Sau đây là một số quan điểm sai lầm hay gặp nhất:
1. Trong một số lĩnh vực, chất lượng quan trọng hơn thiết kế.
Trong mọi ngành nghề, chất lượng đã, đang, và sẽ luôn có một vai trò quan trọng. Tuy nhiên, ở nhiều lĩnh vực, chất lượng mới chỉ là chiếc "vé vào cửa", giúp công ty gia nhập thị trường, chứ bản thân nó chưa đủ để giành thị phần và khách hàng trung thành về cho công ty.
Chúng ta vẫn thường cho rằng chất lượng và hình thức có thể thay thế cho nhau. Nhưng trên thực tế, thiết kế chính là một phương thức truyền đạt về chất lượng.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các công ty thường chỉ có điều kiện tập trung vào thiết kế sau khi họ đã làm chủ được về chất lượng, hoạt động phân phối, đồng thời hiểu rõ thị trường để đưa ra những sản phẩm/dịch vụ phù hợp.
Google, Coca Cola, HP, Procter & Gamble - đây chỉ là một số ví dụ về những công ty vừa "tốt gỗ" lại "tốt cả nước sơn".
Những gì đúng với đời sống cá nhân cũng đúng với đời sống kinh doanh - khi bạn mệt mỏi, choáng ngợp, và bối rối không biết làm gì tiếp theo, hình ảnh bên ngoài của bạn cũng không thể ở vào trạng thái tốt nhất được.
Khi nhìn vào một cửa hàng bẩn thỉu, các mặt hàng bày bán, và thái độ phục vụ yếu kém, người tiêu dùng cũng sẽ đi đến những kết luận tương tự.
Thiết kế tốt cũng giống như chuyện ăn mặc ra sao cho một buổi phỏng vấn vậy - bộ trang phục bạn khoác trên người thể hiện cho đối tác thấy rằng bạn coi trọng mối quan hệ với họ.
2. Giá cả hợp lý quan trọng hơn thiết kế đẹp.
Đúng là một số thiết kế và nhãn hiệu có giá trị lớn hơn, song giữa giá cả và thiết kế không tồn tại một mối tương quan tuyệt đối nào.
Thiết kế tốt hiện diện với bất kỳ mức giá nào. Có thể dẫn ra đây một số công ty tiêu biểu như Target, IKEA và LEGO - đối tượng các công ty này nhắm tới đều là phân đoạn khách hàng quan tâm tới giá cả.
Có thể thấy xu hướng này ở danh sách 20 nhãn hiệu nổi tiếng toàn cầu, trong đó bao gồm cả các nhà bán lẻ cao cấp và những công ty cung cấp các sản phẩm/dịch vụ dễ tiếp cận hơn như Coca-Cola, McDonald''s, Google và Gillette.
Quan trọng hơn, một số thiết kế thuộc hàng sáng tạo nhất hiện nay đã ra đời với mục tiêu đáp ứng nhu cầu đại trà của người tiêu dùng.
Tata Nano, chiếc máy điện tim cầm tay giá rẻ của hãng GE, và chương trình sản xuất laptop giá rẻ cho trẻ em ở các nước đang phát triển chỉ là một số phản chứng tiêu biểu đối với các quan niệm về mối quan hệ giữa giá cả và chất lượng, đồng thời tạo ra một trào lưu mới về thiết kế.
3. Ai cũng muốn có thiết kế tốt, nhưng phải ra mắt sản phẩm vào đúng thời hạn.
Theo định nghĩa, thiết kế là cả một quá trình thực hiện. Để tập trung vào thiết kế, một công ty phải tiến hành kiểm nghiệm ý tưởng, tổng hợp thông tin phản hồi, và nhanh chóng đưa ra các ý tưởng mới.
Tuy nhiên, từ trước tới nay, các nhà thiết kế chỉ tham gia vào giai đoạn cuối của quá trình phát triển sản phẩm - và họ vẫn thường xuyên phải sáng tạo ý tưởng mới dưới áp lực căng thẳng.
Hãy thử quan sát các công ty nổi tiếng với thiết kế đẹp hiện nay. Apple, P&G, Target, Amazon, LEGO cùng nhiều công ty khác đang ngày càng mở rộng danh mục sản phẩm/dịch vụ và tung ra sản phẩm mới với tần suất cao hơn các đối thủ khác.
Các nỗ lực về thiết kế không hề làm chậm lại quá trình ra mắt sản phẩm. Thủ phạm chính là thái độ lưỡng lự, không dứt khoát khi ra quyết định. Quá trình này có thể hiệu quả hơn nếu các công ty đưa vào áp dụng một bộ tiêu chí chung về thiết kế, giúp nhà quản lý có thể dựa vào đó để ra quyết định.
4. Thiết kế và thẩm mỹ là những vấn đề quá chủ quan trong khi khách hàng cần dữ liệu cụ thể để ra quyết định.
Thiết kế xuất sắc sẽ thể hiện các nhu cầu và tình cảm của người tiêu dùng, song các công ty không nhất thiết phải đi theo một chuẩn thẩm mỹ riêng biệt nào cả.
Sự nhất quán giữa giá trị thương hiệu và thiết kế bề ngoài mới chính là yếu tố tạo nên trải nghiệm tích cực ở người tiêu dùng. Các hãng như BMW, Honda, và Hyundai đều thu hút được nhiều khách hàng trung thành với các sản phẩm đa dạng về kiểu dáng và tính năng.
Thêm nữa, các ưu tiên về thiết kế được xác định dựa trên dữ liệu thực tế. Ngày nay, với sự hỗ trợ của mạng internet và truyền thông xã hội, các công ty có thể tiến hành thu thập ý kiến phản hồi của người tiêu dùng với chi phí không quá cao.
5. Quan trọng là sáng tạo ra sản phẩm/dịch vụ và tin tưởng vào các chuyên gia quảng cáo, chứ không phải thiết kế.
Quá trình giao thoa giữa thương hiệu, quảng cáo, và thiết kế đang diễn ra với tốc độ ngày một nhanh.
Hoạt động marketing và xây dựng thương hiệu, nếu được thực hiện tốt, có thể đẩy mạnh hơn nữa tác động của một thiết kế xuất sắc; song nếu thông điệp mà các hoạt động đó đưa ra không được kiểm chứng bằng trải nghiệm thực tế, hiệu quả mà chúng mang lại vẫn chỉ có giá trị tạm thời.
Trong những trường hợp xuất sắc, bản thân thiết kế cũng có thể quảng cáo cho sản phẩm. Các minh chứng tuyệt vời là Dyson, FlipCam, iPod, và Method. Các thiết kế này đều có khả năng kích cầu và củng cố sự trung thành của khách hàng.
Không phải ngẫu nhiên mà các công ty lớn đều thường xuyên thực hiện thành công những chiến dịch quảng cáo và sử dụng truyền thông xã hội một cách hiệu quả - họ đều đang tận dụng hết mức sự hiểu biết sâu sắc của mình về người tiêu dùng.
Các lãnh đạo doanh nghiệp không cần phải theo học chuyên khoa thiết kế để tạo ra những sản phẩm/dịch vụ có thiết kế tuyệt vời. Họ chỉ cần lưu ý thực hiện những kỹ năng chính của mình - lắng nghe người tiêu dùng, đặt câu hỏi, và sẵn sàng tiếp nhận ý tưởng mới - vào quá trình xây dựng thiết kế.
Để đưa ra được những thiết kế xuất sắc, các công ty phải quan sát người tiêu dùng - chứ không phải sản phẩm của đối thủ - kỹ càng hơn nữa.
Theo VNR 500