TVCab, NextTV (Viettel) và sắp tới là SCTV, K+ dự tính cắt gói kênh truyền hình nước ngoài, thay bằng những kênh khác giá rẻ hơn.
Điều này vấp phải sự phản ứng kịch liệt của khách hàng và đặt ra cho ngành truyền hình trả tiền một bài toán mang tính sống còn.
Cuộc chiến cam go
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng Giám đốc VTV, cho biết, bất đắc dĩ các hãng mới đi đến quyết định cắt các kênh quốc tế hiện hành để thay bằng những kênh khác. Bởi VTVcab, NextTV, SCTV và 7 kênh khác gồm K+, HTVC, MyTV (VNPT), OneTV (FPT), MobiTV (AVG), VTC, Hanoicab đều mua kênh truyền hình quốc tế từ Q.net. Khi mối quan hệ giữa Q.net và các nhà đài trở nên “cơm không lành, canh không ngọt” và các bên không còn thống nhất về giá cả, một số hãng là VTVcab, NextTV hay sắp tới là SCTV, K+ chấp nhận chia tay Q.net.
Theo tiết lộ của một lãnh đạo trong ngành truyền hình, chi phí mua bản quyền, gồm cả mua các giải đấu thể thao, kênh truyền hình và chương trình nước ngoài đã chiếm tới 80% ngân sách của nhà đài. Chi chí này ngày càng tăng lên do các nhà phân phối kênh truyền hình liên tục tăng giá, trung bình 30%/năm. Đối với các nhà đài, khi thuê bao và doanh thu không tăng, đây thực sự là gánh nặng và đã đến lúc các hãng phải hợp lực để chống thế độc quyền từ nhà phân phối.
Thực tế, trong 10 đại lý phân phối kênh truyền hình quốc tế, Q.net là đơn vị có thế lực nhất khi tham gia phân phối gần 30 trên tổng 58 kênh nước ngoài được cấp phép biên tập, phát sóng ở Việt Nam. Với đặc điểm mỗi kênh truyền hình quốc tế chỉ do 1 đại lý độc quyền phân phối, Q.net thực sự là ông trùm trong lĩnh vực này. Biểu hiện cho quyền lực của Q.net là Công ty chỉ bán kênh truyền hình quốc tế theo gói 23 kênh. Điều này khiến cho 10 nhà đài từng sử dụng dịch vụ của Q.net phải mua cả những kênh ít ai biết và không tạo ra khác biệt gì khi chiếu các kênh quốc tế.
9 đại lý khác như Thảo Lê, BHD, Fox… thì chia nhau phân phối các kênh quốc tế còn lại. So về độ phong phú, 9 đại lý này không thể bì được Q.net. Vì thế, chấm dứt hợp đồng với Q.net, khách hàng của VTVcab, NextTV, SCTV... sẽ chịu thiệt thòi khi không còn được xem các kênh nổi tiếng và được ưa chuộng như HBO, MAX, AXN, Warner TV, Discovery, Fox Sports, Cartoon Network, Disney Channel, CNN...
Trên các diễn đàn, tâm lý chung của khách hàng khi bị cắt sóng, thay kênh là bực bội và kêu gọi tẩy chay. Điều này đồng nghĩa, VTVcab, NextTV và sắp tới là SCTV có thể bị mất hàng triệu thuê bao. Nếu khách hàng của VTVcab, SCTV thực sự rời bỏ, thị phần ngành truyền hình trả tiền có thể bị xáo trộn. Từ 2 năm trước, theo số liệu của Media Partners, SCTV dẫn đầu với 29% thị phần. Kế đó là VTVcab với 24% thị phần. Riêng K+ hay MyTV, NextTV có thị phần khá cách biệt (8-11%) trong một thị trường 12,5 triệu thuê bao.
Đến nay, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, con số thuê bao toàn ngành truyền hình trả tiền tuy tăng lên đạt khoảng 14 triệu thuê bao vào cuối năm 2017 nhưng doanh thu lại giảm mạnh, chỉ còn 7.500 tỉ đồng so với mức 12.000 tỉ đồng của năm 2016. Nghịch lý thuê bao tăng, doanh thu giảm càng cho thấy bức tranh khốc liệt của ngành truyền hình trả tiền.
Đó là chưa kể, truyền hình trả tiền đang bị cạnh tranh gay gắt từ các hình thức nghe nhìn hiện đại khác như truyền hình giao thức OTT (Over The Top - cung cấp các nội dung cho người sử dụng dựa trên các nền tảng internet) với sự hiện diện của VietNamNet ICOM, Clip TV. Hay FPT, VNG, VNPT cũng triển khai dịch vụ mới như FPT Play, ZingPlay, VNPT-Media. Đặc biệt, sự bành trướng của YouTube, Facebook và sự đổ bộ của Netflix càng đe dọa đến miếng bánh thị phần truyền hình trả tiền vốn đã bị thu hẹp.
Thay đổi hoặc chết
Ngành truyền hình nói chung và truyền hình trả tiền nói riêng, hoạt động theo hình thức truyền thống đang ngày càng ít thu hút. Bằng chứng là 40% người trẻ hiện không xem tivi và 60% người Việt chuyển sang xem phim trên máy tính, điện thoại, theo số liệu đưa ra trong hội thảo Telefilm 2017. Còn theo Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu quảng cáo của ngành truyền hình đã giảm 4%, nhiều đài truyền hình thậm chí giảm tới 30-40%. Nếu xét về gameshow, khảo sát từ Vietnam-Tam cho thấy, do lượng khán giả suy giảm, giá trung bình 1 spot quảng cáo trong chương trình gameshow từ 45,5 triệu đồng/spot (năm 2016) đã giảm xuống còn chỉ 28 triệu đồng/spot (năm 2017).
Trong bối cảnh đó, một số kênh truyền hình như YanTV phải chấp nhận chia tay sau 10 năm phát sóng. Cũng có những đài truyền hình lặng lẽ rút lui. Nếu như năm 2014, thị trường truyền hình trả tiền ghi nhận sự hiện diện của 50 đơn vị thì nay chỉ còn 33 đài. Ngay cả khi đã vượt qua sự sàng lọc, các đài truyền hình vẫn liên tục đối diện với bài toán sống còn. Truyền hình trên internet, với các tính năng vượt trội như tăng tương tác, trải nghiệm là bước chuyển đổi mà các hãng nhắm tới.
Theo thông tin công bố, năm ngoái, K+, SCTV, VTVcab, Viettel đều đã phát triển dịch vụ truyền hình giao thức OTT. Nếu như K+ có myK+Now, thu phí 125.000 đồng/tháng thì SCTV có SCTV VOD, thu phí từ 30.000-50.000 đồng/tháng. Riêng VTVcab thì phát triển VTVcab ON và thu phí dịch vụ với giá cước 40.000-50.000 đồng/tháng. Một số hãng như FPT Telecom, MobiFone… cũng đầu tư vào các sản phẩm truyền hình trực tuyến để người dùng tiếp cận dễ dàng hơn.
Ông Phạm Thành Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ số Sao Bắc Đẩu, từng chia sẻ với báo giới, truyền hình OTT sẽ là cơ hội để các đài giữ chân và mở rộng khách hàng cũng như tăng thêm doanh thu. Vì lợi ích này, dù mất 5 năm và có thể thua lỗ hàng triệu USD, Công ty Sao Bắc Đẩu cũng sẽ triển khai OTT. Nhưng điều quan trọng trong lĩnh vực truyền hình, sau những đầu tư nền tảng công nghệ là phải chuẩn bị nội dung.
Cả SCTV, VTVcab, K+, HTVC, FPT… đều đã tự sản xuất nội dung và có trong tay những giải thể thao, phim truyện, chương trình giải trí riêng. Nhưng thông thường, các đài không trực tiếp sản xuất mà giao cho những đơn vị như Cát Tiên Sa, BHD, Đông Tây, Multimedia, Điền Quân, Khang Media, Jet Studio, Sóng Vàng... thực hiện chương trình. Từ đây, chất lượng chương trình khó kiểm soát và phụ thuộc vào câu chuyện quảng cáo, tài trợ.
Một vấn đề đau đầu khác là nạn ăn cắp bản quyền. Theo VTV Digital, trung bình mỗi tháng VTV Digital ngăn chặn và xử lý gần 500 trang fanpage cá nhân và kênh YouTube vi phạm bản quyền các chương trình của VTV. Hay hầu hết các nội dung trên OTT lậu, qua Android TV Box, Fly Play Box đều vi phạm bản quyền nội dung.
Các đài truyền hình đang tìm cách để khắc phục các hạn chế kể trên. Nhưng trên hết, theo những người trong ngành, các đài cần dành nhiều quan tâm, ngân sách cho việc tự sản xuất chương trình. Ngoài ra, các đài có thể bắt tay cùng hợp tác, trao đổi các chương trình, nội dung, gói kênh của mình. Theo lãnh đạo MyTV, cách thức này sẽ giúp tất cả đều được hưởng lợi, khắc phục tình trạng rời thuê bao cũng như giúp các bên có thêm doanh thu nhờ “ăn chia” theo tỉ lệ với đối tác.
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư