Doanh nghiệp đang phải thay đổi trước sự bùng nổ của thương mại điện tử (e-Commerce).

Cơ hội trong biến động

Từ việc mua bán trên mạng còn xa lạ, chỉ qua một vài năm trở lại đây người tiêu dùng Việt Nam đã coi việc shopping online trở thành thói quen mua sắm hợp thời. Theo Sách trắng Thương mại điện tử năm 2021 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) công bố, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử bán lẻ năm 2020 của nước ta ổn định ở mức 18%, với doanh thu bán lẻ đạt 11,8 tỉ USD. Người tiêu dùng Việt, đặc biệt giới trẻ, trở nên quen thuộc với mua sắm trực tuyến. Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử có tiềm năng nhất khu vực ASEAN.

Có thể thấy, đại dịch COVID-19 đã mang đến rất nhiều biến động cũng như cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thương mại trên nền tảng số. Đại dịch đã thúc đẩy các doanh nghiệp, từ những thương hiệu cao cấp cho đến các doanh nghiệp nhỏ, nhanh chóng thực hiện chiến lược kỹ thuật số để tiếp cận người dùng trong bối cảnh giãn cách xã hội. Khi bán hàng trực tuyến trở thành một kênh có doanh thu lớn hơn cho các thương hiệu và nhà bán hàng, các nền tảng thương mại điện tử cần phải thích ứng và phối hợp với họ để hiện thực hoá các chiến lược bán lẻ sáng tạo nhằm thu hút khách hàng.

Doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên nền tảng số cần phải có một hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu
Ảnh: TL

Các doanh nghiệp thương mại điện tử sẽ đón nhận những cơ hội và đó cũng là thách thức khi các sàn phải liên tục thay đổi để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Trong đó, yếu tố tác động lớn nhất chính là nguồn nhân lực. Đối với tất cả tổ chức kinh tế, yếu tố con người luôn luôn là quan trọng hàng đầu, là nguồn lực đóng vai trò quyết định đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Kinh doanh thương mại trên nền tảng số là một lĩnh vực mới, dựa trên sự giao thoa và tương tác của nhiều ngành khác nhau như: kinh tế, kinh doanh, quản trị, marketing, công nghệ thông tin, hệ thống thông tin, luật...

Ngoài ra, doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên nền tảng số cần phải có một hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu. Đảm bảo logistics trong điều kiện gia tăng lưu lượng hàng hoá giao dịch qua các kênh trực tuyến khiến nhu cầu vận tải, logistics và giao hàng của doanh nghiệp tăng cao. Xây dựng hệ sinh thái số với các phương thức thanh toán trực tuyến phổ biến hiện nay bao gồm: Thẻ thanh toán quốc tế (Visa/Master), thẻ thông minh, ví điện tử, tiền điện tử, thanh toán qua điện thoại di động, séc điện tử, thẻ mua hàng, chuyển tiền điện tử… nhằm đáp ứng linh hoạt trải nghiệm cho khách hàng.

Doanh nghiệp đảm bảo logistics trong điều kiện gia tăng lưu lượng hàng hoá giao dịch qua các kênh trực tuyến khiến nhu cầu vận tải, logistics và giao hàng của doanh nghiệp tăng cao
Ảnh: TL

Đồng thời, doanh nghiệp cần chú trọng các xu hướng quảng cáo trực tuyến thông qua hai nền tảng là mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm đang tăng trưởng mạnh. Cùng với đó là nắm bắt xu hướng ứng dụng công nghệ nhằm tạo ra mô hình kinh doanh mới, tiết kiệm nguồn lực và gia tăng hiệu quả.

Doanh nghiệp cần nhanh nhạy nắm bắt văn hoá tiêu dùng, bởi cùng với tốc độ đô thị hoá nhanh và tầng lớp thu nhập trung bình tăng cao, thói quen mua sắm của người Việt cũng thay đổi đáng kể. Bên cạnh đó, môi trường pháp lý và xu hướng thương mại hoá quốc tế cũng góp phần tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thương mại trên nền tảng số.

Chuẩn bị cho xu hướng mới

Tận dụng ngay thời kỳ COVID-19 để phát triển, doanh nghiệp lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam cần thực hiện ngay những giải pháp sau đây:

Chú trọng bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao bằng cách: hoạch định chiến lược tuyển dụng, kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường để có phương án đào tạo, sử dụng nhân lực trung hạn, dài hạn, xem đây là nguồn lực tiên quyết giúp gia tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam hiện đang cần nguồn lao động có trình độ về công nghệ thông tin.

Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương), căn cứ kết quả khảo sát hàng năm đối với một bộ phận ứng dụng thường xuyên kinh doanh thương mại trên nền tảng số, có hơn 80% doanh nghiệp tham gia khảo sát (tương đương hơn 1.000 doanh nghiệp) cho thấy, nhu cầu nhân lực thương mại điện được đào tạo là rất cần thiết đối với chính doanh nghiệp đó. Trong giai đoạn tới, nhu cầu này sẽ tăng lên rất nhiều khi Việt Nam trở thành quốc gia có hàm lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh lớn, do đó việc tiến hành trao đổi thương mại qua mạng sẽ ngày càng phổ biến hơn.

Phối hợp với Nhà nước trong công tác truyền thông, tuyên truyền, hướng dẫn, giúp người tiêu dùng hiểu được sự tiện dụng của mua hàng trực tuyến, cách giao dịch thương mại điện tử an toàn, các phương thức thanh toán trực tuyến (như cách Momo thực hiện)..., đặc biệt các doanh nghiệp lớn nên kết hợp cùng các nhà mạng thông qua các sự kiện mua sắm, khuyến mại tập trung góp phần thay đổi tư duy người tiêu dùng.

Nỗ lực mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp cần xây dựng và duy trì các chính sách bán hàng/đổi trả hàng minh bạch, thuận tiện cho người tiêu dùng; nâng cao chất lượng dịch vụ trực tuyến như tư vấn, cung cấp hình ảnh trung thực, ứng dụng tiện ích 4.0 trong tăng cường hiệu quả kinh doanh như: Quảng cáo thông tin phù hợp với từng cá nhân thông qua Dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) trên trang website hay mạng xã hội; Tư vấn hiệu quả và nhanh chóng qua các ứng dụng chatbot; Cung cấp hình ảnh/video trực quan về sản phẩm chính xác và hiệu quả qua ứng dụng Thực tế ảo (VR/AR); Định vị vị trí giao hàng phù hợp qua UPS; Triển khai thanh toán đa phương thức trực tuyến…

 

Chú trọng xây dựng và duy trì chính sách quản lý chặt chẽ nguồn gốc hàng hoá, bởi bất kỳ lỗi của đối tượng nào (nền tảng trung gian hay chủ thể doanh nghiệp) thì đều phải đánh đổi bằng chính lòng tin và sự ủng hộ của người tiêu dùng.

Với sự chuyển mình nhanh chóng của kinh doanh thương mại trên nền tảng số, để có thể giúp các doanh nghiệp kinh doanh thương mại bán lẻ xây dựng và triển khai thành công các kênh mua bán trực tuyến không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào những yếu tố, giải pháp kể trên mà còn cần sự hợp nhất của cả Nhà nước và người tiêu dùng.

Nhóm tác giả: UEH
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư

Nguyên tắc vàng:

"Nếu không có đủ ngân sách thì một ý tưởng dù hay đến mấy cũng không thể cất cánh"

User Menu