hiệu, nếu không rốt cục bạn chỉ có được thứ gì đó trông rất đẹp mắt, nhưng lại thiếu đi nền tảng chiến lược làm tiêu chí định hướng và cơ hội để đạt được những mục tiêu chiến lược dài hạn cho thương hiệu lúc đó sẽ rất mong manh.

Theo Ab Viet

Pin It
Aristotle Onassis

"Bí quyết kinh doanh là... biết cái điều mà người khác không biết"

User Menu