Gần một năm vào Việt Nam, TikTok đã khai thác quảng cáo, trở thành đối thủ nặng ký mới trên thị trường tiếp thị trực tuyến.

Theo xác nhận của ông Lionel Sim - Giám đốc cấp cao về Marketing và Giải pháp kinh doanh toàn cầu TikTok Ads, TikTok Việt Nam đã triển khai những dự án quảng cáo cho khách hàng từ đầu năm 2019, tức gần một năm sau khi ứng dụng video ngắn này thâm nhập và thu hút người dùng.

Trước đó, công bố của TikTok đến cuối tháng 3/2019 cho biết, nền tảng này có hơn 12 triệu người dùng hàng tháng tại Việt Nam và hơn 1.000 nhà sáng tạo nội dung. Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, ứng dụng đã chạy quảng cáo cho một thương hiệu. "Chiến dịch đã thu được kết quả nổi bật với khoảng 9 triệu lượt hiển thị trong một tuần, gấp 2 lần con số trung bình trong ngành", ông Lionel Sim tuyên bố.

T1

Chiến dịch "Dọn nghiệp thoát ế" của TikTok và Sunsilk.

Tương tự các thị trường khác, TikTok có khá nhiều hình thức kiếm tiền từ quảng cáo tại Việt Nam. Một trong số đó là thử thách dưới dạng hashtag, một hình thức khác là In-feed Ads (hiển thị một ngày hoặc thường xuyên), hoặc Brand Takeover (Hiển thị khi mở app). Cách khác nữa là trả tiền cho các nhà sáng tạo nội dung để làm video quảng bá.

Khi được hỏi đâu là những khác biệt để giúp TikTok kinh doanh, so với những nền tảng khác như Youtube hay Facebook, ông Lionel Sim nói rằng không chỉ riêng người trẻ, xem video ngắn đang là xu hướng chung ở mọi lứa tuổi. "Theo tôi, sức hấp dẫn lớn nhất là các nội dung được tạo ra từ chính người dùng", ông nói.

Theo vị chuyên gia, lĩnh vực quảng cáo bằng video sẽ thay đổi với công nghệ 5G. Ở thế hệ trước, người dùng cần đi tìm kiếm thông tin, hiện tại, chính thông tin sẽ tự tiếp cận người dùng.

"Giờ đây, con người chỉ cần vài giây là có thể kết nối với nhau, dù ở xa ngàn dặm. Đến thế hệ con, cháu của chúng ta, có thể tốc độ này sẽ rút ngắn chỉ còn 2s. Chính vì vậy, chúng tôi thấy điều quan trọng là người dùng muốn tận hưởng những nội dung nhanh chóng, ngắn gọn như thế nào", ông nói.

T2

Logo TikTok hiện trên màn hình một chiếc IPhone. Ảnh: AFP

Cho đến, TikTok tại Việt Nam chỉ chủ yếu phổ biến trong nhóm người dùng rất trẻ, chủ yếu là thế hệ Y (sinh năm 1981 – 1996) và Z (sinh từ năm 1996). Với những đối tượng này, cách tiếp thị cũng cần có sự thay đổi để phù hợp.

Theo các nghiên cứu về nhân khẩu học, thế hệ Z thường chỉ thực sự tin tưởng những giá trị mà thương hiệu mang lại dựa trên những hành động thiết thực. Trong khi đó, thế hệ Y quan tâm nhiều hơn về sự nghiệp, 'điều này có giúp ích cho sự nghiệp của tôi không?'.

Giữa Thế hệ Z và thế hệ Y có sự thay đổi về hoàn cảnh trưởng thành và môi trường sống. Thế hệ Z lớn lên trong thời đại của công nghệ thông tin, dễ dàng tìm được thông tin trên Ipad hay smartphone. Công nghệ hiện đại đang giúp thông tin được lan truyền với tốc độ chóng mặt.

"Chính vì vậy, lời khuyên của tôi dành cho các nhà làm marketing là hãy nghiêm túc thực hiện các chiến dịch nhằm chiếm được niềm tin của người tiêu dùng thông qua những điều thương hiệu đang làm", Lionel Sim khuyến nghị.

* Nguồn: VnExpress

Pin It
Ngạn ngữ Anh

"Có người đi hết rừng mà vẫn không tìm thấy củi"

User Menu