Doanh thu của chuỗi cửa tiệm sữa chua nếp cẩm Phúc Lợi (TP.HCM) với 28 chi nhánh của chị Nguyễn Thị Hương đã tăng vài lần kể từ khi tham gia hợp tác với GoFood vài tháng qua.

Các chương trình giảm giá 50%, mua 5 tặng 1, cộng với các quảng cáo biểu ngữ trên ứng dụng đã giúp chị bán được nhiều hơn cho các khách hàng ở những khu vực xa, trong khi trước đây, khách hàng của chị chủ yếu ở bán kính 4 km. Chị trích 17% trên mỗi đơn hàng trả cho GoFood.

Nếu trước đây chỉ có dân gốc Bắc ở Sài Gòn gọi món của chị, giờ đây khách hàng đã đa dạng hơn về nguồn gốc dân cư và địa điểm.

Theo công ty nghiên cứu thị trường và dữ liệu người tiêu dùng Statista, doanh thu trong mảng giao nhận thực phẩm trực tuyến tại Việt Nam ước đạt 146 triệu USD năm 2019.

Trong đó, mảng giao đồ ăn trực tiếp từ nhà hàng cho khách đạt 127 triệu USD, với 7,3 triệu người dùng; trong khi giao dịch qua cổng ứng dụng (platform to consumers) là 19 triệu USD, tương đương 1,2 triệu người dùng và tăng trưởng 68,8% hằng năm.

G1

Ảnh: Advertising Vietnam

Dù đang chiếm một phần nhỏ trên thị trường, mảng giao nhận đồ ăn trực tuyến đang tăng trưởng nóng, thể hiện qua hình ảnh phổ biến các tài xế xếp hàng trước mỗi cửa hàng để chờ nhận đồ ăn. “Quy mô thị trường giao nhận đồ ăn trực tuyến lớn hơn tôi hình dung rất nhiều,” Lê Diệp Kiều Trang, người vừa trở thành CEO của thương hiệu GO-VIET từ tháng 5.2019, cho Forbes Việt Nam biết.

Còn Jerry Lim, giám đốc Grab, trong email trao đổi với Forbes Vietnam: “Người Việt Nam đang trở nên quen thuộc hơn với công nghệ, sẵn sàng thử nghiệm và trải nghiệm dịch vụ mới, khiến cho các dịch vụ giao nhận đồ ăn mở rộng nhanh chóng, trong đó có GrabFood.” Thị trường đang chứng kiến cuộc đua giành thị phần mạnh tay giữa ba cái tên đáng lưu ý nhất gồm Now, Grab (GrabFood), tân binh GO-VIET (GoFood).

Giao nhận đồ ăn không phải là một sáng kiến mới. Quảng cáo giao thực phẩm xuất hiện trên báo chí từ đầu thế kỷ 20. Tại Việt Nam, cổng giao nhận đồ ăn trực tuyến đáng chú ý thời đầu có thể kể đến Vietnammm, từ năm 2011, tập trung vào cộng đồng người nước ngoài tại Việt Nam. Tiếp đó là Eat.vn, trước khi VC Corp mua lại vào năm 2012, dẫn đầu thị phần ở Hà Nội (hiện website không hiển thị thông tin).

Tiếp đến là HungryPanda, với nguồn lực tài chính và kỹ thuật từ Rocket Internet. Lala cũng đã dừng dịch vụ giao nhận đồ ăn. Thị trường giao nhận đồ ăn trở nên nóng bỏng khi công nghệ phát triển và nhiều tiền được đổ vào để thúc đẩy thói quen người dùng, với các giao dịch tiện và nhanh.

GrabFood và GoFood đang đẩy nhanh các chương trình để người dùng sử dụng dịch vụ đặt món ăn trên cổng ứng dụng, quá trình được các giáo trình kinh doanh mô tả nhằm “giáo dục khách hàng.”

Trong khi Now đang giao nhiều mặt hàng và dịch vụ khác nhau, từ thực phẩm, tới thuốc, hoa, thú cưng, giặt ủi, GrabFood và GoFood là hai cái tên đáng chú ý hiện nay trong mảng giao nhận đồ ăn gần đây, với các chiến dịch cạnh tranh bằng giá, tiếp thị lớn, khuyến mại, trợ cấp, giảm giá cho các đối tác (khối nhà hàng, quán ăn và khối khách hàng), đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng thị phần nhanh chóng.

G2

Ảnh: TKSolution

Vào tháng 6.2019, sau sáu tháng ra mắt, lãnh đạo GO-VIET cho Forbes Việt Nam biết họ “có 40% thị phần giao nhận đồ ăn” với thị trường tại TP.HCM và Hà Nội; còn GrabFood tuyên bố họ là “dịch vụ giao nhận đồ ăn tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, với mức tăng 250 lần về đơn hàng hằng ngày tính tới giữa tháng 5.2019, so với cuối tháng 6.2018.”

Một thách thức của GrabFood là khiến cho khách hàng và nhà hàng đối tác quen với nền tảng giao nhận đồ ăn trực tuyến, đặc biệt ở những nơi phương tiện và công nghệ còn hạn chế, và đa phần cửa tiệm là quán ăn bình dân, nhỏ. Một ưu tiên của chúng tôi là tạo ra nhu cầu giao nhận đồ ăn ở tỉnh thành vệ tinh.

Sự phổ biến của điện thoại di động thông minh, thói quen sinh hoạt thay đổi do tốc độ đô thị hóa và lối sống bận rộn tại các thành phố lớn và đang lan dần ra các đô thị vệ tinh, là các yếu tố giúp cho việc đặt đồ ăn qua ứng dụng di động trở nên dễ dàng hơn. Các ứng dụng gọi món đang liệt kê ngày càng nhiều các món ăn, từ sang trọng tới bình dân, giúp khách hàng có nhiều lựa chọn chỉ sau vài lần chạm ngón tay trên màn hình. Các đơn hàng được hoàn tất nhanh chóng (khoảng 30 phút ) ở một quy mô lớn nhờ công nghệ.

G3

Thị trường gọi món trực tuyến: Khai vị đậm đà - ảnh 2

Nhờ các chương trình tiếp thị, trợ giá, người tiêu dùng nhận thấy đồ ăn mua qua ứng dụng thường rẻ hơn so với tự nấu ở nhà, thuận tiện hơn; còn các nhà hàng nhận thấy họ đang bán được nhiều hàng hơn, và có độ nhận biết thương hiệu tốt hơn. Huy Lê, giám đốc tiếp thị chuỗi trà sữa Toocha Vietnam cho biết từ khi có thêm các kênh phân phối mới là các cổng ứng dụng, doanh thu của chuỗi tăng trưởng khoảng 20%.

Toocha từng thực hiện các chiến dịch lớn như miễn phí 10 ngàn ly trà sữa trên nền tảng GoFood

Toocha từng thực hiện các chiến dịch lớn như miễn phí 10 ngàn ly trà sữa trên nền tảng GoFood khi ứng dụng này mới xuất hiện. Hiện nay, hàng bán qua ứng dụng giao hàng của chuỗi trà sữa gần hai năm tuổi với hơn 20 cửa hàng này đang mang về 30% doanh thu trong ngày. Số lượng khách hàng đến để sử dụng dịch vụ trực tiếp tại cửa hàng giảm khoảng 30% so với bình thường. Không có số liệu về ngân sách của các công ty trong cuộc đua “giáo dục khách hàng” tại Việt Nam, nhưng dễ nhận thấy đây là cuộc đua dành cho dành cho những doanh nghiệp rất nhiều tiền và sự hậu thuẫn từ các quỹ đầu tư lớn. Với dân số hơn 620 triệu người, Đông Nam Á rất hấp dẫn cho các công ty công nghệ.

Tại Việt Nam, sau khi thiết lập thị phần trong mảng gọi xe máy và ô tô, Grab và Go Jek đều nhắm tới đặt chân vào rất nhiều các loại hình dịch vụ theo yêu cầu khác, như giao nhận đồ ăn (đã làm), và sắp tới có thể là tạp phẩm, thanh toán, và các dịch vụ tài chính khác. Mục tiêu của các ứng dụng này là trở thành siêu ứng dụng của khu vực, giống như WeChat, Alipay và Meituan đang làm ở Trung Quốc.

Trung Quốc là thị trường giao nhận đồ ăn trực tuyến lớn nhất thế giới với tổng giao dịch thị trường hơn 23 tỉ USD năm 2019, theo Statista, với hai ứng dụng giao nhận đồ ăn lớn nhất là Ele.me và Meituan.

Trong những năm qua, thị trường Trung Quốc bùng nổ cũng nhờ chi phí tiếp thị, trợ cấp mạnh tay từ những công ty công nghệ lớn, giúp giảm chi phí cho nhà hàng và người sử dụng. Hiện có 355 triệu người, tức là ¼ người Trung Quốc đặt đồ ăn trực tuyến qua điện thoại.

G4

Ele.me và Meituan là hai ứng dụng giao đồ ăn lớn nhất Trung Quốc. Ảnh: Chengdu Expat

Vẫn còn quá sớm để biết cuộc đối đầu trực tiếp giữa hai bên lớn nhất và nhiều tiền nhất thị trường tại Việt Nam trong vài năm tới, khi đang có thêm các tên tuổi mới tham gia vào thị trường gọi xe trực tuyến, làm bàn đạp cho các mảng dịch vụ khác dựa trên dữ liệu người dùng trực tuyến. Tại Indonesia, siêu kỳ lân Go-Jek tuyên bố sở hữu 80% thị phần, phát triển mọi dịch vụ xoay quanh xe hai bánh – phương tiện giao thông phổ biến nhất tại Indonesia – từ gọi xe, đồ ăn, làm móng tay, làm tóc, sửa quần áo...

Điều này sẽ không khác với GO-VIET ở Việt Nam, với các dịch vụ trong nhóm mà CEO Kiều Trang gọi là “cái đuôi dài”: bên cạnh những nhà hàng tầm trung trở lên, họ đẩy mạnh kết nối các dịch vụ ở các cửa tiệm nhỏ, trong hẻm, các cá nhân đơn lẻ với các đơn hàng nhỏ nhưng tạo ra tổng số lượng nhiều.

“Chúng tôi xây dựng một cộng đồng rộng,” Kiều Trang cho biết. “Sức mạnh nền kinh tế Việt Nam đi từ những manh mún như vậy, và mình không nên bỏ qua phân khúc thị trường rất quan trọng, dù sẽ cực kỳ tốn kém để tạo dựng.” GO-VIET tham gia thị trường khi sự hiểu biết của người dùng các dịch vụ dựa trên nền tảng điện thoại di động đã được cải thiện đáng kể tại Việt Nam nhờ cuộc đối đấu dữ dội giữa Grab và Uber, Go Việt có những lợi thế đáng kể khi giảm được các chi phí về tiếp thị.

Giao nhận đồ ăn trực tuyến là mảng kinh doanh đang thu hút hàng tỉ đô la Mỹ đầu tư trên khắp thế giới, từ các quỹ đầu tư mạo hiểm đang muốn tạo nên một công ty có kích cỡ như Uber và Airbnb. Sự cạnh tranh của các ứng dụng giao hàng ăn trực tuyến nằm ở khả năng xây dựng cộng đồng, tốc độ xử lý đơn hàng và giao hàng.

Điều này đòi hỏi lượng dữ liệu lớn từ thị trường, từ đó mục đích cuối cùng là đề xuất cho người dùng những sản phẩm phù hợp, đúng người, đúng thời điểm, đẩy mạnh tốc độ bán hàng và tăng trải nghiệm hài lòng cho khách.

Tại Mỹ, cuộc chạy đua giữa DoorDash và Uber Eats vẫn chưa phân thắng bại. Đến nay, các công ty có gói dịch vụ thuê bao (khách trả một khoản phí cố định trong tháng và không phải trả phí giao hàng cho mỗi đơn hàng), và bước đầu ứng dụng robot, máy bay không người lái vào giao nhận. Chưa có ứng dụng giao nhận đồ ăn nào trên thế giới tuyên bố có lợi nhuận.

Trong khi Uber Eats tại Mỹ đang tăng trưởng mạnh mẽ, mảng kinh doanh này cũng vẫn đang thua lỗ và không ai biết khi nào sẽ có lãi. Để cắt giảm chi phí, Uber Eats đang thực hiện các đơn đặt hàng theo đợt để tài xế có thể nhận nhiều bữa ăn cùng một lúc và giao cùng đợt.

Vào tháng 6.2019, sau khi thâu tóm Vietnammm, Woowa Brothers (Hàn Quốc) ra mắt ứng dụng đặt đồ ăn BAEMIN, hướng tới giới thiệu những nét văn hóa, bản sắc cũng như công nghệ đặc trưng của xứ sở kim chi tại Việt Nam. Tổng giám đốc Woowa Brothers Việt Nam, Kiwan Ihn cho biết họ muốn xây dựng “niềm tin” với khách hàng và các đối tác trong hệ thống nền công nghiệp giao đồ ăn tận nơi là quan trọng hơn cả mục tiêu phát triển kinh doanh.

“Chúng tôi không có dự định đốt cháy giai đoạn, hay thúc đẩy lợi ích kinh doanh hay mục tiêu cạnh tranh với các đối thủ khác.” Dù vậy, trước mắt, ứng dụng này cũng đang đưa ra hàng loạt mã khuyến mãi như giảm 70% cho đơn hàng đầu tiên, hay tặng 50% giá giảm cho menu trà sữa tại một số thương hiệu có tiếng.

“Đã có ba người tôi biết gọi điện muốn bán lại cửa hàng cho tôi vì không trụ được"

Các chủ cửa hàng ăn giờ đây đều có thể bày biện món hàng của mình trên các ứng dụng cổng thông tin. Chị Nguyễn Thị Hương đã bắt đầu thấy nhiều cửa hàng cạnh tranh với chị về mặt hàng mà chị đã làm dựa trên “công thức gia đình”, và nhiều cửa hàng đã phải đóng cửa vì cạnh tranh. “Đã có ba người tôi biết gọi điện muốn bán lại cửa hàng cho tôi vì không trụ được,” chị cho biết. Giờ đây, chị vẫn tiếp tục thực hiện các chương trình khuyến mại để bán hàng tốt hơn. Còn Huy Lê của Toocha nhận xét các ứng dụng gọi đồ ăn đang tạo ra làn sóng gay gắt và trực diện hơn giữa các thương hiệu có cùng thị phần vốn dĩ đã cạnh tranh rất khốc liệt từ trước.

Trong khi đó, Hồ Phượng Ánh, đại diện Gờ Cafe với 17 chi nhánh tại TP.HCM, cho biết việc hợp tác với các kênh phân phối điện tử mới giúp cho quán của chị giảm được chi phí vận hành, giao nhận, tiếp thị so với tự thực hiện giao nhận sản phẩm trước đây. Tuy nhiên, để có được vị trí hiển thị tốt trên các ứng dụng thì cửa hàng phải trả phí hoa hồng và giảm giá khá sâu để được hiện thị tốt trên các ứng dụng.

“Tôi không tin vào việc đốt tiền,” CEO GO-VIET Lê Diệp Kiều Trang nhận định về việc các công ty vận hành ứng dụng gọi đồ ăn trực tuyến đang chi rất nhiều tiền để phát triển thị trường. “Vì sẽ đến lúc chiến lược này không bền vững. Muốn đi lâu dài là phải có chất lượng, tức là tiền cũng cần và cần chi tiêu khôn ngoan”

Vì vậy, trong khi người tiêu dùng ở Việt Nam sẽ còn tiếp tục nhận được các khuyến mại, thì các công ty công nghệ sẽ cần phải có khoản ngân sách đủ lớn để đi được lâu dài. Họ cũng cần hóa giải được những rào cản lớn nhất ở thị trường giao hàng ăn là hạ tầng logistics và thói quen sử dụng tiền mặt của người tiêu dùng tại Việt Nam.

* Nguồn: Forbes Vietnam

Pin It
Nguyên tắc vàng:

"Marketing là một trận chiến về ý tưởng. Nếu bạn muốn thành công, bạn phải có một ý tưởng hoặc là một thuộc tính của chính bạn để mà tập trung vào."

User Menu