Theo Ramit Sethi, người tầm thường có xu hướng thích nghe những lời khuyên vô vị thay vì chấp nhận sự thật phải "đổ mồ hôi sôi nước mắt" mới có được thành công.

noi dôi copyRamit từng tốt nghiệp trường Đại học Stanford chuyên ngành tâm lý học và công nghệ. Ông là tác giả cuốn sách best-selling trên New York Times có tên I Will Teach You To Be Rich. Ngoài ra, ông còn là nhà đồng sáng lập startup công nghệ Pbwiki chuyên cung cấp công cụ miễn phí giúp người dùng thiết kế website đơn giản.

Trên ti vi và các phương tiện truyền thông khác, bạn rất thường nghe lời khuyên từ những người thành công, kiểu như hãy theo đuổi đam mê, sống với đam mê, làm những điều bạn thích, v.v... Nhưng theo Ramit, rất ít người biết những điều mà mà các vị CEO thành công chưa hoặc không bao giờ nói với bạn:

- Ông ấy không bao giờ xem kênh phim truyện. Trong nhà ông thậm chí còn không có ti vi.

- Mỗi sáng Chủ nhật, ông ấy nhốt mình trong văn phòng suốt 3 giờ đồng hồ để lên kế hoạch làm việc cho tuần tới.

- Đầu óc vị CEO luôn quay cuồng với công việc, ngay cả trong lúc tắm, lúc mua cà phê, và cả trong bữa cơm quây quần với gia đình.

- Ông làm việc hơn 60 giờ/tuần...

Câu hỏi là, tại sao ông không chia sẻ những điều đó? Ramit lý giải, thực tế, rất nhiều người không muốn nghe người thành công kể về việc phải làm việc quần quật mỗi ngày. Nghe thật vất vả! Do đó, sẽ tốt hơn nếu người thành công chia sẻ một bí quyết nào đó mà những người bình thường có thể dễ dàng làm theo - ngay cả khi lời khuyên đó không hoàn toàn đúng.

Thực ra chúng ta luôn nghe những lời nói dối trắng trợn này, ở mọi nơi, trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh. Chắc hẳn bạn từng nghe một bà mẹ 2 con chia sẻ bí quyết giữ eo thon dáng gọn: "Tôi chỉ đi bộ hằng ngày và ăn uống hợp lý một chút thôi". Một học sinh đạt toàn điểm 10 sẽ phân bua: "Tớ hiếm khi học bài lắm, do tớ may mắn nên mới đạt điểm cao thôi". Một anh chàng hấp dẫn phái đẹp chia sẻ: "Chẳng có bí quyết gì đặc biệt cả. Chỉ cần là chính mình thôi".

Bản thân Ramit cũng từng trải qua tình huống phải nói dối ấy, khi có độc giả đề nghị ông cho họ lời khuyên làm thế nào để kiếm được 1 triệu USD trong 3 tháng dựa vào ý tưởng vẩn vơ nào đó. "Thành công không đến dễ dàng thế. Bạn phải làm việc cật lực mới mong xây dựng được một doanh nghiệp thành công", ông nói, "Nhưng khi tôi bắt đầu nói về những nhiệm vụ cần thiết để thực hiện mục tiêu 1 triệu USD trong 3 tháng thì trông họ lại chẳng có gì là muốn nghe".

Người tầm thường không muốn chứng kiến hành trình "nằm gai nếm mật" gian khổ trước khi đạt được thành công, trong khi người chiến thắng thì không như vậy. Họ hiểu rằng, mình cần nhận ra những lời khuyên "ru ngủ" và khám phá sự thật "vất vả" bên trong giúp họ giành được chiến thắng.

Thực tế, phần đông chúng ta luôn cho rằng mọi việc luôn dễ dàng, cho dù đó là giảm cân, đạt điểm cao hay kiếm nhiều tiền. Và khi biết mục tiêu không dễ gì đạt được, chúng ta tự đưa ra những lý do để dối lừa bản thân nhằm hợp lý hóa cho thất bại của mình.

Ngày nay, hầu hết mọi người không nhận ra hoặc cố tình lờ đi những lời nói dối về sự thành công. Theo Ramit, luôn có một thế giới ru ngủ chào đón chúng ta. Thế giới đó khiến con người trở nên tầm thường hơn nhờ cảm giác an toàn và hài lòng với suy nghĩ mọi người đều giống bạn.

Dưới đây là 3 lời nói dối phổ biến nhất mà Ramit phát hiện ra chúng ta tự nói với chính mình:

1. Tôi không có đủ tiền để tiết kiệm

Ramit nhận ra mọi người thường dùng lý do "không đủ tiền" để bào chữa cho thói quen tiêu xài quá tay của mình. Để kiểm chứng, anh đã đăng một dòng tweet trên Twitter, cụ thể: "Mọi người đều có thể tiết kiệm, và theo thời gian, mọi người đều có thể đầu tư. Chỉ cần tiết kiệm 5 USD/tháng cũng đủ tạo ra thói quen".

Ngay lập tức, dòng tweet trên khiến nhiều người "xù lông" bởi họ không thích nghe sự thật rằng, ai cũng có thể tiết kiệm được tiền nếu chịu cố gắng. Và phản ứng tự nhiên khi đó là nhiều người cố gắng tìm ra những trường hợp ngoại lệ cho việc không thể tiết kiệm, đại loại:

- Có nhiều người nghèo đến mức không đủ ăn thì tiền đâu để họ tiết kiệm chứ.

- Đôi lúc tiết kiệm là chuyện bất khả thi.

- Có người bị phạt vì tích cóp quá nhiều đấy.

Ramit kể, có một người bạn thường xuyên làm phiền ông về việc không thể tiết kiệm. Cuối cùng, ông đã viết thế này: "Nếu bạn thực sự tin rằng mình không thể tiết kiệm thì tôi - với tư cách cá nhân - sẽ giúp bạn tiết kiệm trong 3 tháng, hoàn toàn miễn phí. Chỉ cần bạn tuân theo quy tắc quan trọng số 1: Làm theo những lời tôi nói".

Lần lượt sau đó những lời phàn nàn biến mất. Nhìn chung, khi những người hay than phiền không biết trả lời làm sao thì họ chọn giải pháp "bặt vô âm tín".

Tất nhiên, đối với một số người thì giai đoạn bắt đầu tiết kiệm tiền sẽ khá khó khăn. Nếu bạn không kiếm nhiều tiền, không có khả năng để dành 500 USD, 50 USD, hay 20 USD mỗi tháng thì, Ramit khuyên, bạn có thể bắt đầu với 5 USD.

Sau này, một trong những người than phiền đã phản hồi lại Ramit. Và Ramit rất trân trọng điều đó. Cô gái cho biết đã làm theo lời khuyên và bắt đầu tiết kiệm tại khoản tiền mà cô có thể - chỉ 50 cent/ngày - và dần dà cô hình thành thói quen tiết kiệm.

Thực tế, vấn đề không nằm ở việc bạn tiết kiệm được bao nhiêu tiền. Điều quan trọng là bạn có niềm tin mình có thể tiết kiệm tiền, từ niềm tin đó mới hình thành nên thói quen tiết kiệm. Thực tế, bạn luôn có thể "điều chỉnh" khoản tiết kiệm của mình sau này.

2. Tôi là người hướng nội nên không giỏi giao tiếp với người khác

Lời biện minh tưởng chừng vô hại này thực ra lại ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thành công của bạn. Bạn không phải là cá thể duy nhất trong cuộc sống. Bạn không thể tồn tại nếu chỉ dựa vào nỗ lực bản thân. Đó là lý do thúc đẩy người thành công nỗ lực rèn luyện kỹ năng giao tiếp, mở rộng mạng lưới mối quan hệ.

Nhiều người tự huyễn hoặc bản thân bằng suy nghĩ: Mình là người hướng nội, sinh ra vốn đã rụt rè, nhút nhát nên không giỏi nói chuyện với người lạ, càng không giỏi trong việc duy trì mối quan hệ. Ramit gọi đây là "câu chuyện hoang tưởng của người hướng nội".

Bạn ông, Susan Cain, cũng là tác giả một cuốn sách viết về người hướng nội, phân tích, người hướng nội có mối gắn kết gần gũi với không gian tĩnh lặng. Tuy nhiên, điều đó không nói lên rằng người hướng nội kém cỏi trong việc bắt chuyện với mọi người, mà lý do thực sự là họ thích cảm nhận sự im lặng giữa chốn đông người.

Không may thay, từ "hướng nội" lại bị nhiều người vay mượn như một cái cớ để nhẹ nhàng lẩn tránh những cuộc nói chuyện khó chịu.

Thực tế, bạn có thể vui vẻ tại những bữa tiệc, kết những câu chuyện hài hước và học cách thiết lập mạng lưới một cách tự nhiên.

Một trong những sinh viên xuất sắc của Ramit có tên Chris. Ông miêu tả đó là một anh chàng tuyệt vời, giỏi giang nhưng không may thay, Chris lại ghét nói chuyện trước đám đông. Sau một thời gian, Chris đã vượt qua nỗi ám ảnh đó và gặt hái thành công.

"Điều kỳ diệu ấy không xảy ra chỉ sau một đêm thức giấc mà nó đòi hòi Chris bỏ ra hàng năm trời luyện tập, bắt đầu từ ngôn ngữ cơ thể, ngữ điệu, biểu cảm gương mặt, sự tự tin...", ông cho biết.

3. Dù đã cố gắng hết sức nhưng tôi không thể giảm cân

Lời nói dối này là một hình thức thể hiện sự quyết tâm hoàn thành mục tiêu của mỗi người. Việc "đã cố gắng hết sức" nhưng không thể đạt được mục tiêu đề ra (giảm cân) cho thấy bạn đang làm sai phương pháp, hoặc chưa nỗ lực hết sức, hoặc do... yếu tố tâm lý.

Với một người có suy nghĩ "sinh ra đã mập vậy rồi" thì cho dù có cố gắng ăn ít, chăm chỉ luyện tập thì cuối cùng vẫn "đâu lại hoàn đấy", chẳng dẫn tới sự thay đổi nào cả.

Khi bạn tin vào lời nói dối, nó sẽ là một lời tiên tri thành hiện thực, Ramit nói. Thực tế, có một số trường hợp không thể giảm cân được do vấn đề bệnh lý, còn lại đa phần chọn cách chấp nhận số phận. "Bạn không cần phải giảm cân, bạn nên học cách chấp nhận bản thân, béo vẫn đẹp mà". Đây chỉ lời biện minh nhằm hợp lý hóa sự thiếu khát khao và nỗ lực vì mục tiêu thay đổi đúng đắn (giảm cân).

Cũng có những người thực sự hài lòng với bản thân của họ, thì lẽ dĩ nhiên họ không cần cố gắng giảm cân. Nhưng với những ai muốn mặc vừa chiếc quần jean yêu thích, đi lên cầu thang không phải thở dốc, hay khoe cơ bụng 6 múi trước mọi người, thì nên học cách thay đổi cơ thể.

Lang là một học sinh của Ramit. Cậu đã vật lộn với việc giảm cân từ rất lâu. Lang cho biết đã cố gắng ăn uống điều độ, tập tạ, tham gia lớp học nhảy... nhưng vẫn không ích gì.

Ramit đã đưa Lang vào diện nghiên cứu trong chương trình thể dục thể hình có tên "I Will Teach" do ông và một số đồng nghiệp lập ra. Sau đó, họ phát hiện ra, thách thức lớn nhất của Lang xuất phất từ yếu tố tâm lý. Ví dụ:

- Lang không bỏ thừa mứa thức ăn. Gia đình ông bà nội trước kia của Lang sống tại Việt Nam và họ rất nghèo. Do đó, bố Lang hiểu rất rõ cơn đói. Ông luôn dạy các con mình rằng không bao giờ được lãng phí thức ăn.

- Gặp gỡ bạn bè toàn đi ăn uống, nhậu nhẹt. Lang chia sẻ, bất cứ khi nào tụ tập thì nhóm của Lang sẽ luôn đi ăn hoặc nhậu vài lon bia với nhau...

- Ăn uống phải cảm thấy thoải mái. Chính vì tâm lý thoải mái này nên nhiều người không chịu được chế độ ăn uống kiêng khem khắc nghiệt trong thời gian dài.

Sau khi hiểu rõ những rào cản của mình, Lang đã thay đổi dễ dàng hơn. Xã hội "ru ngủ" Lang rằng có một số người không thể giảm cân, nguyên nhân bởi yếu tố di truyền, cơ địa, bệnh tật,... và cách tốt nhất là chúng ta nên chấp nhận cơ thể mình. Tuy nhiên Lang đã được chuẩn bị để đối phó với tâm lý "tự lừa dối bản thân" đó và chọn cách thay đổi bản thân.

Ramit nhận định, chúng ta sống trong một thế giới nơi những người tầm thường được chúc tụng vì điều đó khiến những người còn lại cảm thấy tốt hơn: "Không sao, có người sinh ra đã nghèo/hướng nội/thừa cân rồi. Đó không phải lỗi của bạn. Bạn chỉ cần học cách chấp nhận nó thôi".

Bạn có thể giữ những lời dối trá đó để tự lừa dối bản thân trong hôm nay, ngày mai hay cả đời. Nhưng nếu muốn thành công, bạn nên học cách đối mặt với những sự thật không thoải mái và nhận ra những lời nói dối có thể khiến bạn đi sai đường đến cuối cuộc đời.

VÂN THẢO (theo Growth Lab)

Pin It
Charles M. Schwab (1862-1939)

"Khi một người đặt ra giới hạn về những gì mà anh ta sẽ làm, anh ta đã đặt ra giới hạn về khả năng của mình."

User Menu