20120914173108 onlineM15.9Sử dụng công cụ thông tin điện tử đã bắt đầu quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. Trong bối cảnh đó, tiếp thị trực tuyến (online marketing) liệu có thể ví như "đôi đũa thần" trong bối cảnh của nền kinh tế "thắt lưng buộc bụng"?

Có thể chia các phương thức quảng cáo thành hai loại: một chiều và đa chiều. Báo chí, truyền thông... được xếp vào loại quảng cáo một chiều truyền thống. Phương thức quảng cáo đa chiều có sự hiện diện của hai "ông lớn" marketing qua website (website riêng của doanh nghiệp) và qua mạng xã hội.

Về mặt từ ngữ, dễ mơ hồ giữa hai khái niệm quảng cáo thuộc phạm trù trực tuyến trên. Hiểu một cách đơn giản, marketing website và mạng xã hội đều là tạo dựng một không gian tương tác giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu sở hữu một tài khoản Facebook, Twitter giống như thuê một văn phòng thì sở hữu một website đồng nghĩa với xây dựng hẳn một căn nhà trên mảnh đất điện tử cho công ty.

Ra đời trước "đứa em" mạng xã hội, nhưng "người anh" website đang bị ghẻ lạnh. Từ vụ lùm xùm các doanh nghiệp Việt ngậm ngùi mua lại các tên miền quốc tế với giá hàng tỷ đồng, đến lơ là cập nhật các sản phẩm mới mà vẫn trưng những mẫu mã từ thời mới đưa website vào hoạt động. Sự thờ ơ này được "biện hộ" do yêu cầu kĩ thuật khá cao để thiết kế và vận hành một trang website, so với sự thuận tiện và lợi nhuận mà mạng xã hội đem lại.

Dễ dàng kể ra ba lý do để các doanh nghiệp thường có xu hướng sở hữu một tài khoản mạng xã hội và cập nhật 24/24. Thứ nhất, phí để tạo một tài khoản là 0 đồng so với một mẩu tin truyền thông tốn kém. Doanh nghiệp chỉ cần cử nhân viên quản lý trang thương mại của mình. Thứ hai, khả năng lan tỏa trong cộng đồng cư dân mạng. Với tính tương tác, hình thức quảng cáo này dễ tạo sự chú ý của những người trẻ. Thứ ba, tính nóng hổi của các mẫu quảng cáo bởi quá trình nhập thông tin đơn giản và nhanh chóng.

Bằng chứng cho "sự thiên vị" này là 61% doanh nghiệp tìm đến loại hình marketing qua mạng xã hội này. Trong khi cũng trong năm 2011, theo báo cáo điện tử của Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, số doanh nghiệp có website hầu như vẫn "dậm chân tại chỗ".

Ngoài số doanh nghiệp sở hữu website không tăng, thậm chí số dự kiến xây dựng "ngôi nhà" online còn giảm 10% so với năm 2010. Nếu nói rằng do chính sách cắt giảm chi tiêu nên doanh nghiệp hạn chế các khoản phí đầu tư cho website, thì khi tính đến dài hạn, doanh nghiệp sẽ không ước tính được doanh số từ lượng khách hàng họ đã bỏ qua chỉ vì không tìm thấy thông tin cần thiết về sản phẩm trên website. Nguyên do chính vẫn là một bộ phận doanh nghiệp vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc sở hữu một website giới thiệu chính mình.

Đầu tiên, website không khác gì bộ phận lễ tân của doanh nghiệp. Nếu như trước đây, người tiêu dùng sẽ "tiền trạm" trực tiếp tại nơi cung cấp hàng hóa dịch vụ thì nay họ sẽ tìm kiếm những điều cần thiết, thậm chí thực hiện giao dịch như đặt hàng chỉ bằng một cú click chuột. Thông qua những thông tin quan trọng của website như: sản phẩm, giá thành, địa chỉ, cùng giao diện, cách bố trí thông tin... người tiêu dùng có xu hướng đánh giá mức độ chuyên nghiệp trước khi quyết định giao dịch. Hơn nữa hiện nay, số người thông thạo việc dùng website nhiều hơn số lượng người thạo dùng facebook, mạng xã hội vẫn còn khá mới đối với những khách hàng cổ điển.

Hơn nữa, trong quá trình thiết kế, vận hành và khai thác, doanh nghiệp có thể làm chủ mọi thông tin có lợi cho mình. Ngược lại, tính tương tác cao của mạng xã hội lại dễ dàng dẫn đến sự nhiễu thông tin trong dư luận một cách dễ dàng. Chỉ cần một phản hồi tiêu cực, uy tín của công ty lập tức bị ảnh hưởng.

Và điều cuối cùng khẳng định tầm quan trọng của website là tính thân thiện với khách hàng ưu thế hơn trang mạng xã hội. Trước mắt khách hàng khó tính, thì một website với sự phân chia thông tin hợp lý và một giao diện độc đáo ghi điểm hơn hẳn trang mạng xã hội quen thuộc với việc tìm kiếm thông tin không hề dễ dàng.

Các quy định về việc sử dụng website đã được đưa vào luật từ năm 2008 với Nghị định số 97. Với những lợi ích của ngôi nhà ảo này mang lại, Bộ Công Thương đã hướng đến hoạt động thương mại, giao dịch qua trang điện tử này từ năm 2010. Cùng với điều đó, Trung tâm thương mại và phát triển thuộc Bộ Công Thương đã cho ra đời dự án eKip hỗ trợ giúp doanh nghiệp sở hữu một "ngôi nhà ảo" khang trang với mức giá ưu đãi. Một thông tin sản phẩm trên trang mạng xã hội có thể hiện diện hoặc bị "che lấp" bởi hàng loạt những thông tin khác. Một trang website thân thiện và độc đáo luôn là sự lựa chọn ưu tiên khi người tiêu dùng quan tâm đến sản phẩm. Tuy nhiên, nếu xét về đối tượng khách hàng giữa mạng xã hội và website thì mỗi nhóm đều có những đặc thù và tiềm năng riêng.

Vì thế, vấn đề không phải là doanh nghiệp chọn website hay mạng xã hội mà phải sử dụng tốt được cả hai "con gà đẻ trứng vàng" này. Trước sự bấp bênh của nền kinh tế và thói quen mua sắm online đang dần hình thành, doanh nghiệp Việt không thể chậm chân trước những cơ hội phủ sóng trên mảnh đất trực tuyến tiềm năng.

Theo Cục Thống kê TP.HCM  nếu có 89 doanh nghiệp sử dụng website để marketing và giao dịch trong 100 doanh nghiệp biết đến tiện ích này, thì chỉ có 3 doanh nghiệp có ý định tiếp tục đầu tư trong quá trình vận hành một website.

Đáng chú ý là chia theo các lĩnh vực thì nhóm doanh nghiệp hoạt động thương mại, bán buôn chỉ có 28% có website, nhóm dịch vụ chỉ dừng lại ở 26% và nhóm xây dựng vận tại chiếm thấp nhất, 13%.

Trong các chức năng của website: giới thiệu doanh nghiệp và sản phẩm được làm khá tốt, nhưng đặt hàng và thanh toán trực tuyến chỉ mới được tích hợp lần lượt 32% và 7% trong tổng số website hoạt động. (Nguồn: Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2011 - Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin).

Vân Anh - Thiên Thuận

Theo Vietnamnet.

Pin It
Aristotle Onassis

"Bí quyết kinh doanh là... biết cái điều mà người khác không biết"

User Menu