Tuổi trẻ online (TTO)-Trong một thị trường không cạnh tranh, một công ty có thể dùng đến phương pháp định giá cộng thêm vào chi phí (cost-plus pricing) - tức là cộng thêm một số tiền hay một tỷ lệ phần trăm vào chi phí sản xuất và phân phối sản phẩm.

Khi cộng thêm vào chi phí, công ty sẽ đảm bảo được một mức lợi nhuận nào đó. Theo phương pháp này, giá thành sản phẩm sẽ được xác định theo công thức sau:

Giá = (Biến phí trên đơn vị sản phẩm + Phần chi phí cố định phân bổ cho đơn vị sản phẩm) x (1 + Tỷ lệ phần trăm)


Hãy xem ví dụ sau:

Gizmo Guidance Systems đã đạt được một hợp đồng cung cấp các thiết bị lái máy bay tiên tiến cho Không lực Hoàng gia. Theo các điều khoản của hợp đồng, giá của mỗi bộ lái được xác định như sau:

Biến phí để sản xuất ra mỗi bộ lái (gồm nhân công, linh kiện, điện…) được tính toán. Các kế toán chi phí của Gizmo phân bổ một phần nào đó trong tổng chi phí cố định (gồm lương, bảo hiểm, R&D, nhiệt xây dựng, nợ, bảo dưỡng…) cho từng bộ lái được sản xuất theo hợp đồng. Những phí này đại diện cho toàn bộ chi phí sản xuất ra mỗi bộ sản phẩm. Hợp đồng này đảm bảo 15% lợi nhuận sau khi trừ tất cả những chi phí đó. Để hình dung cụ thể hơn, chúng ta hãy dùng những con số sau:


Biến phí trên đơn vị sản phẩm = 10.000 USD

Phần chi phí cố định phân bố cho đơn vị sản phẩm = 8.000 USD

Lợi nhuận = 15%

Đơn giá = (10.000 USD + 8.000 USD) x (1 + 0,15) = 20.700 USD

Trong những ứng dụng phức tạp, các công ty định giá dựa trên hoạt động (activity-based pricing). Cách định giá này theo dõi cẩn thận toàn bộ chi phí và các khoản phân bổ chi phí quản lý.

 

Rất ít công ty áp dụng hình thức định giá cộng thêm vào chi phí. Trong thị trường tự do, phần lớn giá bán được xác định thông qua sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp. Trong những thị trường này, hình thức định giá cộng thêm vào chi phí đã không còn thích hơp nữa. Trước đây, các nhà sản xuất có thể thúc đẩy sản phẩm ra thị trường với tốc độ nhanh chóng và tạo sự độc quyền khi đổi mới sản phẩm. Nhưng ngày nay, sự độc quyền này chỉ là ngắn hạn và không ổn định.

 

Định giá theo lợi nhuận mục tiêu (target return pricing) là một phương pháp định giá sản phẩm trên quan điểm dự án đầu tư. Các chi phí đầu tư, chu kỳ sống của sản phẩm được dự báo. Phương pháp này còn đánh giá mức doanh số, lợi nhuận ở các mức giá khác nhau và trên cơ sở đó sẽ quyết định mức giá tối ưu nhằm tạo ra lợi nhuận kỳ vọng cho công ty.


Định giá thâm nhập

TTO - Định giá thâm nhập (penetration pricing) là chiến lược đặt giá ban đầu của một sản phẩm hay dịch vụ thấp hơn giá phổ biến trên thị trường. Các công ty sử dụng chiến lược này với kỳ vọng sản phẩm của mình sẽ được thị trường chấp nhận rộng rãi hơn.

Đó là thị trường của những khách hàng chưa từng mua sản phẩm hoặc những khách hàng trung thành với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.

 

Định giá thâm nhập làm tối đa hóa doanh số bán trên đơn vị sản phẩm và tạo ra doanh thu theo thị phần nhưng lại làm ảnh hưởng đến tỷ lệ lợi nhuận. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, lợi nhuận thấp có thể ngăn cản các đối thủ cạnh tranh tham gia vào thị trường. Hãy xem ví dụ sau:

 

McSwiggin Electronics là công ty đầu tiên phát triển một loại phần mềm kỹ thuật mới. Trước khi tung ra sản phẩm mới này, các nhà quản lý công ty họp lại để bàn việc định giá. Một nhà quản lý ủng hộ phương pháp định giá hớt váng. Ông nói: "Trên thị trường vẫn chưa có sản phẩm này như thế này. Chúng ta hãy tối đa hóa lợi nhuận bằng cách định giá cao rồi sẽ giảm giá khi có sản phẩm cạnh tranh".

 

Một nhà quản lý khác lại ủng hộ chiến lược định giá thâm nhập. Cô lập luận: "Dĩ nhiên là mức giá ban đầu cao sẽ giúp chúng ta tối đa hóa lợi nhuận, những điều đó chỉ càng khuyến khích cạnh tranh hơn mà thôi. Khi đối thủ cạnh tranh thấy được mức giá mà chúng ta đang có, họ sẽ phát triển các sản phẩm tương đương. Sẽ có năm hoặc sáu đối thủ cạnh tranh trên thị trường này thì chúng ta khó mà thu được lợi nhuân. Nếu chúng ta duy trì giá thấp và biên lợi nhuận thấp, đối thủ cạnh tranh sẽ nhìn nhận thị trường này không hấp dẫn và sẽ không ngó ngàng gì tới".

Tuy nhiên, định giá thâm nhập vẫn có điểm bất lợi. Sau khi mức giá đã được định hình, việc tăng giá sẽ khó khăn hoặc thậm chí là không thể thực hiện được. Ngoài ra, nếu không phải là một nhà sản xuất hiệu quả - tức là nếu không thể tiếp tục hạ thấp chi phí sản xuất - công ty có thể vĩnh viễn bị mắc kẹt trong một công việc kinh doanh lợi nhuận thấp. Kinh nghiệm của các công ty thẻ tín dụng và điện thoại di động cho thấy một vấn đề khác: việc định giá thâm nhập thu hút nhiều người chuyên săn lùng hàng hạ giá,và về lâu dài, nhiều người trong số họ sẽ không thu được lợi nhuận và sẽ nhanh chóng nhanh chóng rút lui nếu công ty tăng giá.

 

Nếu bạn định theo đuổi một chiến lược định giá thâm nhập, hãy đồng thời triển khai một kế hoạch cắt giảm chi phí sản xuất và phân phối. Đó là cách bảo đảm tốt nhất để đạt được tỷ lệ lợi nhuận đáng kể trên doanh thu như được trình bày trong hình 9-2.


Khai thác hiệu ứng đường cong kinh nghiệm

Một chiến lược định giá khác là giảm dần giá bán khi có thể hạ thấp chi phí sản xuất.

Chiến lược này dựa trên thực tế rằng một người sẽ làm một công việc nhanh hơn và ít sai sót hơn khi thường xuyên làm công việc ấy. Chẳng hạn, với cùng một ca phẫu thuật tim, trước đây nhóm bác sĩ phẫu thuật phải mất đến tám giờ mới hoàn tất. Sau một thời gian, khi có nhiều kinh nghiệm, ca phẫu thuật tương tự có thể được thực hiện thành công chỉ trong năm giờ. Chẳng bao lâu nữa, nhóm phẫu thuật sẽ hoàn tất công việc ấy trong ba hoặc bốn giờ. Điều này cũng có thể thấy rõ trong môi trường sản xuất: các nhà quản lý và nhân viên sẽ cải thiện được quy trình nếu tập trung học hỏi kinh nghiệm.

 

Khái niệm đường cong kinh nghiệm cho rằng chi phí thực hiện một nhiệm vụ lặp lại sẽ giảm theo một tỷ lệ phần trăm nào đó mỗi lần lượng sản xuất cộng dồn tăng lên gấp đôi.

Các công ty A và B bắt đầu cùng mức chi phí và học hỏi ở cùng mức độ. Ban đầu họ cạnh tranh theo giá. Nhưng A vào cuộc chơi trước và do đó tiến sâu trên đường cong chi phí trong khi B vẫn duy trì lợi thế chi phí của mình ở mọi điểm trong mọi thời điểm. Chẳng hạn, ở thời điểm T, lợi thế là C. Công ty B phải học cách cắt giảm chi phí ở tốc độ nhanh hơn nhiều, chấp nhận bất lợi về chi phí lâu dài (và tỷ lệ lợi nhuận nhỏ hơn), hoặc ra khỏi thị trường.

 

Chiến lược khai thác hiệu ứng đường cong kinh nghiệm để định giá này phù hợp với những công ty mới xuất hiện lần đầu trên thị trường và đã trở nên thành thạo trong lĩnh vực sản xuất. Công cụ định giá này giúp mở rộng nhu cầu về sản phẩm, vì nhu cầu thường tăng lên khi giá giảm. Đây cũng là rào cản đầy quyền lực đối với sự tham gia của đối thủ cạnh tranh cũng như là phương pháp siết chặt tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu của các đối thủ bước vào thị trường chậm trễ.



Định giá khuếch trương thanh thế

TTO - Định giá khuếch trương thanh thế (prestige pricing) nhằm mục đích xây dựng nhận thức về chất lượng sản phẩm hay sự độc nhất trong tâm trí khách hàng bằng cách đặt giá cao. Nhiều người đánh giá chất lượng của một sản phẩm hay dịch vụ theo mức giá.

Đối với họ, mức giá phải chăng có nghĩa là sản phẩm đó có chất lượng chấp nhận được, còn giá cao nghĩa là sản phẩm hay dịch vụ thật xuất sắc và độc đáo. Việc giới thiệu và quảng cáo tăng cường thêm nhận thức này, mà trong nhiều trường hợp nó chẳng dựa trên cơ sở nào cả. Mỹ phẩm là một ví dụ điển hình. Các công ty mỹ phẩm đã tôn việc định giá khuếch trương thanh thế lên thành một mức độ nghệ thuật.

Hãy xem trường hợp một hãng mỹ phẩm Châu Á. Năm 2003, hãng mỹ phẩm này bắt đầu quảng cáo các loại sản phẩm dưỡng da có thành phần chính là dầu ô liu với rất nhiều ấn phẩm giới thiệu của công ty ca ngợi lợi ích của dầu ô liu cho làn da và đăng các bức ảnh những cô người mẫu xinh đẹp cùng những khu rừng ô liu. Sản phẩm được bán lẻ ở Mỹ với giá 32 USD một chai nhỏ có dung tích 1 ounce . Trong chai đó chỉ là dầu ô liu thượng hạng từ Tây Ban Nha.

Hầu như chẳng có người mua nào nhận ra rằng họ có thể mua cùng một thứ dầu ô liu đó từ các cửa hàng thực phẩm địa phương ở Tây Ban Nha với giá chỉ có 24 USD một chai lớn dung tích 17 ounce hay khoảng 1,41 USD cho mỗi ounce. Trong trường hợp này, việc quảng cáo đã đưa một loại hàng hóa thông thường trở thành hàng hóa đặc biệt và thượng hạng.

Một điều bạn cần lưu ý là sức mạnh của việc định giá khuếch trương thanh thế là nhà sản xuất sẽ bán ít hơn nhiều nếu họ hạ giá sản phẩm. Điều này đã đi ngược lại luật nhu cầu trong kinh tế học vốn cho rằng nhu cầu sẽ tăng khi giá giảm.


Định giá nhử mồi

Chiến lược định giá nhử mồi (bait and hook pricing) là đặt giá mua ban đầu thấp nhưng lại tính giá cao cho các phụ tùng thay thế hay các nguyên vật liệu cần sử dụng trong suốt quá trình sử dụng sản phẩm. Dao cạo râu Gillette là một ví dụ điển hình.

 

Việc kinh doanh của Gillette đã phát triển rất tốt trong hơn một thế kỷ, một trong những yếu tố góp phần cho sự thành công đó là việc bán các lưỡi dao thay thế cho đồ cạo râu. Giá dao cạo râu Gillette thấp và chúng chỉ đi kèm với một lượng nhỏ lưỡi dao thay thế. Sau khi sử dụng hết những lưỡi dao này, khách hàng phải mua những lưỡi dao mới và giá của chúng không rẻ chút nào. Ví dụ, vào mùa xuân năm 2005, một dao cạo râu Mach3 của Gillette chỉ có giá 7,69 USD, nhưng một hộp gồm 12 lưỡi dao mà hầu hết chỉ dùng được trong hai hoặc ba tháng lại có giá tới 21,99 USD.

Các nhà sản xuất máy in cũng dùng chiến lược định giá tương tự: bán máy in giá rẻ nhưng hộp mực in lại đắt. Bạn có thể mua một cái máy in Hewlett-Packard hiệu quả và có chất lượng tin cậy với giá chưa đến 150 USD. Canon và Epson cũng đưa ra mức giá tương tự. Tuy nhiên, hộp mực thay thế cho những chiếc máy này có khi tới 52 USD mỗi hộp. Với những công ty này, lợi nhuận không phải là ở những chiếc máy in mà là ở mực in. Thậm chí đối với một văn phòng nhỏ, số tiền chi ra để mua mực in trong một năm vẫn nhiều hơn số tiền mua máy in.

Sự nguy hiểm của chiến lược định giá này là các nhà sản xuất vật liệu thay thế chung sẽ định giá thấp sản phẩm của mình nên nhanh chóng giành được phần lớn thị trường hậu mãi đáng giá này. Điều này buộc những nhà sản xuất chính thống phải hạ giá của chính mình và dĩ nhiên việc hạ giá sẽ làm suy yếu đáng kể lợi nhuận. Điều này có thể dễ dàng nhìn thấy ở lĩnh vực máy in. Staples, chuỗi cửa hàng cung cấp lớn nhất nước Mỹ giờ đây đã có thể cung cấp các hộp mực in có tính năng tương thích với máy in HP và với giá thấp hơn HP đến 25%. Ngoài ra,  một số công ty nhỏ còn cung cấp hộp mực nạp lại với giá chỉ 15 USD. Sự phòng thủ duy nhất của các nhà sản xuất máy in trước sự tình hình này là (1) cảnh báo với khách hàng rằng việc dùng hộp mực không phải là hàng chính hãng có thể khiến họ mất giá trị bảo hành máy in và (2) giảm giá hộp mực của chính họ.


Trong nhiều trường hợp, nếu không thể nâng được cầu lên thì bạn cần phải hạ mực nước xuống.

 

Khuyến mãi giá

Các chuyên gia marketing dùng hình thức khuyến mãi giá (price promotion) - một hình thức giảm giá đặc biệt, tạm thời và chỉ trong ngắn hạn khi:

  • Giới thiệu một sản phẩm hay dịch vụ mới
  • Thu hút khách hàng trung thành của một nhãn hiệu khác
  • Giải tỏa kênh phân phối hàng tồn dư thừa

Khuyến mãi giá thường được thể hiện dưới hình thức các phiếu giảm giá mà khách hàng có thể dùng để được giảm giá trực tiếp tại quầy thanh toán. Ví dụ, khi các công ty thực phẩm đóng gói giới thiệu các mặt hàng mới, họ khuyến khích mọi người dùng thử bằng cách phát các phiếu giảm giá, chẳng hạn có giá trị 50 cent, trên giá bán lẻ. Với quá nhiều nhãn hiệu cạnh tranh thì hình thức khuyến mãi này là phù hợp nếu sản phẩm muốn được công chúng quan tâm. Ngoài phiếu giảm giá, còn một giải pháp khác là khách hàng có thể nhận một mức giá hạ. Ví dụ, khi Intuit đưa phần mềm thông dụng TurboTax vào thị trường Mỹ đã đưa ra mức hạ giá 14 USD cho người mua phiên bản nâng cao.

 

Các công ty cũng có thể sử dụng hình thức khuyến mãi giá để phòng thủ: ngăn chặn sự rời bỏ của khách hàng. Chuỗi siêu thị của Shaw đã dùng hình thức khuyến mãi giá để duy trì sự trung thành của khách hàng khi một đối thủ cạnh tranh mở cửa hàng gần đó. Ví dụ, khi Market Basket - một chuỗi cửa hàng nhỏ ở Đông Massachusetts, mở một cửa hàng tạp hóa mới cách cửa hàng của Shaw khoảng ¼ dặm ở Salem, Shaw đã phân phát khắp vùng các phiếu giảm giá 6 USD cho giá mua 60 USD trở lên trong các cửa hàng tạp phẩm. Các hộ gia đình địa phương nhận ba đến bốn phiếu ưu đãi, mỗi phiếu có hiệu lực trong suốt một tuần trong ba tuần kế tiếp. Chẳng có gì ngạc nhiên khi thời điểm ba tuần này trùng với thời điểm cửa hàng Market Basket khai trương. Mục tiêu rõ ràng là ngăn cản khách hàng của Shaw đến thăm cửa hàng đối thủ trong suốt thời gian khai trương. Vì thế, trong khi Market Basket đang xúc tiến khai trương cửa hàng mới, Shaw phải chạy chương trình khuyến mãi lớn chống lại sự tăng cường của đối thủ cạnh tranh.

 

Khuyến mãi giá cũng được dùng để bán sản phẩm cũ hoặc cuối mùa và mở đường cho các sản phẩm mới. Người sử dụng máy tính Apple Macintosh chắc hẳn quen thuộc với trò khuyến mãi giá định kỳ "Mac Blow Out" khi nhà cung cấp muốn giải phóng kho máy tồn quá nhiều và máy đã bị thay thế bởi các mẫu máy mới và cải tiến. Các cửa hàng thời trang cũng thường khuyến mãi giá để bán đi những quần áo tồn kho và đã lỗi mốt.

Mối nguy hiểm của việc khuyến mãi giá là việc dùng chúng quá nhiều có thể dẫn đến những hậu quả không mong đợi: khách hàng sẽ giảm giá trị mức giá thường lệ và hoãn việc mua hàng cho đến khi có khuyến mãi giá tiếp theo. Những người khác biết cách chuyển đổi giữa các nhãn hiệu và chẳng bao giờ trở thành khách hàng trung thành. Nhìn chung, người thắng cuộc trong trò khuyến mãi giá là khách hàng. Vì thế những hãng có thương hiệu yếu thì chẳng có gì để mất mà còn đạt được mọi thứ, còn những hãng có các nhãn hiệu uy tín lại hiếm khi là người chiến thắng trong trò khuyến mãi giá.

Nguồn:TuoitreOnline(Quản lý dự án lớn và nhỏ-First News và NXB Tổng hợp TPHCM)

Pin It
Arthur Schopenhauer - Triết gia Đức

"Người ta nhìn thấy một thế giới hạn hẹp bởi chính cái tầm nhìn hạn hẹp của mình."

User Menu