Trong khoảng 10 năm trở lại đây, khi các chiến dịch truyền thông, quảng cáo sáng tạo xuất hiện ngày một nhiều thì agency bắt đầu trở thành một môi trường làm việc hấp dẫn đối với nhiều bạn trẻ.

Khi mới bước chân vào môi trường này, Account (hay còn gọi là người làm dịch vụ khách hàng) là vị trí được nhiều bạn lựa chọn, bởi dưới con mắt của kẻ ngoại đạo, account "có thể đến từ bất cứ ngành nghề nào, còn kiến thức marketing và kỹ năng có thể vừa làm vừa học". Tuy nhiên nhận định này là khá chủ quan, Sơn – chàng trai account của một agency nhận xét.

Sơn sinh năm 1993, từng làm marketing cho một nhà hàng Nhật Bản ở Hà Nội, nhưng sau anh cảm thấy môi trường này dần trở nên nhàm chán, khi công việc mỗi ngày có phần lặp đi lặp lại. Anh quyết định dấn thân vào agency.

Người làm nghề Account vừa phải khéo, khôn, vừa phải ngoan

Một người trong ngành đã nói rằng: Người làm nghề Account vừa phải khéo, khôn, vừa phải ngoan. Công việc của Account như một mắt xích, vừa mang tính đối nội, vừa mang tính đối ngoại với các Client (khách hàng).

K1

Bức hình minh họa khá bao quát về các nhiệm vụ của một account trong agency.

Một ngày của Sơn thường bắt đầu bằng việc kiểm tra tình trạng của các dự án đang thực hiện, từ check với Content xem post facebook, bài PR, kịch bản,… đã sản xuất đến đâu; kiểm tra designer; liên hệ với các đầu mối khác như nhà sản xuất, nhà cung cấp (ví dụ như nhà cung cấp kênh truyền thông, nhà cung cấp quảng cáo,…) để nắm được lịch đăng nội dung của họ ra và sắp xếp lịch của dự án…

Sau khi có được những thông tin cần thiết, Sơn sẽ trao đổi với Client để họ cũng nắm được tình hình của dự án và cho anh góp ý về các sản phẩm, thông tin anh gửi đi để lựa chọn cái phù hợp nhất với mong muốn của họ.

"Tất nhiên không phải cứ thế đưa nguyên những gì mà team đã sản xuất cho khách hàng, mà phải xem xét thật kỹ nội dung, hình ảnh để chắc rằng những sản phẩm này thể hiện đúng được tinh thần và thông điệp mà Client mong muốn".

"Mình vẫn nhớ có lần từng cãi vã nảy lửa với một bạn làm nội dung vì bạn ấy nhất định không chịu sửa một số câu mà mình cho rằng không phù hợp với định vị thương hiệu của Client. Bạn ấy còn bảo: "Ai cũng có chuyên môn của mình, nếu Sơn không tin tưởng có thể làm việc cùng content khác". Lúc ấy mình thật sự bất lực và cảm thấy như chạm vào tự ái của bạn nên đành giữ nguyên nội dung bài website ấy và gửi cho khách".

Việc bê nguyên ấy khiến khách hàng phản hồi không tốt, khi ấy bạn Content kia mới chịu chấp nhận mình chưa đúng và sửa theo góp ý của Client.

Trước khi đảm nhiệm vị trí account, Sơn đã tìm hiểu về nghề và nhận thấy rằng Quản trị các mối quan hệ và Khéo léo trong giao tiếp là hai kỹ năng sống còn để thực hiện công việc. Tuy nhiên sau sự việc kể trên, anh hiểu thêm được rằng hai kỹ năng ấy không chỉ áp dụng đối với client, mà còn phải áp dụng cả với các thành viên trong team.

Quản trị các mối quan hệ và Khéo léo trong giao tiếp là hai kỹ năng sống còn để thực hiện công việc của người account.

Bên cạnh nhiệm vụ là một sứ giả truyền tin giữa Agency và Client, người làm Account còn thực hiện các vấn đề liên quan đến hợp đồng và thanh toán. Sơn nhận định rằng đây là một phần việc khá nhạy cảm bởi vừa phải làm sao để đảm bảo quyền lợi của công ty cũng như của team cũng như song song với việc làm sao để client cảm thấy hài lòng khi bỏ tiền đầu tư cho một chiến dịch truyền thông.

"Nhiều người không làm agency vẫn hỏi làm Account là làm kế toán à (Account trong tiếng Anh thường được dùng phố biến ám chỉ ngành kế toán)? Điều này có lẽ cũng chẳng sai", chàng trai tuổi Dậu vừa cười vừa nói.

Ngập chìm trong deadline

Thời gian đầu ở agency, Sơn bị cuốn theo sự gấp gáp trong công việc. Có lần, Sơn nhận được yêu cầu thực hiện bản đề xuất (proposal) vào cuối giờ chiều và phải gửi lại trong sáng hôm sau, anh đã phải thức đến 3h sáng để hoàn thành.

Khi ấy sếp cũng thức chờ nhận sản phẩm, tuy nhiên anh không đáp ứng được kỳ vọng của người lãnh đạo. Vậy là Sơn phải thức đến sáng để sửa lại sản phẩm theo góp ý của cấp trên.

"Đấy là một trong những lần mình cảm thấy theo công việc một cách vô cùng bất chấp và làm cho cuộc sống của mình rất mất cân bằng. Từ đấy mình nhận thấy cần phải có phương pháp gì đấy để mọi chuyện suôn sẻ hơn, không chỉ với cá nhân mà còn với cả đồng nghiệp. Bởi khi mình làm việc với tâm thế thoải mái nhất, mình mới cho ra được những kết quả tốt nhất", Sơn đúc rút.

Cân bằng giữa công việc và cuộc sống là vấn đề lớn nhất mà nhiều account mới vào nghề phải đối mặt.

Khi được hỏi về áp lực lớn nhất trong công việc từng phải đối mặt, Sơn cho rằng: "Không có áp lực lớn nhất, mỗi lần đều là một áp lực mới toanh với mình. Chỉ có mình phiên bản dày dạn kinh nghiệm hơn để đương đầu với nó, để khiến cho mọi chuyện dễ chịu hơn mà thôi".

K2

Không có áp lực lớn nhất, mỗi lần đều là một áp lực mới toanh.

Một trong những áp lực mà Sơn thường xuyên phải đối diện là deadline với khách, deadline với đồng nghiệp. Agency quả thật luôn có những deadline vô cùng gấp gáp, để đối phó với tình trạng này Sơn nghĩ ra mình cần có những deadline "giả" để thúc giục team nội bộ trả lại sản phẩm sớm hơn cho mình, từ đó anh có thể cố gắng thực hiện được công việc nhanh chóng hơn.

"Ví dụ như cần gửi bài cho khách vào 16h00, mình sẽ bảo với team bài cần gửi vào lúc 15h00. Với 1 tiếng chênh lệch, mình sẽ có thể xử lý các vấn đề có thể sẽ phát sinh và bù thời gian trễ deadline với khách hàng", Sơn kể.

Những kỹ năng bạn học được khi làm Account

- Kỹ năng quản trị các mối quan hệ

- Nghệ thuật giao tiếp

- Kỹ năng quản lý thời gian, quản lý các đầu việc

- Có kiến thức về nhiều lĩnh vực thông qua chia sẻ của client về ngành nghề

- Một điều tưởng như "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" là kỹ năng làm việc nhóm (Teamwork), song ở agency, đây là một câu chuyện khác.

"Các bạn mới ra trường nghĩ là mình có kỹ năng này, tuy nhiên nó sẽ rất khác khi làm việc ở agency – nơi mà khối lượng thông tin ra vào là khổng lồ và chóng mặt. Nếu bạn có kỹ năng làm việc tốt và có thể truyền đạt thông tin rõ ràng, từng bước từ đối tượng này sang đối tượng khác thì nó sẽ là lợi thế lớn của bạn khi làm account", Sơn nói.

Sơn bật mí thêm bí quyết để gắn bó được với nghề, các bạn trẻ cần kiên nhẫn và nhẫn nại, bởi áp lực từ cuộc sống agency sẽ dễ khiến bạn nản lòng. Tuy nhiên sau một thời gian làm việc để bạn phát triển đủ lâu trong agency, bạn sẽ thấy những điều bạn học được, những điều bạn tích lũy được sẽ là những thứ mà một công việc hay một môi trường khác khó có thể mang lại được cho bạn.

* Nguồn: Trí thức trẻ

Pin It
Walter Landor

"Sản phẩm được làm ra trong nhà máy, nhưng thương hiệu thì được tạo ra trong tâm trí"

User Menu