Dù cho công ty của bạn thuộc lĩnh vực nào, một câu chuyện thuyết phục sẽ giúp bạn tạo sự khác biệt giữa rất nhiều doanh nghiệp khác.
Mọi người thích một câu chuyện hay và quan trọng hơn, họ mua (dịch vụ, sản phẩm) vì câu chuyện đó. “Ngày nay, nếu bạn muốn là một nhà khởi nghiệp thành công, bạn cũng phải là một người kể chuyện giỏi,” nhà sáng lập thương hiệu Virgin, tỉ phú Richard Branson từng nói.
Dù cho công ty của bạn thuộc lĩnh vực nào, một câu chuyện thuyết phục sẽ giúp bạn tạo sự khác biệt giữa rất nhiều doanh nghiệp khác. Nó cũng tiếp thêm sức mạnh cho chiến lược tiếp thị của một công ty. Khi nghe được câu chuyện của doanh nghiệp và biết lý do đằng sau sự ra đời của một sản phẩm, dịch vụ, người tiêu dùng biết rằng doanh nghiệp đó hiểu được nhu cầu của họ. Đối với một doanh nghiệp mới, doanh nghiệp nhỏ thì biết cách kể chuyện là một phần quan trọng của việc kinh doanh. Sau đây là những gợi ý giúp các doanh nhân xây dựng một câu chuyện hay.
Ảnh: Marketing Labs.
Xây dựng cốt truyện
Câu chuyện cần có tính tương tác và lôi cuốn. Nhưng, nếu không có cốt truyện rõ ràng, bạn sẽ nhanh chóng đánh mất sự chú ý của người tiêu dùng. Để bắt đầu một câu chuyện về thương hiệu, hãy trả lời những câu hỏi sau:
- Ai đang kể chuyện?
- Lý do ra đời của câu chuyện?
- Chuyện xảy ra khi nào và ở đâu?
- Ai là nhân vật trong chuyện?
- Mọi người cố gắng đạt được điều gì?
- Những thách thức mà họ phải đối mặt?
Bộ khung này sẽ giúp bạn phát triển một câu chuyện lôi cuốn và có ý nghĩa đối với khách hàng. Xây dựng một bối cảnh để người tiêu dùng biết chính xác bạn đang nói gì, và quan trọng nhất là vì sao bạn đang kể cho họ nghe câu chuyện này. Nhờ thế, bạn có thể dẫn dắt họ đi suốt câu chuyện và lôi cuốn họ cho đến kết thúc.
Một câu chuyện có thật
Một câu chuyện thật và phong cách kể chuyện đơn giản, rõ ràng là yếu tố quan trọng để chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Đừng cố dẫn dụ họ bằng một câu chuyện được thổi phồng quá đáng. Họ sẽ nhận ra ngay và không hề thích điều đó. Không cần phải quá trau chuốt câu chuyện về một ý tưởng kinh doanh. Thực ra, nếu doanh nghiệp của bạn không có một lịch sử “rúng động” thì bạn cũng không nên cố tạo ra. Một câu chuyện thật có khả năng kết nối với người tiêu dùng tốt hơn là chuyện không có chút sự thật nào.
Ảnh: Duarte.
Sự minh bạch, rõ ràng sẽ tôn vinh nét độc đáo và thể hiện khía cạnh nhân văn của thương hiệu. Không che giấu những thách thức và thất bại là cách nhìn nhận mọi thứ không phải lúc nào cũng dễ dàng và qua đó tạo sự kết nối cảm xúc đồng thời bộc lộ những tính cách đáng ngưỡng mộ như tinh thần sáng tạo đổi mới và sự bền bỉ.
Bạn cũng có thể tạo cách tiếp cận cởi mở trong quá trình truyền thông đến khách hàng bằng cách giải thích với họ về những gì đang diễn ra tại doanh nghiệp. Chẳng hạn, bạn hiện sử dụng toàn bộ nguyên liệu bản địa ở nhà hàng của mình. Những chi tiết này sẽ giúp tạo nên một câu chuyện hấp dẫn.
Có kết quả rõ ràng
Một câu chuyện hay sẽ để lại cho khán giả điều gì đó. Họ sẽ học được bài học gì từ câu chuyện này? Câu chuyện cần mang lại kết quả rõ ràng, một thông điệp tràn đầy hy vọng, đáng để suy ngẫm và những chi tiết thôi thúc khán giả kết nối với thương hiệu. Bạn có thể sử dụng thành tựu có thật của bản thân để chuyển tải một thông điệp nào đó đến khách hàng. Điều này cũng mang lại sự tự tin về dịch vụ và những giá trị của doanh nghiệp.
Nhất quán
Một câu chuyện không mạch lạc, lộn xộn sẽ khiến khách hàng bối rối và không thấy hứng thú. Thương hiệu cần được thể hiện nhất quán trên tất cả các kênh truyền thông. Hãy sử dụng cùng màu sắc, logo và câu khẩu hiệu trong các tài liệu tiếp thị ở cả phiên bản in và kỹ thuật số. Việc lặp lại những hình ảnh liên quan đến doanh nghiệp sẽ góp phần xây dựng nhận thức về thương hiệu. Cần nhất quán khi nói về thương hiệu của mình. Nắm rõ cả cốt lõi bên trong và hình thức bên ngoài sẽ giúp bạn kể chuyện một cách tự nhiên và mạch lạc.
Ảnh: Duarte.
Hãy để khách hàng tham gia vào câu chuyện
Sử dụng quá trình kể chuyện để khuấy động sự kết nối cảm xúc với khách hàng. Mọi người thích là một phần của câu chuyện. Vì vậy, khách hàng có thể là nhân vật của thương hiệu. Hãy nghĩ ra những cách khiến cho khách hàng tham gia vào câu chuyện. Chẳng hạn, Công ty phần mềm Patriot Software tiếp cận với một số khách hàng và lắng nghe câu chuyện khởi nghiệp của họ. Những câu chuyện thực tế này cũng giúp kết nối trực tiếp khách hàng của Patriot Software với câu chuyện thương hiệu của công ty này.
Kể chuyện về thương hiệu là một quá trình liên tục. Mỗi ngày, doanh nghiệp của bạn đang phát triển, biến đổi và bổ sung thêm những chương mới cho câu chuyện của nó. Hãy làm cho việc kể chuyện trở thành một phần tất yếu trong vận hành kinh doanh để thu hút và giữ chân khách hàng.
* Nguồn: Doanh Nhân+