Video với các lợi thế tác động vào nhiều giác quan của người xem bằng hình ảnh và âm thanh ngày càng chứng tỏ sự hữu dụng của mình trong lĩnh vực tiếp thị.
Tại Mỹ, có đến 68% nhà làm tiếp thị và người điều hành các công ty dự kiến sẽ tăng chi phí đầu tư vào video tiếp thị trong 12 tháng tới, theo một báo cáo hồi tháng 4 của Interactive Advertising Bureau.
Tuy nhiên, theo James G. Brooks – nhà sáng lập, CEO của Công ty sản xuất video tiếp thị GlassView, việc sản xuất video đòi hỏi nhiều thời gian và tiền bạc nhưng có rất nhiều video tiếp thị của doanh nghiệp hiện nay chưa thật sự hiệu quả, chúng không giúp tăng nhận diện thương hiệu hoặc thúc đẩy việc bán hàng của công ty.
James G. Brooks đưa ra một vài bài học thú vị về video marketing thông qua các ví dụ sau:
“Mighty Stash Bag” của Công ty Dynomighty
Là một công ty nhỏ, Dynomighty không có nhiều ngân sách để chi cho video tiếp thị nhưng họ cũng đã khá thành công khi tạo ra một số video và nhận được hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội Youtube. Video “Mighty Stash Bag” của Hãng cũng đã có hơn 150.000 lượt xem cho đến nay.
Video này của Dynomighty cho cảm giác chuyên nghiệp không kém gì một đoạn quảng cáo chỉn chu được phát sóng trên tivi. Mặc dù có độ dài chưa đến 1 phút nhưng video đã giúp khách hàng tiềm năng dễ dàng hiểu được những đặc điểm nổi bật và biết cách để tìm mua sản phẩm của Công ty.
“Security” của Công ty dao cạo râu Dollar Shave Club
Đoạn video hài hước “Security” nói về sự bất tiện khi người tiêu dùng muốn mua dao cạo râu được trưng bày trong những chiếc tủ luôn được khóa cẩn thận ở nhiều cửa hàng. Việc mua hàng như thế khiến khách hàng trông không khác nào là một “tội phạm”. Cách tiếp cận độc đáo được thể hiện một cách ngắn gọn đã giúp Dollar Shave Club nhận được gần 2 triệu lượt xem trên Youtube.
"Bạn không cần phải tốn quá nhiều kinh phí cho việc thực hiện một đoạn video như trên. Dollar Shave Club đã thành công khi gợi lên cảm xúc mạnh mẽ cho người xem bằng cách diễn đạt vui nhộn", James G. Brooks cho biết.
Có thể nói, sự hài hước chính là đặc điểm nhận diện không thể nhầm lẫn trong hầu hết các video tiếp thị của Dollar Shave Club. Đặc điểm nhận diện này cũng là yếu tố quan trọng đối với bất kỳ thương hiệu nào khi muốn lên kế hoạch thực hiện một chuỗi video quảng cáo.
“Passionate Lunchmaking” của thương hiệu thực phẩm từ trái cây Mott’s
Video này đề cập đến áp lực chu toàn cuộc sống của các bậc cha mẹ thời hiện đại. Nhân vật chính là một bà mẹ đã từ bỏ việc thực hiện những bữa trưa công phu cho con cái khi nhận ra rằng rốt cuộc chúng cũng không ăn. Những đứa con của cô lại thích thú hơn khi dùng sốt táo của thương hiệu Mott’s. Nhờ đánh trúng tâm lý của rất nhiều bậc phụ huynh hiện đại, video đã thu hút gần 2,5 triệu lượt xem trên Youtube.
Theo nghiên cứu của Advertiser Perceptions, quan điểm “thời lượng vàng” từ 15 – 30 giây dành cho video thương mại đã không còn hợp thời nữa. Điều quan trọng là ngoài các sản phẩm và dịch vụ cụ thể mà công ty cung cấp, bạn phải tạo ra được một “thế giới” khác để thương hiệu tồn tại. Mott’s đã thành công khi sản xuất một video quảng cáo với độ dài 1 phút 20 giây nhưng vẫn khiến người xem khó thể cảm thấy nhàm chán.
“Hearing Hands – Touching” của Samsung
“Hearing Hands – Touching” được Samsung thực hiện để giới thiệu một dịch vụ của Công ty là trung tâm điện thoại dành cho người khiếm thính. “Đây là một video xúc động, nhưng thời lượng 2 phút 45 giây có vẻ khá dài. Người xem cũng phải tốn một khoảng thời gian để suy nghĩ mới có thể hiểu được mối tương quan giữa câu chuyện với công nghệ của Samsung nên dễ bị mất tập trung”, theo James G. Brooks.
"Để video tác động mạnh mẽ hơn đến người xem, hãy cho thấy rõ mục đích ngay từ đầu. Với video 'Hearing Hands – Touching' này, Samsung nên thêm một đoạn giải thích đơn giản ở phần đầu về câu chuyện đang xảy ra và cách mà nó sẽ tạo ra một sự khác biệt cho thế giới. Video tiếp thị càng dễ hiểu, càng tác động mạnh mẽ đến người xem thì hiệu quả gắn kết khách hàng với thương hiệu càng cao", James G. Brooks gợi ý.
BÍCH TRÂM (theo Forbes)/DNSG