Khuyến mãi là hình thức kích cầu khá phổ biến của các doanh nghiệp thương mại điện tử hiện nay nhằm khuyến khích người tiêu dùng mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp và các nhà bán lẻ liên tục tung ra các chiêu “khuyến mãi ảo” để thu hút khách hàng. Đây sẽ là một con dao hai lưỡi khiến cho doanh nghiệp bị giảm sút uy tín trong lòng người tiêu dùng.

FakePromotion

Qua sự ghi nhận của Thời báo Vi tính Sài Gòn, một số mặt hàng sau khi khuyến mãi tại các cửa hàng trực tuyến vẫn có giá ngang bằng, thậm chí còn cao hơn so với giá tại các cửa hàng bán trực tiếp. Nhiều cửa hàng trên mạng có quà tặng kèm món hàng, nhưng trên thực tế giá bán cao hơn giá của món hàng mua trực tiếp, và phần giá chênh lệch chính là giá tính cho quà tặng kèm. Chiêu “tặng quà” này của các cửa hàng trực tuyến thuộc hình thức bán hàng theo gói (package), với tổng chi phí dù được giảm cũng đủ để bao gồm giá món hàng tặng kèm, thậm chí vẫn còn thừa.

Đua nhau khuyến mãi

Một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực thương mại điện tử cho biết có một chuyện đã trở nên phổ biến trong thời gian gần đây là việc các trang web bán hàng trực tuyến kê giá bán thật cao (cao hơn mức giá trung bình trên thị trường), sau đó tung ra chương trình khuyến mãi (giảm giá) lớn để lôi kéo, chiêu dụ khách hàng. Có những trang web công bố mức giảm giá lên tới 50%, mức thấp nhất thường là 10%.

Cũng có trường hợp, doanh nghiệp công bố tỷ lệ giảm giá sản phẩm lớn để thu hút người tiêu dùng truy cập trang web bán hàng của mình, nhưng khi khách đặt hàng lại nhận được thông báo đã hết hàng. Có trường hợp doanh nghiệp áp dụng chính sách giảm giá cho một số lượng ít ỏi hàng hóa, và sau vài tiếng đồng hồ thông báo đã bán hết hàng. Trường hợp này thường rơi vào các sự kiện lớn dành cho khách hàng mua sắm trực tuyến, ví dụ như các đợt mua sắm đầu mùa, các ngày lễ, tết...

Một số hệ thống bán lẻ hàng điện máy đã thể hiện sự khéo léo trong việc đưa ra mức giảm giá 40-50% bằng cách niêm yết mức giá cũ (thời điểm mới cho ra mắt mặt hàng) đối với các món hàng đã xuất xưởng được vài tháng. Trên thực tế, các mặt hàng điện tử và điện gia dụng khi đã xuất hiện trên thị trường một thời gian (sau ba tháng) thì giá bán sẽ giảm dần vì nhà sản xuất lại cho ra mắt sản phẩm mới.

Theo những người đại diện các sàn thương mại điện tử lớn trong nước, việc áp dụng các chương trình khuyến mãi không đúng thực chất (thường được gọi là khuyến mãi ảo) sẽ dẫn tới việc nhà bán lẻ trực tuyến đánh mất lòng tin của khách hàng. Lợi nhuận cũng như số lượng đơn hàng “ăn theo” chương trình khuyến mãi ảo sẽ không thể bù đắp được cho những sự thiệt hại về sau.

Ông Trần Hải Linh, Giám đốc sàn Sendo.vn, cho rằng các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến sẽ gặp rủi ro nếu cứ mãi chạy theo việc nâng giá sản phẩm lên thật cao để áp dụng tỷ lệ giảm giá cao sau đó. “Đây không phải là phương pháp đúng đắn để thu hút khách hàng vì sẽ không có lợi mà còn làm mất uy tín của doanh nghiệp”, ông Linh nói. Theo ông, người tiêu dùng có thể phát hiện ngay doanh nghiệp đang khuyến mãi ảo bằng cách tham khảo và so sánh giá bán hàng trên mạng với giá tại cửa hàng, hoặc truy cập các trang web về phân tích giá để biết được đâu là giá đúng của món hàng. Chỉ cần vài động tác kiểm tra là người tiêu dùng có thể phát hiện ra doanh nghiệp có đưa ra chương trình khuyến mãi mang tính thực chất hay không.

Siết chặt các quy định về khuyến mãi

Các cơ quan quản lý nhà nước như sở công thương các tỉnh thành, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thuộc Bộ Công Thương… đã tăng cường các quy định về khuyến mãi, niêm yết giá bán trong những sự kiện khuyến mãi lớn trong năm. Cụ thể, sự kiện Ngày mua sắm trực tuyến 2016 (Online Friday 2016) đã có sự thay đổi đáng kể trong công tác tổ chức nhằm giảm thiểu sự thiệt hại của người tiêu dùng khi tham gia chương trình.

Ông Lê Đức Anh, thành viên Ban tổ chức Online Friday 2016, cho biết ban tổ chức đã siết chặt các quy định về việc niêm yết giá bán, bảo đảm rằng các nhà kinh doanh, nhà cung ứng thực hiện đúng lời cam kết về chất lượng sản phẩm và chương trình khuyến mãi. Các doanh nghiệp nếu không làm đúng cam kết, nếu bị phát hiện có sự vi phạm về giá bán, mức khuyến mãi sẽ bị cảnh cáo và các sản phẩm của họ có thể bị loại khỏi danh sách trên trang OnlineFriday.vn.

Điều này có được là nhờ cơ chế tiếp nhận ý kiến phản ánh về các chương trình khuyến mãi ảo, sản phẩm không đúng chất lượng như thông tin trên trang  OnlineFriday.vn. Người tiêu dùng có thể thông báo đến ban tổ chức bằng nhiều hình thức khác nhau như nhấp (click) vào nút cảnh báo chất lượng xấu, gửi thư điện tử (e-mail) hoặc gọi điện thoại … Tùy từng trường hợp cụ thể, ban tổ chức sẽ đưa ra lời cảnh cáo doanh nghiệp, buộc gỡ bỏ thông tin sản phẩm hoặc hạ bậc uy tín theo thang điểm quy định… Bên cạnh đó, nhà tổ chức cũng cung cấp công cụ so sánh giá trực tuyến nhằm giúp người truy cập vào trang biết rõ giá bán mặt hàng trước khi quyết định mua.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần từ bỏ việc tung ra các chương trình khuyến mãi lớn nhưng không đúng thực chất. Thói quen kinh doanh này cần phải thay đổi mới xây dựng được niềm tin của người tiêu dùng đối với việc mua sắm trực tuyến. Cần xây dựng từng bước văn hóa kinh doanh, trong đó nhà bán lẻ đưa ra các chương trình giảm giá đích thực, thực hiện đúng lời cam kết với người mua.

Trước đây, một số cơ quan quản lý chuyên ngành cũng đã áp dụng biện pháp kiểm soát chương trình khuyến mãi công bố bằng cách yêu cầu doanh nghiệp cam kết thực hiện đúng mức khuyến mãi đã công bố. Điển hình như Sở Công Thương Hà Nội đã đưa ra quy chế điểm vàng đối với những doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các chương trình khuyến mãi, có niêm yết giá bán, công bố minh bạch xuất xứ hàng hóa; Sở Công Thương TPHCM khuyến khích doanh nghiệp đăng ký chương trình khuyến mãi trực tuyến trên  trang web, xây dựng kho dữ liệu về hoạt động khuyến mãi nhằm hỗ trợ công tác quản lý và tạo ra sự tiện ích cho doanh nghiệp.
Các chuyên gia công nghệ đề xuất về lâu dài, các cơ quan quản lý chuyên ngành nên nghiên cứu phương án hợp tác với các nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin để tích hợp công cụ so sánh giá bán hàng hóa trên thị trường (ví dụ như Websosanh.vn, Sosanhgia.com).

Thực tế cho thấy, kinh nghiệm và sự hiểu biết của người tiêu dùng vẫn là yếu tố quan trọng hơn cả. Bên cạnh việc các cơ quan quản lý nhà nước siết chặt các hoạt động khuyến mãi, người mua sắm trực tuyến cần phải tỉnh táo trước mọi lời chào mời của nhà bán hàng về các chương trình khuyến mãi, tham gia với sự sàng lọc và phân tích kỹ lưỡng. Nếu cảm thấy việc giảm giá đó có hiện tượng bất thường hãy nhờ đến sự hỗ trợ của các công cụ, giải pháp công nghệ và tham khảo ý kiến của nhiều người về việc mua sắm. Điều này sẽ góp phần làm giảm thiểu nguy cơ bị rơi vào bẫy khuyến mãi ảo do các nhà bán lẻ trực tuyến giăng ra.

Chí Thịnh
(Theo The Saigon Times)

Pin It
Carrie

"Đàn ông có thể đã tìm ra lửa, nhưng chính đàn bà mới tìm ra cách chơi với lửa."

User Menu