Thị trường thương mại điện tử đang chuyển động mạnh mẽ, những nhà cung cấp tái cấu trúc hoạt động và nắm bắt nhu cầu khách hàng linh hoạt sẽ thành công.

Thị trường nhiều biến động

Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 do Bộ Công Thương công bố cho thấy doanh thu bán lẻ thương mại điện tử năm 2019 đạt 10,08 tỉ USD, tăng 25% so với năm trước, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Cũng theo báo cáo này, 20 trang web và ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hàng đầu (bao gồm các tên tuổi lớn như Tiki, Shopee, Lazada và Sendo) đang nắm giữ khoảng 72% doanh thu cả thị trường.

Bất chấp những con số ấn tượng như vậy, thị trường thương mại điện tử những năm qua vẫn được coi là còn nhiều biến động. Hàng loạt sàn thương mại điện tử phải đóng cửa, thậm chí các sàn lớn phải liên tục chịu lỗ cao.

W10

Tuy nhiên, điều này không hẳn do tình trạng thiếu cân bằng cung cầu, mà một phần đến từ quyết định tái cấu trúc của các doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Lấy trang web Robins.vn thuộc sở hữu của Tập đoàn Thái Lan Central Group làm ví dụ. Tập đoàn này đã thông báo dừng bán hàng trực tuyến vào cuối tháng 3/2019, thay vào đó sẽ tập trung vào 2 cửa hàng chính tại Hà Nội và TP.HCM.

W11

Một ví dụ khác là Vingroup thông báo sáp nhập Adayroi vào VinID trước khi công bố ngừng hoạt động của sàn thương mại điện tử. Điều này nằm trong kế hoạch tái cơ cấu của Vingroup nhằm tập trung nguồn lực vào mảng công nghiệp công nghệ, đồng thời nâng cấp mảng thương mại điện tử theo mô hình kết hợp giữa bán lẻ truyền thống và trực tuyến.

Theo lý giải của Central Group, điều này giúp thực hiện chiến lược tái cấu trúc, đẩy mạnh hơn nữa sức tăng trưởng kinh doanh của Tập đoàn tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, khi mua lại chuỗi siêu thị thương hiệu Big C vào năm 2016, Central Group cũng cho đóng cửa trang Cdiscount.vn (thuộc Big C) dù trang này đã được đầu tư khá bài bản.

Cuối tháng 11/2018, Thế Giới Di Động cũng đóng cửa trang thương mại điện tử vuivui.com để tập trung nguồn lực cho Bách hoá Xanh và đang gặt hái thành công.

Linh hoạt nắm bắt cơ hội

Đại dịch COVID-19 đem đến nhiều cơ hội để doanh nghiệp thương mại điện tử bứt phá trong ngắn hạn. Một số đã khai thác triệt để ảnh hưởng của đại dịch để gia tăng nhận diện cho đơn vị mình.

Tháng 3/2020, ngành bách hoá trực tuyến được dịp lên ngôi khi người tiêu dùng phải ở nhà tránh dịch. Riêng lượng truy cập vào các trang web của Bách hoá Xanh đã tăng 49% vào quý I/2020 so với quý trước.

Điểm đặc biệt là các ngành hàng này vượt lên dẫn đầu sau khi ngành kinh doanh thiết bị di động và thời trang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch, dẫu trước đó không phải là tâm điểm của thương mại điện tử Việt Nam.

Một số trang web bán mỹ phẩm bán thêm khẩu trang và nước rửa tay khô có lượng truy cập vào quý I/2020 tăng trung bình 32% so với trước, trong khi các trang web thuần tuý bán mỹ phẩm thì chỉ tăng trung bình 10%.

Về lâu dài, để thành công trong kinh doanh thương mại điện tử khi người tiêu dùng có nhiều lựa chọn như hiện nay, doanh nghiệp không thể chỉ tập trung vào tăng trưởng mà cần phải chú trọng vào cơ sở hạ tầng.

Theo nghiên cứu gần đây của iPrice và Parcel Performance, 34% người dùng thương mại điện tử trong khu vực vẫn chưa hài lòng với chất lượng dịch vụ chuyển phát bưu kiện mà họ nhận được. Tại Việt Nam, các nghiên cứu cho thấy trung bình phải mất 5-6 ngày sản phẩm mới được chuyển đến tay người mua – tốc độ giao dịch chậm thứ 2 trong khu vực.

W12

Ảnh: Bách hoá Xanh

Nhận thấy nhu cầu về tốc độ giao hàng nhanh chóng và kịp thời, các sàn thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam đang chạy đua để cải thiện tốc độ giao hàng bằng nhiều chiến lược khác nhau.

Chẳng hạn như Lozi – một cổng thông tin thương mại điện tử theo mô hình từ người dùng đến người dùng (C2C), đơn vị đã thu hút được một khoản đầu tư hàng triệu USD để triển khai giải pháp giao dịch một cửa đáp ứng nhu cầu giao hàng tới người tiêu dùng trong vòng một giờ.

Ngoài ra, một nghiên cứu của YouNetMedia đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa hiệu quả truyền thông trên mạng xã hội và lượng khách truy cập vào trang web của các sàn này. Nguyên nhân là mạng xã hội có khả năng tác động đến mọi giai đoạn trên hành trình mua hàng trực tuyến của người tiêu dùng – từ lúc tìm kiếm thông tin đến lúc lựa chọn mua hàng và cuối cùng là phản hồi sau khi mua hàng.

Tại Việt Nam nói riêng, vai trò của mạng xã hội đặc biệt lớn trong giai đoạn khách hàng tìm kiếm thông tin và đưa ra quyết định mua hàng. Theo báo cáo gần đây của Facebook, có đến 48% người mua hàng tại Việt Nam tìm kiếm sản phẩm mới qua mạng xã hội và 53% sẵn sàng mua hàng từ các thương hiệu thương mại điện tử mới.

Xu hướng mua sắm trực tuyến hiện nay chú trọng tăng cường tính cá nhân hoá, tương tác và xã hội hoá. Nhà cung cấp dịch vụ nào không đáp ứng được những nhu cầu này sẽ nhanh chóng bị đào thải.

Minh Anh
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư

Walter Landor

"Sản phẩm được làm ra trong nhà máy, nhưng thương hiệu thì được tạo ra trong tâm trí"

User Menu