Khoảng 3 năm trở lại đây, có nhiều nhận định từ các phương tiện truyền thông cũng như các chuyên gia dự đoán online marketing sẽ dần thay thế cho marketing truyền thống.

online-marketing

Trong kỷ nguyên internet cùng sự phát triển của nền tảng mobile như hiện nay, điều này có vẻ đúng.

Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ vào thị trường quảng cáo-marketing Việt nam thời gian qua, mọi chuyện có vẻ không đơn giản như vậy. Theo thống kê thì tổng giá trị thị trường quảng cáo-marketing năm 2013 là khoảng 70 triệu usd, nhưng các công ty và tập đoàn lại tập trung khoảng 80% chi phí vào các hoạt động quảng cáo-marketing truyền thống như TVC, billboard, báo chí, tài trợ... Online marketing chiếm chưa tới 20% thị phần còn lại.

Vậy đâu sẽ là lợi thế để online marketing thay thế cho các phương pháp marketing truyền thống trong tương lai?

Đầu tiên, trong bất kỳ hoạt động marketing nào, yếu tố quan trọng nhất là hiệu quả của hoạt động đó. Trong marketing truyền thống, các chiến dịch thường phải bao quát một thị trường lớn và khó có thể chủ động hướng tới đối tượng khách hàng mà sản phẩm nhắm đến. Trong 1.000 người nhìn thấy thông tin quảng cáo của doanh nghiệp, có rất ít người trong đó thực sự quan tâm tới sản phẩm đó, trong khi đó những người thực sự quan tâm lại chưa chắc có thể nhìn thấy thông tin đó.

Trong khi đó, với việc phân tích dữ liệu về hành vi, thói quen người dùng, online marketing có thể hướng đến chính xác đối tượng khách hàng đang có nhu cầu với sản phẩm, dịch vụ đó. Đồng thời có thể triển khai hoạt động marketing 24/24, không bị giới hạn bởi vị trí địa lý, do vậy có thể đem lại hiệu quả tối đa cho chiến dịch.

Hơn nữa, các phương pháp marketing truyền thống tiếp cận khách hàng theo chiều hướng áp đặt, cưỡng bức khách hàng phải tiếp nhận thông tin, thì online marketing có khả năng tương tác với khách hàng. Do đó khi có có phản hồi từ phía khách hàng, nội dung thông tin có thể dễ dàng thay thế để phù hợp và thoả mãn các đối tượng khách hàng. Điều này dường như là không thể đối với marketing truyền thống.

Điều tiếp theo mà các doanh nghiệp quan tâm là ngân sách dành cho hoạt động quảng cáo-marketing. Trong khi marketing truyền thống phải bao quát một thị trường lớn và dàn trải, điều đó đồng nghĩa với chi phí dành cho marketing sẽ tăng cao. Đồng thời để có thể triển khai được chiến dịch, trước đó các doanh nghiệp còn phải chi rất nhiều tiền cho hoạt động khảo sát thị trường và khách hàng.

Điều này online marketing sẽ giải quyết với chi phí rẻ hơn rất nhiều khi tập trung vào dữ liệu của lượng khách hàng tiềm năng, với hiệu quả cao hơn so với cách triển khai dàn trải. Đối với marketing truyền thống, doanh nghiệp phải trả chi phí cho thời gian thuê quảng cáo(Post Duration) mà không chắc lượng khách hàng có nhu cầu có thể tiếp cận được thông tin đó hay không. Trong khi đó online marketing cho phép doanh nghiệp chi trả dựa trên mỗi click (Pay per Click), do đó dễ dàng đo lường được hiệu quả và quản lý được chi phí cho mỗi chiến dịch.

Các tập đoàn thường than phiền về việc 50% chi phí cho hoạt động marketing là không hiệu quả, tuy nhiên họ không biết chính xác 50% chi phí đó tiêu hao vào những kênh nào. Nhưng điều này hoàn toàn có thể kiểm soát đối với online marketing.

Theo thống kê thì chi phí cho online marketing rẻ hơn 38% cho marketing truyền thống.

Điều tiếp theo khiến online marketing sẽ trở thành xu thế chung đó là sự bùng bổ của internet và các thiết bị di động. Ở Việt Nam hiện nay đang có khoảng 20% dân số đang sử dụng smartphone, khoảng 35 triệu người sử dụng internet và đang tiếp tục tăng lên. Điều này tạo một lợi thế rất lớn cho online marketing khi có thể thực hiện hoạt động marketing tới từng người dùng cụ thể trong tương lai.

Không những vậy, cuộc cách mạng big data đang đưa các doanh nghiệp đến gần hơn với nhu cầu của người dùng thông qua việc phân tích dữ liệu khách hàng, đồng thời giúp online marketing nhận biết nhu cầu của khách hàng và đề xuất sử dụng sản phẩm trực tiếp tới những khách hàng mục tiêu.

Khi mà ngày càng nhiều người chuyển kênh TV khi có quảng cáo và sự lên ngôi của mạng xã hội, thì online marketing và các phương pháp truyền thông xã hội sẽ trở thành xu thế tất yếu thay thế cho các phương pháp marketing truyền thống.

Theo Cường Nghiêm/ Techinasia

Norman MacEwan

"Có người không bao giờ thất bại, vì anh ta không bao giờ chịu thử làm điều gì."

User Menu