Đi triển lãm VCW 2011 lần này, nhiều người cho rằng nó giống một cái hội chợ bán hàng giảm giá công nghệ hơn là đi xem và trải nghiệm các sản phẩm công nghệ mới.
Triển lãm hay... “chợ trời”
Có vẻ như ban tổ chức ngày càng dễ dãi trong việc cho các doanh nghiệp đăng ký tham gia vào triển lãm này, khi bất cứ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nào muốn tham gia họ cũng chấp nhận. Đơn cử tại triển lãm VCW 2011 năm nay nhiều người bất ngờ khi rất nhiều gian hàng không thuộc về CNTT cũng có mặt tại triển lãm. Chẳng hạn như xuất hiện cả gian hàng bán đồ chơi với các sản phẩm ống nhòm, súng bắn đạn nhựa, máy bay, xe hơi... hay xuất hiện cả các gian hàng không đại diện cho một thương hiệu nào cụ thể mà giống như một cửa hàng bán các mặt hàng “chợ trời” có xuất xứ từ Trung Quốc. Tiêu điểm ở gian hàng inLife, hàng hóa được xếp hoặc treo thành từng đống, từng mớ, giảm giá từ 20-50% cho khách lựa chọn và nhiều gian hàng nhỏ khác tại triển lãm cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Việc triển lãm bị biến chất thành hội chợ còn thể hiện rõ hơn khi các công ty từ lớn (ngay cả các nhà tài trợ như Samsung, Taiwan Excellence) đến nhỏ, đều thi nhau tổ chức bán hàng khuyến mãi và bán hàng giờ vàng của mình. Tờ rơi bán hàng giảm giá được phát khắp nơi, thậm chí có gian hàng còn thuê người mang những tấm bảng lớn đề mức giảm giá đi loanh quanh triển lãm để thu hút khách tham quan. Đến giờ bán hàng, nhiều người yếu tim khi tham quan có thể bị choáng bởi những âm thanh “đinh tai, nhức óc” được phát ra từ các gian hàng thi nhau thông báo các chương trình giảm giá, khuyến mãi.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng tỏ ra rất khó chịu với việc giới thiệu sản phẩm của các gian hàng khi tham quan triển lãm. Ở triển lãm lần này, khách hàng khi tham quan các gian hàng luôn bị các nhân viên giới thiệu sản phẩm làm phiền với những tờ rơi giảm giá và còn kiêm luôn cả kỹ thuật lẫn bán hàng khi tư vấn sản phẩm cho khách với mục đích bán được hàng.
Tham dự nhiều triển lãm quốc tế, Quốc Huy, biên tập viên báo Sohoa.net cho rằng, thực tế VCW năm nay quá giống hội chợ, khi triển lãm chủ yếu tập trung vào mua bán giảm giá nhiều hơn là phục vụ cho việc trải nghiệm tham quan. Điều này hoàn toàn khác xa ở các sự kiện nước ngoài khi người xem chủ yếu tham quan và trải nghiệm sản phẩm mới là chính...
Ông Nguyễn Khoa Hồng Thành, Giám đốc Emerald Digital Marketing cũng cho rằng, triển lãm VCW 2011 thực tế giống cái chợ, các doanh nghiệp tham gia bỏ tiền mở sạp, ai bỏ tiền nhiều thì được sạp lớn, vì thế nó trở thành một sân chơi của nhà tài trợ thì đúng hơn.
Thiếu chuyên nghiệp!
Việc từ một triển lãm quốc tế về CNTT lớn nhất nước, đang có nguy cơ “chết yểu” và giống hội chợ, nguyên nhân chính có thể nói là do việc tổ chức thiếu chuyên nghiệp từ ban tổ chức. Quả thật, rất khó hiểu khi Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG, một tập đoàn lớn của thế giới và hàng năm tổ chức hàng loạt các triển lãm lớn ở các nước trên thế giới, nhưng tại Việt Nam lần này họ lại tổ chức thiếu chuyên nghiệp đến vậy.
Theo anh Trần Mạnh Hiệp, quản trị diễn đàn Tinhte.vn, người đã từng tham gia nhiều cuộc triển lãm CNTT lớn ở trong và ngoài nước và tham gia gần như đều đặn VCW hàng năm, đã chỉ ra những khâu yếu kém của VCW 2011 lần này. Cụ thể, ban tổ chức đã quảng bá về triển lãm chưa tốt, tổ chức vào mùa mưa và địa điểm khó tiếp cận. Bên cạnh đó triển lãm tồn tại rất nhiều các gian hàng không liên quan đến ngành nghề và xa rời hiện tại, khi máy tính không còn là cái người dùng quan tâm, mà họ quan tâm ở đây là máy tính bảng, smartphone, các dịch vụ viễn thông như 3G, Internet... Ban tổ chức cũng không kiểm soát được âm thanh, đặc biệt là lực lượng tiếp thị của các gian hàng cũng không được kiểm soát, thay vì làm đẹp, họ trở thành lực lượng làm phiền khách hàng nhiều nhất. Ngoài ra, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tốt. “Đơn cử công ty tôi là Vimobi cũng từng tham gia vào triển lãm, nhưng về giá thì năm sau luôn cao hơn năm trước, trong khi lợi ích thì không thấy tăng“, anh Hiệp dẫn chứng.
Đồng quan điểm, đại diện một doanh nghiệp tham gia triển lãm năm ngoái, năm nay rút lui cũng cho biết, việc ban tổ chức quá tham lam khi đưa vào quá nhiều hàng hóa khác nhau tại triển lãm mà không có sự chọn lọc cũng khiến cho triển lãm ngày càng giống hội chợ hơn. Triển lãm cũng không đưa ra các quy định về việc trưng bày các sản phẩm cũng khiến cho nó ngày càng trở nên nhàm chán.
Còn theo đại diện một nhà phân phối sản phẩm Gygabyte tại Việt Nam năm ngoái còn tham gia, năm nay cũng rút lui cho biết, việc tham gia triển lãm của công ty thực sự mang lại rất ít hiệu quả. Khách tham quan thì vắng, sản phẩm trưng bày chủ yếu là mẫu mã cũ, khác xa các triển lãm quốc tế ở nước ngoài khi họ luôn trưng bày hàng mới cho khách tham quan. Không còn hiệu quả về truyền thông nên công ty quyết định rút lui.
Bài, ảnh: Lê Bình, ICTNews