Với sự phát triển như vũ bão, thậm chí có thể nói là sự “thống trị” của công nghệ thông tin, cách làm PR và merketing hiện nay đã có một sự dịch chuyển đến bất ngờ. Khi dịch chuyển sang marketing 3.0, doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận, từ đáp ứng nhu cầu, làm hài lòng và duy trì sự trung thành của khách hàng mục tiêu sang việc nắm bắt nhu cầu, cảm xúc của người tiêu dùng.
Theo số liệu của internetlivestats.com đến năm 2014, Việt Nam đã đạt gần mốc 40 triệu người sử dụng Internet. Là một quốc gia với dân số trẻ, Internet tại Việt Nam đã phát triển mạnh với tốc độ cao hàng đầu so với khu vực. Internet đã làm thay đổi không chỉ thói quen tìm kiếm tiếp nhận thông tin mà cả cách chúng ta giao tiếp với nhau. Internet đã hình thành nên những trào lưu thay đổi văn hóa giải trí, ngôn ngữ, giá trị sống.
PR-Marketing 3.0
Theo bà Amy Kunrojpanya – Giám đốc Truyền thông Google, chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi marketing từ 1.0 lên 2.0 và giờ là 3.0 và thách thức của doanh nghiệp là phải làm chủ được sự thống trị của công nghệ thông tin. Ở thời kỳ 1.0, các dịch vụ internet giới hạn ở việc trao đổi thông tin hai chiều giữa bên phát và bên nhận thông tin. Khi đó, website của doanh nghiệp chỉ cho phép khách hàng gửi email hoặc thông tin phản hồi. Đến thời kỳ 2.0, thông tin được mở rộng đa chiều, tốc độ trao đổi và hình thức trao đổi cũng phong phú hơn. Từ những năm 2000, thế giới bắt đầu có weblog và mạng xã hội, nơi người dùng có thể tương tác, chia sẻ văn bản, hình ảnh và video, các dịch vụ giải trí như nghe nhạc trực tuyến, xem và chia sẻ video.
Tại sao nói, chúng ta đang ở thời kỳ 3.0? Giờ đây, khi thức dậy, thứ chúng ta chạm vào đầu tiên là chiếc điện thoại di động. Những thắc mắc và đặt câu hỏi hầu hết đều có điểm chung là tìm đến Google. Hàng triệu người phải bứt rứt vì ngày hôm đó không thể đăng nhập vào Facebook do đứt cáp quang trên biển Đông. Từ những lời chúc mừng sinh nhật trên dòng thời gian hay những chia sẻ công việc, vấn đề quan tâm và cả tâm tư, kỳ vọng... Tất cả nói lên chúng ta là công dân của kỷ nguyên số, của thời kỳ 3.0. Thời kỳ mà các dịch vụ internet đi vào chiều sâu với những công nghệ hiện đại hơn, việc trao đổi đa chiều trở thành một điều hiển nhiên. Khi dịch chuyển sang marketing 3.0, DN cần thay đổi cách tiếp cận, từ đáp ứng nhu cầu, làm hài lòng và duy trì sự trung thành của khách hàng mục tiêu sang việc nắm bắt nhu cầu, cảm xúc của người tiêu dùng.
Theo chuyên gia PR Nguyễn Đình Thành – đồng sáng lập Elite PR School, ở kỷ nguyên PR – Marketing 3.0 người tiêu dùng tin rằng đồng tiền bỏ ra không chỉ thoả mãn nhu cầu của mình mà còn góp phần cải tạo môi trường, gìn giữ thiên nhiên, phát triển và đảm bảo công bằng xã hội, phát triển bền vững. DN nào làm được điều ấy sẽ chiếm được không chỉ tâm trí mà còn cả trái tim của người tiêu dùng.
Khi dịch chuyển sang marketing 3.0, doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận, từ đáp ứng nhu cầu, làm hài lòng và duy trì sự trung thành của khách hàng mục tiêu sang việc nắm bắt nhu cầu, cảm xúc của người tiêu dùng.
Yếu tố hàng đầu là tương tác
Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu của PR – Marketing ngày nay là tính tương tác. Tương tác tại điểm tiếp xúc với khách hàng tiềm năng (online và offline), tương tác với khách hàng tại điểm bán, tương tác trên mạng với khách hàng. Trong đó, yếu tố bất ngờ luôn được ưu tiên và nếu có thể là cả tính cá nhân hoá.
Những ví dụ điển hình cho những PR thành công thời gian gần đây có thể kể như: Tháng 3/2015, tổ chức Womans Aid đã tung ra một biển quảng cáo về chủ đề bạo lực gia đình. Một tấm biển lớn với hình ảnh người đàn bà bị đánh thâm tím mặt mày được treo nơi công cộng và dòng chữ “We can stop it”. Càng nhiều người nhìn thì vết thâm càng mờ đi: một cách để truyền tải thông điệp, đừng nhắm mắt làm ngơ trước các vấn đề của xã hội.
Một ví dụ khác, để phản đối tình trạng bóc lột lao động ở các nước Nam Á. Hàng triệu người phải làm việc 16 tiếng 1 ngày và chỉ được trả 13 cents 1 tiếng. Một tổ chức xã hội đã làm những quầy bán hàng T shirt siêu rẻ với giá 2 EUR. Khi bấm vào nút mua hàng, họ được xem 1 video ngắn về tình trạng bóc lột này. Tất cả đều để lại 2 EUR mà không lấy hàng.
Việc định vị thương hiệu doanh nghiệp trên các mạng xã hội cũng vô cùng quan trọng. Theo lời khuyên của các chuyên gia, khách hàng sẽ chỉ quan tâm đến bạn khi bạn thực sự quan tâm đến khách hàng và bạn chỉ độc đáo với công chúng khi với bạn, họ cũng là những cá thể độc lập. Một ví dụ điển hình của việc này là Zappos. Họ có một dịch vụ khách hàng tuyệt vời trên mọi kênh điện tử bao gồm cả những trang mạng xã hội. Chỉ cần nhìn trang facebook của Zappos và bạn sẽ thấy họ trả lời cho hầu hết những bình luận dù là những nhận xét không tích cực hay những nhận xét hài lòng. Điều này thể hiện khách hàng được ưu tiên trước nhất sau đó mới tới lợi nhuận và họ không bán các sản phẩm trực tuyến cụ thể mà chính là mang lại niềm vui cho khách hàng. Kết quả là Zappos đã gặt hái rất nhiều thành công bùng nổ trong ngành công nghiệp.
Bá Tú
Theo Enternews