Terry Gou (phải) và Steve Jobs - hai gương mặt nổi bật nhất ngành công nghiệp điện tử
Bí mật cuộc đời và hoạt động kinh doanh của ông Terry Gou, tỉ phú ngành điện tử Đài Loan, và “tác phẩm” của ông Gou: tập đoàn Hồng Hải (Foxconn) – tập đoàn vừa khánh thành 2 nhà máy lắp ráp điện tử tại Bắc Ninh ngày 28-8 vừa qua, đã được Chính phủ chấp thuận cho đầu tư 5 tỉ đô la vào 7 tỉnh, thành phố và cam kết trở thành nhà đầu tư nước ngoài số 1 tại Việt Nam.
Liên tục phát triển
Ông Gou bắt đầu xây dựng Hồng Hải năm 1974. Phần lớn số vốn khởi nghiệp của ông, khoảng 7.500 đô la, là tiền ông vay mượn của cha mẹ - những người nông dân di cư sang đảo Đài Loan năm 1949 sau cuộc nội chiến ở Trung Quốc. Trong một cơ sở gần thủ đô Đài Bắc, ông bắt đầu sự nghiệp bằng việc sản xuất cái nút chuyển kênh bằng nhựa cho các máy truyền hình đen-trắng thời ấy. Vào đẩu thập niên 1980, ông nhảy vào lĩnh vực máy tính cá nhân (PC) khi công nghiệp máy tính bắt đầu cất cánh. Sản phẩm đầu tiên của ông là các đầu nối dây cáp bằng nhựa - một sản phẩm tương đối đơn giản nhưng có trong mọi máy vi tính, dùng để kết nối các bộ phận và linh kiện. Mặc dù ông chỉ nói được chút ít tiếng Anh và tiếng Nhật, ông đã không ngần ngại sang tận Mỹ, Nhật để tìm kiếm khách hàng. Trong suốt thập niên 1980 và 1990 ông dành khá nhiều thời gian lái xe khắp nước Mỹ, từ thành phố này sang thành phố khác, nhiều đến mức ông thuộc hết thực đơn trong các nhà hàng thức ăn nhanh.
Năm 1998, đơn đặt hàng nhiều lên và chi phí sản xuất ở Đài Loan cũng đã rất cao, ông Gou thiết lập nhà máy đầu tiên của mình tại Trung Quốc, nơi đất đai và lao động còn khá rẻ. Ông chọn Thâm Quyến, một thành phố mới kề cận Hồng Kông và là địa phương đi đầu trong công cuộc cải tổ theo xu hướng thị trường tự do của kinh tế Trung Quốc.
Ông sử dụng cơ sở sản xuất ở Thâm Quyến - dù nhỏ nhưng tăng trưởng rất nhanh - để thúc đẩy việc gia công hàng hóa cho các khách hàng tiềm năng. Để móc nối và quan hệ với các khách hàng “sộp” ông không ngại phải nhường nhịn. Năm 1995 Michael Dell - người sáng lập tập đoàn máy tính Dell Inc. đến thăm Trung Quốc. Ông Gou đồng ý đứng ra thu xếp các cuộc gặp gỡ giữa Michael Dell với các quan chức địa phương mà ông quen đổi lấy việc ông được lái xe đưa vị tỉ phú mới 30 tuổi này ra sân bay khi chuyến viếng thăm kết thúc. Theo lời kể của Max Fang, giám đốc bộ phận mua sắm của Dell tại châu Á khi ấy, ông Gou đã bất ngờ thay đổi lộ trình, đưa Michael Dell ghé thăm nhà máy của mình trước khi ra sân bay. Ngày ấy Dell là một trong 5 thương hiệu PC hàng đầu thế giới, còn Hồng Hải chưa bán trực tiếp cho Dell một bộ phận, linh kiện nào. Nhưng ông Gou biết “Michael Dell là ngôi sao của tương lai nên ông ấy muốn tiếp xúc”, Max Fang kể lại - bản thân ông Max Fang đã giao du với ông Gou từ năm 1979. Ngày nay, theo giới phân tích công nghiệp, Hồng Hải là một trong vài nhà cung cấp chủ yếu nhất của Dell và ông Gou vẫn treo trong phòng làm việc của mình ở Đài Bắc tấm ảnh kỷ niệm với người sáng lập tập đoàn Dell.
Cũng trong năm 1995 đó, ông Gou mua được lô đất lớn mà bây giờ là khu công nghiệp Long Hoa. Năm sau, khi Max Fang đến thăm cơ sở mới của ông Gou, nhà máy có chưa tới 1.000 công nhân, còn ban điều hành vẫn phải làm việc trong những chiếc container 20 feet dùng làm văn phòng. Nhưng chuyến viếng thăm gây cho ông Fang những ấn tượng mạnh mẽ.
Vào thời ấy công ty Dell và các nhà sản xuất PC khác đều có xu hướng mua linh kiện, bộ phận từ nhiều nhà sản xuất khác nhau rồi chuyển về nhà máy của công ty để thực hiện lắp ráp, kiểm tra, gắn nhãn, đóng gói. Ông Gou đã tạo ra một dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh cho phép Hồng Hải thực hiện phần lớn các công đoạn sản xuất, từ việc mua sắt thép nguyên liệu để làm thùng máy cho đến việc lắp ráp sản phẩm PC hoàn chỉnh. Trong một số trường hợp, Hồng Hải sản xuất ra phần lớn sản phẩm rồi chở tới cho khách hàng làm công đoạn cuối cùng nhưng trong nhiều trường hợp khác, Hồng Hải thay mặt khách hàng chở thẳng sản phẩm đã hoàn tất tới nhà bán lẻ hoặc người tiêu dùng.
Theo năm tháng, ông Gou đã mở rộng danh mục đầu tư để bao gồm một số sản phẩm nằm bên trong chiếc máy vi tính. Theo ông Adam Pick, nhà phân tích của công ty iSupply chuyên về cung cấp linh kiện điện tử tại California, việc tự sản xuất linh kiện giúp Hồng Hải cạnh tranh thành công với các đối thủ thông qua chiến lược giảm giá sản phẩm hoàn chỉnh mà không bị sút giảm lợi nhuận chung.
Năm 2000, lực lượng lao động của Hồng Hải đã lên tới gần 30.000 người và doanh số đạt 3 tỉ đô la. Ông Gou vẫn tiếp tục mở rộng chiến lược sản xuất từ bé đến lớn để cho ra thêm nhiều sản phẩm khác nữa. Năm ấy, Hồng Hải thiết lập một công ty con lấy tên là Foxconn International Holdings Ltd. - giờ đây đã là nhà gia công điện thoại di động lớn nhất thế giới. Năm 2003, ông Gou thành lập một công ty điện tử mà nay đã là nhà sản xuất hàng đầu mặt hàng màn hình tinh thể lỏng. Năm ngoái, Hồng Hải mua lại một nhà sản xuất máy ảnh kỹ thuật số có tên tuổi. Năm nay, Hồng Hải nộp hồ sơ xin đầu tư sân golf, khu công nghiệp, khu đô thị có tổng vốn khoảng 5 tỉ đô la tại 7 tỉnh thành của Việt Nam, trải dài từ Lạng Sơn ở miền Bắc đến Đà Nẵng, Bình Định ở miền Trung và TP Hồ Chí Minh ở miền Nam.
Giờ đây, đội công nhân dưới quyền ông Gou đã lên tới 450.000 người rải trong mười mấy tỉnh của Trung Quốc. Hàng chục ngàn người nữa đang làm việc trong các cơ sở do Hồng Hải điều hành hoặc trong các công ty con trải rộng khắp địa cầu, từ Hungary ở châu Âu sang Mexico và Brazil ở châu Mỹ. Tại Cộng hòa Czech - nơi vài năm trước ông Gou mua lại một tòa lâu đài cổ, công ty Hồng Hải là nhà xuất khẩu lớn nhất nước. Hồng Hải đang có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh sang Việt Nam, Ấn Độ và không chỉ sản xuất linh kiện điện tử mà tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nữa.
Lãnh đạo chứ không phải quản lý
Khi Hồng Hải đã trở thành một tập đoàn khổng lồ mà một cá nhân không thể trực tiếp quản lý nổi, ông Gou gầy dựng một nền văn hóa công ty lấy cá tính của ông làm trung tâm. Tại khu công nghiệp Long Hoa, hình ảnh ông được nhìn thấy khắp nơi qua những tấm ảnh lớn đóng khung trang trọng và tiểu sử của ông được in thành sách trưng bày trong tủ kính các nhà sách của khu công nghiệp.
Các nhà quản trị nói rằng ông lãnh đạo bằng cách nêu gương để bảo đảm sản phẩm được ra lò đúng thời hạn, theo đúng những đặc điểm, những thông số kỹ thuật mà khách hàng yêu cầu. Người ta nói ông làm việc mỗi ngày 16 tiếng đồng hồ. Trong nhiều năm qua người sáng lập tập đoàn Hồng Hải vẫn giữ thói quen đi khắp khu công nghiệp vào những giờ khuya khoắt trên chiếc xe điện dùng trong sân golf đã cải tạo lại; thỉnh thoảng ông lại dừng xe để kiểm tra tại chỗ một dây chuyền sản xuất hoặc giúp sửa chữa một thiết bị nào đó.
Các nhà quản trị công ty được yêu cầu phải đọc và nhớ thuộc lòng một tài liệu gọi là “Những câu nói của ông Gou”; ví dụ câu nói thứ 133 có nội dung như sau: “Trong bất kỳ tổ chức nào, điều quan trọng không phải là quản lý mà là lãnh đạo. Một người lãnh đạo phải có lòng dũng cảm và quyết đoán để trở thành một nhà độc tài vì một sự nghiệp chung tốt đẹp”. Trong các buổi họp, ông Gou thường không ngồi mà đứng và trình bày ý tưởng của mình bằng cách dùng bút lông viết lên một tấm bảng trắng khổng lồ, như một thầy giáo giảng bài. Ông khuyến khích cấp dưới thảo luận và tranh luận nhưng nếu có ai đó phát biểu điều gì mà ông cho là ngu xuẩn, ông sẽ bắt người đó phải đứng lên và tập trung chú ý vào cuộc họp. Một quản trị viên cao cấp của Hồng Hải kể: “Ông ấy sẽ bảo, ‘không phải tôi trừng phạt anh đâu, bởi vì tôi cũng đang đứng đây”.
Các nhà phân tích và các quản trị viên trong ngành công nghiệp điện tử nói rằng, thường thì khách hàng bắt đầu đưa một dây chuyền sản xuất đến nhà máy của Hồng Hải, sau đó đưa thêm nhiều dây chuyền nữa. “Cứ như bị nghiện ấy”, ông Fang nói. Bản thân ông Fang cũng đã rời khỏi công ty Dell năm 2002 và bây giờ đang điều hành một quỹ đầu tư mạo hiểm đã cùng với Hồng Hải bỏ vốn vào một công ty chuyên sản xuất đồ chơi rô-bốt có tên là Ugobe Inc.
Các đối thủ cạnh tranh của Hồng Hải đang nỗ lực đuổi theo ông Gou. Mới bốn năm trước, xét về doanh số, Hồng Hải không lớn bằng Flextronics International Ltd - một công ty Đài Loan khác dẫn đầu ngành sản xuất linh kiện điện tử trong nhiều năm. Giờ đây Hồng Hải lớn hơn rất nhiều so với Flextronics, kể cả sau khi Flextronics đã sáp nhập với Solectron Corp. ở California hôm tháng 6 vừa qua. Về doanh số, tổng doanh thu của cả hai công ty này hiện chưa bằng hai phần ba doanh thu của Hồng Hải.
Thách thức mới của Hồng Hải
Tập đoàn Hồng Hải cũng có những điểm yếu. Chẳng hạn Hồng Hải sản xuất linh kiện nhưng không phải là nhà sản xuất máy tính xách tay - việc sản xuất máy tính xách tay đòi hỏi phải có năng lực thiết kế sản phẩm là cái mà Hồng Hải đang thiếu. Hoạt động của công ty gặp rủi ro do dựa vào hợp đồng gia công - một cách kinh doanh bị cạnh tranh rất quyết liệt mà tỉ suất lợi nhuận lại không cao. Hồng Hải phụ thuộc rất nhiều vào một số khách hàng tương đối ít ỏi: Trong công nghiệp kỹ thuật cao, một dây chuyền sản xuất đơn nhất có thể tạo thành hoặc phá hủy vận may của một công ty, làm phát đạt hoặc phá sản một nhà cung cấp. Công ty còn bị áp lực từ các cổ đông phải duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đang cao ngất ngưỡng hiện nay.
Quy mô khổng lồ của Hồng Hải cũng tạo ra những khó khăn khác. Theo ông James Lee, khu công nghiệp Long Hoa được xây dựng quá nhanh và không được quy hoạch cẩn thận. Khi số lượng công nhân tăng nhanh đến chóng mặt thì chỉ riêng việc di chuyển của công nhân từ nơi này sang nơi khác đã là một thách thức. Có lần ông Lee đề nghị thiết lập một đường xe điện trên cao (monorail) nhưng ý tưởng ấy quá khó thực hiện. Theo ông, lẽ ra diện tích đất của khu công nghiệp Long Hoa chỉ nên bằng một phần tư hiện nay còn số công nhân thì chỉ nên bằng một phần ba. “To lớn như thế này chưa hẳn đã tốt,” ông Lee nói.
Theo các nhà quản lý công ty Hồng Hải và các chuyên gia phân tích bên ngoài, cho tới nay Hồng Hải có khả năng ứng biến linh hoạt trên thị trường là nhờ nó chia sẻ các hoạt động của mình cho hàng chục đơn vị nhỏ hơn và có tính chất tự trị. Nay thì ông Gou muốn nâng cấp các nhà máy ở Long Hoa và tham gia vào các lĩnh vực đòi hỏi trình độ cao hơn, chẳng hạn như nghiên cứu và phát triển. Điều đó có nghĩa là chuyển các công đoạn chế tạo, lắp ráp tới những địa phương khác trên đất nước Trung Quốc hoặc chuyển sang các quốc gia lân cận có giá đất đai và lao động rẻ hơn mà Việt Nam là một đích ngắm.
Khu công nghiệp Long Hoa lúc nào cũng bận rộn, nhưng những lúc đổi ca hoặc tan tầm, mọi hoạt động trong khu như bùng nổ. Vào giờ cơm trưa, hàng chục ngàn công nhân đổ ra từ hàng chục nhà máy. Họ đi thành đoàn, tấp nập ra vào các căng-tin rộng mênh mông, tràn cả vào các cửa hiệu. Những công nhân mới tuyển, mang theo tư trang hành lý, xếp hàng rồng rắn trên những con đường trong khu hành chính.
Tất cả công nhân đều phải mặc đồng phục theo đúng màu quy định của từng phân xưởng. Những người khác mặc áo thun quần jean; một số công nhân đi thành từng cặp, tay nắm tay. Công nhân trẻ nhất ở đây mới chừng 16 tuổi.
Zhou Ruquing, một cô gái hai mươi tuổi, mới làm việc ở Long Hoa hơn một năm ở vị trí kiểm tra chất lượng sản phẩm của một dây chuyền. Cô sống trong một căn hộ bên ngoài khu công nghiệp cùng với bạn trai, cũng là một công nhân của Hồng Hải. Cô Zhou đến Thâm Quyến năm 2005, ngay sau khi tốt nghiệp trung học ở tỉnh Tứ Xuyên nghèo khó. Là công nhân bậc trung, cô được lãnh mỗi tháng khoảng 230 đô la, kể cả tiền làm thêm giờ. (Công nhân mới tuyển nếu không làm thêm giờ thì chỉ được lãnh 90 đô la). Số tiền này chưa bao gồm tiền phụ cấp nhà ở 60 đô la mỗi tháng, các bữa ăn được phụ cấp và tiền bảo hiểm sức khỏe. Ở Thâm Quyến, thu nhập như vậy là sống được - tiền thuê căn hộ mà cô chia sẻ với bạn chỉ chưa đầy 60 đô la mỗi tháng. Hiện thời ngoài việc đi làm mỗi tuần sáu ngày, cô Zhou còn tranh thủ học thêm với hy vọng sẽ thay đổi vị trí công việc, có được công việc tốt hơn.
Công thành, thân thoái
Vai trò của ông Gou ở Hồng Hải cũng đang thay đổi. Ông nói, ngày nay ông vẫn làm việc chăm chỉ, nhưng tập trung vào những vấn đề chiến lược hơn là công việc sự vụ hàng ngày. Ông cũng đang dành nhiều thời gian hơn cho công tác từ thiện - ông cam kết đến cuối đời sẽ hiến tặng khoảng một phần ba tổng tài sản của mình - và xử lý những thay đổi trong cuộc sống riêng tư. Người vợ từng chia sẻ vui buồn cuộc đời ông đã từ trần năm 2005; và mới tháng trước, em trai ông - lãnh đạo một công ty con trong tập đoàn Hồng Hải, cũng đã qua đời sau thời gian dài bệnh tật.
Giờ đây ông Gou đang cố tìm người kế nghiệp ở Hồng Hải. Ông quan tâm tới các ứng viên đang ở độ tuổi “tam thập nhi lập” và yêu cầu các nhà quản lý bậc cao phải nỗ lực thể hiện năng lực của mình bằng việc điều hành thật tốt bộ phận công tác của họ. Ông không có người kế nghiệp theo huyết thống vì con trai và con gái ông đều không tham gia công việc của tập đoàn.
Ông cũng cho biết, ý tưởng “nhường ngôi” của ông hiện nay bắt nguồn từ truyền thống văn hóa phương Đông: “Công thành thân thoái thiên chi đạo” (sự nghiệp thành tựu thì bản thân hãy rút lui, đó là đạo của trời) và lấy cảm hứng từ cuộc đời của vua Càn Long, người cai trị Trung Quốc từ năm 1736 đến khi qua đời ở tuổi 84 vào năm 1796. Vua Càn Long đã có công mở rộng bờ cõi của nhà Thanh, biến Trung Quốc thành một trong các quốc gia thịnh vượng nhất thế giới thời ấy. Nhưng những chính sách của Càn Long vào cuối đời đều sai lầm và triều Thanh rơi vào thời kỳ suy thoái, trở thành triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Ông Gou nhận xét: “Vua Càn Long ngồi trên ngai vàng suốt 60 năm. Thế là quá lâu. Cho nên ngay từ khi còn trẻ tôi đã có ý muốn lùi lại và trao cho những người trẻ nhiều trách nhiệm hơn”.