Công nghệ đang làm thay đổi suy nghĩ, cách nhìn của khách hàng về quảng cáo. Và cũng chính công nghệ đã giúp doanh nghiệp (DN) có cách tiếp cận, kết nối hiệu quả với khách hàng.
“Video theo nhu cầu” lên ngôi
Xem "video theo nhu cầu" (VOD: video on demand)” đang ngày càng trở thành thú tiêu khiển phổ biến với người tiêu dùng Việt Nam.
Báo cáo vừa công bố của Nielsen đưa ra kết quả khá thú vị. Tại Việt Nam, có đến 91% khán giả xem chương trình VOD với mọi thể loại và gần 70% xem ít nhất 1 lần trong ngày. Phương tiện khán giả sử dụng nhiều là máy tính (chiếm 81%), điện thoại di động (79%), tivi thông minh (61%) và máy tính bảng (53%). Có đến 90% người Việt sử dụng dịch vụ VOD để xem phim, 56% xem các chương trình truyền hình.
Đó chính là một trong những lý do khiến DN đầu tư mạnh vào lĩnh vực này. Chẳng hạn như Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) đầu tư vào dịch vụ SCTV-VOD, Viettel có dịch vụ truyền hình theo yêu cầu NextTV, Truyền hình FPT đưa vào khai thác ứng dụng xem phim theo yêu cầu Danet và Fim+...
VOD tăng mạnh, trong đó, hình thức trực tuyến đang được hầu hết khách hàng chọn lựa khi xem chương trình. Theo công bố của Google phát đi ngày 25/3 vừa qua, hình thức video trực tuyến rất được người tiêu dùng Việt Nam quan tâm và đã được các DN Việt sử dụng một cách xuất sắc. Bằng chứng là YouTube - mô hình video trực tuyến tuy chỉ mới xuất hiện tại Việt Nam được 1 năm nhưng rất được người tiêu dùng Việt yêu thích.
Thống kê của đơn vị này cho thấy, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có thời lượng xem YouTube đứng hàng đầu thế giới. Các quảng cáo của Cif - “Mẹ mang Xuân về”, Comfort - “Bung tỏa hương Xuân cùng 9 giọng ca nhí đáng yêu”, Tide - “Giúp mẹ lo Tết, đón Xuân sum vầy”, Chợ Tốt - “Ba chàng ngự lâm - chạm trán đại tướng”, Neptune - “Cảm động Neptune Tết 2016”... trên YouTube trong dịp Tết vừa qua đã được xem hơn 60 triệu lần. Điều đáng nói là hơn một nửa trong số đó (chiếm 53%) được xem bằng thiết bị di động.
Người tiêu dùng thích quảng cáo?
Lâu nay, chúng ta cho rằng người tiêu dùng “rất ghét” quảng cáo và thường tắt các chương trình đang xem trên tivi hay các thiết bị điện tử mỗi khi các chương trình quảng cáo xuất hiện. Thế nhưng, nghiên cứu của Nielsen lại cho kết quả... rất khác.
Có đến 62% người Việt được khảo sát cho biết rất thích xem các quảng cáo về sản phẩm họ quan tâm. Có 53% khán giả Việt cho biết các quảng cáo xuất hiện khi họ đang xem VOD cung cấp những ý tưởng hay về các sản phẩm mới và 54% số người được hỏi cho biết không cảm thấy phiền khi các mẫu quảng cáo xuất hiện trong lúc đang xem chương trình. Người tiêu dùng rất sẵn lòng xem quảng cáo miễn phí.
Điều này cũng trùng với công bố của Google, rằng: Người dùng “đến” với quảng cáo như là một nhu cầu. Đó là lý do để các nhãn hàng ưu tiên việc kể một câu chuyện tạo tính hài hước hơn là bán sản phẩm, từ đó tạo sự kết nối với người dùng.
Đơn cử như trong 10 quảng cáo Tết có lượt người xem cao nhất trên YouTube, quảng cáo của Mirinda là sự kết hợp giữa yếu tố vui nhộn và pha trộn của phim hoạt hình, phim hài và chương trình tivi. Trong khi đó, quảng cáo của Neptune lại thể hiện hình ảnh đậm chất điện ảnh và mang hơi hướng của phim ngắn.
Theo bà Nguyễn Phương Anh, Giám đốc Tiếp thị thị trường Việt Nam, Google châu Á - Thái Bình Dương: “Yếu tố sáng tạo ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp quảng cáo tại Việt Nam. Quảng cáo kỹ thuật số đã tạo nên những kết nối cảm xúc với người xem. Các nhãn hàng ở Việt Nam đang tiếp cận xu hướng video kỹ thuật số và những đoạn quảng cáo này có sức hút đặc biệt đối với mọi đối tượng người xem, từ những bà mẹ cho đến những người trẻ”.
Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, ông Craig Johnson - Giám đốc Điều hành phụ trách marketing Nielsen khu vực Đông Nam Á, Bắc Á và Thái Bình Dương, cho rằng, việc cá nhân hóa nội dung và cả các quảng cáo được xem là chìa khóa quan trọng nhằm gắn kết với người tiêu dùng và giữ sự chú ý của họ.
"Các đổi mới công nghệ như việc cài đặt cá nhân nội dung quảng cáo sẽ là những cơ hội để các nhà tiếp thị tiếp cận khán giả chính xác hơn. Điều các nhà tiếp thị cần ghi nhớ là mặc dù cá nhân hóa nội dung quảng cáo là một xu hướng đầy tiềm năng nhưng những quảng cáo truyền thống trên tivi vẫn còn rất hấp dẫn và đạt hiệu quả cao trong việc tiếp cận người tiêu dùng”, ông Craig Johnson nói.
MINH HÀO
Theo DNSG