Vẫn còn tới 48% các nhà hoạch định marketing không sử dụng website thương mại điện tử. Một túi xách có giá lên tới 20.000 USD (khoảng 400 triệu đồng), rõ ràng không phải là một sản phẩm bất cứ người tiêu dùng nào cũng có thể tiếp cận.
Vì sự chọn lọc cao, nên khách hàng sử dụng các sản phẩm dịch vụ cao cấp thường được một đội ngũ chuyên gia về thời trang chăm sóc tận tình. Họ có các chương trình chăm sóc và khuyến mãi trực tiếp đến khách hàng. Nhiều thương hiệu lớn không màng đến việc có website, đừng nói tới việc thực hiện các chương trình tiếp thị trên mạng xã hội.
Ngày nay, khái niệm này đã thay đổi. Hàng xa xỉ bắt đầu tăng doanh số đáng kể tại các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Trung Quốc... Xuất thân đôi khi bình dân của người tiêu dùng ở các thị trường này đòi hỏi một cách tiếp cận mới. Vì vậy để sản phẩm, dịch vụ đến với họ nhanh, trực tiếp hơn và không bỏ sót khách hàng tiềm năng, đây là lúc quảng cáo số trở thành vũ khí quan trọng đối với các sản phẩm cao cấp.
Phillipe Baumlin, Giám đốc Điều hành mảng kỹ thuật số của Chanel, cho biết quảng cáo số nên trở thành ý chí xuyên suốt toàn công ty để nhận được hiệu quả thực sự.
Burberry là một trong những thương hiệu đi đầu trong mảng ứng dụng công nghệ số. Mặc dù nhận được nhiều ý kiến trái ngược, Tổng Giám đốc Angela Ahrendts không hề ái ngại với các dự án quảng cáo số của Burberry.
Ngoài một màn hình lớn tại đường Regent, khu West End London, con đường tập trung các thương hiệu thời trang nổi tiếng, trưng các hình ảnh bộ sưu tập mới nhất, Burberry còn cho phép khách hàng tương tác qua website bằng một thẻ nhận dạng.
Burberry còn chuẩn bị triển khai một ứng dụng cho phép ghi lại lượt duyệt web và mua hàng online của khách hàng tiềm năng, từ đó lôi kéo họ sử dụng sản phẩm của Hãng.
Mặc dù bị giới thời trang châm biếm về những dự án có nguy cơ bình dân hóa một nhãn hiệu rất thượng lưu, bà Ahrendts không hề nao núng. Theo bà, ngành công nghiệp thời trang luôn phải cập nhật để không bị đào thải. Thế hệ người tiêu dùng mới của ngày hôm nay, thay vì mua tạp chí thời trang và mang đến cửa hàng tìm mẫu, sẽ tải trên mạng các xu hướng mới và lưu trữ trong điện thoại hay máy tính bảng của mình. "Tôi đã thấy điều xảy đến với Kodak khi không theo kịp công nghệ số", bà cho biết. "Đó là một bài học cần tránh".
Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại nghĩ khác. Họ cho rằng việc chuyển sang công nghệ số sẽ đẩy công ty khỏi đỉnh giá trị kim tự tháp, nơi tượng trưng cho giá trị tinh thần, văn hóa, nét riêng biệt của một sản phẩm thời trang cao cấp. Trong phân khúc này, khách hàng trả rất nhiều tiền cho một sản phẩm, dịch vụ họ sùng bái, hơn là giá trị sử dụng thực sự của sản phẩm, dịch vụ đó. Phản đối nhận định này, bà Ahrendts cho rằng đây là ý kiến hời hợt. Một thế hệ khách hàng mới đang định vị lại thị trường thời trang bằng những cách tiếp cận mới.
Theo báo cáo của eMarketer về tình trạng sử dụng quảng cáo số cho các sản phẩm cao cấp, vẫn còn tới 48% các nhà hoạch định marketing không sử dụng website thương mại điện tử và 7% không có ý định đưa chương trình quảng cáo của mình vào bất cứ mạng xã hội nào, vì e ngại xu hướng số sẽ "lợi bất cập hại' đối với sản phẩm của mình.
Theo Nhịp cầu đầu tư