Đến hẹn lại lên, mỗi dịp cận Tết là lúc thị trường nở rộ dịch vụ kinh doanh thời vụ chuyên phục vụ cho mùa Tết, từ gói bánh tét, giao hàng tận nơi các mặt hàng giò chả, củ kiệu, đặc sản vùng miền…
Tận dụng sức mạnh của mạng xã hội và công cụ bán hàng trực tuyến đang ngày càng hoàn thiện; các chủ kinh doanh thời vụ hiện nay vừa tiết kiệm được chi phí thuê mặt bằng, thuê nhân viên nhưng vẫn có thể ăn nên làm ra.
Trái cây - một trong những mặt hàng dễ kinh doanh trên mạng xã hội vào mùa tết. Ảnh: Hiếu Minh Vũ
Lãi chục triệu chỉ trong một tháng
Chỉ cần có một tài khoản Facebook, kỹ năng chụp ảnh, “post” thông tin và sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, các chủ kinh doanh thời vụ đã sẵn sàng cho mùa Tết.
Là dân Đà Lạt - nơi vốn nổi tiếng với các loại rau ôn đới và nhiều loại mứt, củ quả sấy, nước ép trái cây, chị Ngọc Lan (Q.7, TP.HCM) đã khởi sự việc kinh doanh các mặt hàng này từ mùa Tết năm 2016. Công việc này không tốn quá nhiều thời gian, chỉ cần biết chụp ảnh, “up” thông tin, giá bán rõ ràng trên Facebook, trả lời khách hàng khi cần.
Với thế mạnh nguồn hàng rau củ lấy từ các vườn quen như bông artichoke, cà rốt, khoai tây, cải thảo… hay các mặt hàng củ quả sấy nhà làm như hồng sấy, khoai lang dẻo, rau củ thập cẩm sấy… việc kinh doanh của chị dù mang tính thời vụ nhưng cũng rất hiệu quả.
Theo chị Phương, kinh doanh mùa Tết qua mạng xã hội vừa không mất tiền thuê mặt bằng, vừa tạo sự chủ động cho người bán vì có thể sắp xếp thời gian giao hàng phù hợp. Năm ngoái, chị rủng rỉnh thu về cả chục triệu đồng dù thời gian đầu tư không nhiều.
Chị khẳng định, kinh doanh rau củ quả mùa Tết khá dễ nhưng cần có nguồn vốn khá vì thường phải cộng dồn và gom hàng để giao vào 2 ngày cuối tuần. Năm nay, ngoài kinh doanh các mặt hàng này, chị còn tìm được nhà cung cấp các loại mứt từ trái cây địa phương để tăng thêm sự đa dạng cho sản phẩm.
Trong tình hình thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm khiến người tiêu dùng nghi ngờ hàng chợ có thể bị làm giả, làm nhái hoặc chứa các chất có hại cho sức khỏe, các loại thực phẩm, bánh mứt “nhà làm” đang trở thành hàng “hot”, được cư dân mạng săn đón dịp Tết năm nay.
Phổ biến nhất là lạp xưởng tươi, thịt chà bông, giò chả, bánh tét, bánh chưng, các loại mứt… Theo chị Tiểu Phương, một "Facebooker" chuyên kinh doanh khô bò, thịt chà bông mùa tết nhà làm, không cần quá khéo léo cũng có thể kinh doanh mặt hàng này vì hầu hết công thức đều có trên mạng. Điều quan trọng là tìm được nguồn nguyên liệu đáng tin cậy, công khai thông tin bằng cách chụp ảnh hoặc quay phim quá trình làm để tạo lòng tin nơi người dùng.
Với lời rao “lạp xưởng tươi Gò Công” 90% thịt đùi heo và 10% mỡ, được ướp với gia vị gia truyền, đảm bảo không chất bảo quản, giá 190.000 đồng/kg, chị Thu Hằng (quê ở Tiền Giang) đang làm việc cho một ngân hàng tại TP.HCM đã nhận được vài chục đơn hàng dù vẫn còn vài tháng nữa mới đến Tết. Điều khiến khách hàng tin tưởng vào món lạp xưởng của chị là do chị công khai các loại nguyên liệu và toàn bộ quá trình chế biến trên Facebook cá nhân.
Thừa thắng xông lên, bếp nhà chị còn làm thêm các món ăn phụ để khách hàng nhâm nhi dịp tết như gà xé cay, gà xé lá chanh với giá bán khoảng 300.000 đồng/kg, có cả các gói nhỏ hơn để tiện cho khách.
Theo chị Hằng, kinh doanh mùa Tết bây giờ dễ dàng hơn trước vì ngoài nguồn khách quen là người thân, bạn bè, đồng nghiệp, còn có nhiều khách hàng đến từ mạng xã hội. Các dịch vụ hỗ trợ bán hàng trực tuyến như giao hàng và thu hộ tiền tận nơi cũng giúp ích rất nhiều để chị phục vụ khách hàng tốt hơn.
Không chỉ mùa Tết, nếu có lượng khách hàng trung thành, có thể duy trì việc bán hàng quanh năm mà cũng không tốn nhiều chi phí vận hành.
Cơ hội lớn cho các loại đặc sản vùng miền
Tết là thời điểm các gia đình quây quần bên nhau, vì thế, người tiêu dùng có nhu cầu cao với các đặc sản địa phương độc đáo, lạ miệng, thế nhưng các chủ kinh doanh cần chú trọng đến tiêu chí sản phẩm phải tươi ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thông thường, các mặt hàng này cũng được bày bán ở chợ nhưng lại thiếu sự đầu tư nhãn mác, người bán ít quan tâm đến việc giới thiệu xuất xứ cho khách hàng nên nhiều người không tin tưởng.
Khả năng tương tác cao từ mạng xã hội cho phép người bán đăng tải thông tin, đồng thời cho phép người mua góp ý, đánh giá sản phẩm, sẽ là một căn cứ để các Facebooker làm ăn uy tín lấy được niềm tin của khách.
Bên cạnh đó, việc mua tận gốc, bán tận ngọn, không tốn chi phí mặt bằng còn giúp giảm giá thành sản phẩm, có lợi cho cả người bán lẫn người mua.
Tại Hà Nội, nem chả, bưởi Diễn, thịt trâu gác bếp, nấm hương, măng khô, hạt dẻ… là các mặt hàng đặc sản đắt hàng mùa Tết, đặc biệt, năm nay còn có cả các mặt hàng tươi sống như gà đồi, gà Đông Tảo. Còn tại TP.HCM, các mặt hàng được cư dân mạng săn lùng đa dạng từ gạo nàng Hương, cá khô, tôm khô, lạp xưởng tươi, bánh tét, quýt, bưởi da xanh, rượu Bến Tre, chả mực…
Kinh doanh mùa Tết không chỉ là cơ hội vàng với những doanh nghiệp có hệ thống phân phối lớn và rộng khắp mà cả những chủ kinh doanh nhỏ lẻ. Và cơ hội để việc kinh doanh nhỏ lẻ trở nên lớn mạnh là hoàn toàn có thể nếu biết liên kết các nhà sản xuất cùng một loại mặt hàng, xây dựng thương hiệu chung cho sản phẩm và sử dụng các công cụ truyền thông trực tuyến một cách hiệu quả.
Câu chuyện những niêu cá kho thơm ngon, đặc sản của làng Vũ Đại (xã Nhân Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), vượt biển đến hơn 12 nước trên thế giới, chỉ nhờ những cú click chuột… là một ví dụ truyền cảm hứng để thắp lên ước mơ cho những người trẻ kinh doanh hàng đặc sản.
Được biết, với sự tham gia của các bạn trẻ trong việc lập trang web giới thiệu sản phẩm, quảng bá trên Google và Facebook, các sản phẩm cá kho của làng Vũ Đại đã được biết đến nhiều hơn. Từ vài chục niêu cá kho mùa Tết năm 2009, đến nay, các chủ kinh doanh cá kho tại xã Nhân Hậu có thể bán tới vài ngàn niêu mỗi mùa tết, mang về hàng chục tỷ đồng.
Dù vậy, để thành công với kinh doanh thời vụ mùa Tết, các chuyên gia cho rằng các chủ kinh doanh nhỏ nên chọn các mặt hàng dễ bán, dễ mua, dễ bảo quản, dễ vận chuyển, có thể quay vòng vốn nhanh.
Bên cạnh đó, cần chú trọng đến việc kiểm soát chất lượng. Hiện tượng một số chủ kinh doanh trên Facebook đăng hình ảnh sản phẩm quảng cáo lung linh, bắt mắt nhưng thực tế khác xa hoặc sản phẩm không đạt chất lượng khiến người tiêu dùng thiếu thiện cảm và thận trọng hơn khi mua hàng từ mạng xã hội.
DIỆP KHÁNH
(Theo DNSGCT)