Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Bộ Thông tin và Truyền thông sáng 8/9/2018, lãnh đạo các doanh nghiệp viễn thông đã kiến nghị Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép các doanh nghiệp viễn thông tham gia vào các khâu trong thanh toán điện tử.
Cụ thể, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, trên thế giới đã thúc đẩy thanh toán không tiền mặt từ rất lâu, ở Việt Nam triển khai khá chậm, bởi vì để thanh toán không dùng tiền mặt thì người dân cần có tài khoản ngân hàng, việc phổ cập dịch vụ ngân hàng tới 100% dân số là khá khó khăn.
Trong khi các nhà mạng có kênh thẻ cào phủ rất rộng, nếu sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán một số dịch vụ sẽ tiện lợi.
Chính vì vậy ông Long đã đề xuất Chính phủ cần sớm có chính sách cho doanh nghiệp viễn thông tham gia vào lĩnh vực thanh toán điện tử.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), ông Tào Đức Thắng, cũng đề nghị Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông sớm có chính sách cho phép các doanh nghiệp viễn thông tham gia vào các khâu trong thanh toán điện tử.
Tài khoản viễn thông có vùng phủ xấp xỉ 100% dân số trong khi tài khoản ngân hàng chỉ có độ phủ 30-40%. Do vậy các nhà mạng kiến nghị cần có chính sách cho doanh nghiệp viễn thông tham gia vào lĩnh vực thanh toán điện tử.
Tại buổi làm việc trên, thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra, cho biết, tài khoản viễn thông hiện đang dùng để thanh toán các dịch vụ viễn thông và các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền mạng viễn thông. Tài khoản viễn thông có vùng phủ xấp xỉ 100% dân số trong khi tài khoản ngân hàng chỉ có độ phủ 30-40%. Do đó, bằng cách này chúng ta có thể triển khai ngay thanh toán điện tử trên phạm vi cả nước, tránh được nguy cơ các đối tác nước ngoài vào Việt Nam chiếm lĩnh thanh toán điện tử.
Và theo người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông, chỉ cần Chính phủ cho phép thì chỉ ngay ngày hôm sau ngân hàng điện tử có thể phủ tới 100% dân.
Thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam hầu hết đều là các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh về khoa học, công nghệ, tài chính, có hạ tầng và các kênh bán hàng rộng khắp trên cả nước. Do đó, việc cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông sẽ tận dụng hiệu quả các thế mạnh sẵn có góp phần thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo ngân hàng nhà nước cấp phép cho doanh nghiệp Viettel, VNPT làm dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, làm trung gian kết nối các ngân hàng và các doanh nghiệp, các doanh nghiệp và cá nhân.
Đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán các dịch vụ có giá trị nhỏ.
Các dịch vụ cốt lõi viễn thông đang chững lại và giảm xuống, các nhà mạng đang trông chờ vào phát triển sang nội dung số và công nghệ thông tin.
Vấn đề thanh toán bẳng thẻ cào điện thoại di động cho các dịch vụ nội dung cũng được các nhà mạng và Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra tại cuộc họp trên.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ tịch Tổng công ty Viễn thông MobiFone, cho biết, nhiều năm lại đây, các dịch vụ cốt lõi viễn thông đang chững lại và giảm xuống, các nhà mạng đang trông chờ vào phát triển sang nội dung số và công nghệ thông tin, do vậy, ông Thắng kiến nghị Chính phủ và cơ quan liên quan cần có hành lang chính thức để cho các doanh nghiệp khác sử dụng thẻ cào viễn thông trong thanh toán.
Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cũng cho rằng, việc để các doanh nghiệp nhỏ, ví dụ như game online tự xây dựng các kênh phân phối để đưa dịch vụ ra thị trường là rất khó, do vậy, ông Long cũng đề nghị Chính phủ cho tiếp tục dùng thẻ cào để thanh toán dịch vụ nội dung số, để phát triển ngành dịch vụ số.
Kiến nghị của các doanh nghiệp viễn thông cũng trùng khớp với quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong thông tin đưa ra tại cuộc họp, bộ này đã đề nghị Thủ tướng xem xét cho phép sử dụng thẻ cào viễn thông để nạp tiền cho các dịch vụ nội dung số, nhằm phát triển các dịch vụ nội dung số theo quy định của pháp luật.
"Thẻ cào viễn thông không phải là phương tiện thanh toán, càng không phải là trung gian thanh toán", Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.
* Nguồn: VN Economy