Cả chục vị khách khác qua ngã tư đèn đỏ này cũng có động tác tương tự. Cô nhân viên tiếp thị cũng chỉ làm nhiệm vụ "dúi" tờ giấy đủ sắc màu xanh đỏ vào tay người qua đường. Còn người nhận sử dụng tờ giấy ấy như thế nào - chăm chú đọc, cuộn tròn lại nhét vào túi hay ném ngay xuống đường, dường như cô không quan tâm.
Mỗi sáng, công nhân môi trường vẫn làm nhiệm vụ dọn tờ rơi trên đường phố. Ảnh: P.Th. |
Chị Hạnh ở Tây Sơn, Hà Nội chứng kiến cảnh này hằng ngày khi đi làm về nhận xét: "Lãng phí mà không hiệu quả". Chị cũng thường xuyên nhận được các tờ tiếp thị quảng cáo, giới thiệu sản phẩm mỗi lần dừng xe chờ đèn đỏ. Cũng như nhiều người qua đường, chị chỉ đọc lướt rồi thả tờ rơi xuống đường trước khi hòa vào dòng người đông đúc.
Trên thực tế, tiếp thị sản phẩm, dịch vụ bằng tờ rơi khá đơn giản và ít tốn kém nhất nên nhiều doanh nghiệp lựa chọn cách thức này. Để tăng tính hiệu quả, nhiều doanh nghiệp yêu cầu nhân viên phát tờ rơi phải chọn những khu vực đông người qua lại nhất như bến xe, bến tàu, bãi đỗ xe, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại hay các ngã tư đường phố.
Thành thử cứ ở nơi nào xuất hiện kiểu quảng cáo này thì y như rằng nơi đó tràn ngập giấy rác. Bởi rất nhiều người đi đường sau khi tò mò đọc quảng cáo, thẳng tay thả luôn tờ rơi xuống chân, rồi phóng vù đi. Chưa kể, đường phố chật hẹp và bụi bặm, ai cũng muốn đi thật nhanh để đến nơi cần. Do đó, rất ít người nấn ná lại để đọc thông tin viết trên tờ rơi hoặc cầm về nhà dù rằng thông tin trên đó có quan trọng đến mấy. Bản thân nhân viên phát tờ rơi cũng vì muốn nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ mà quên mất sự khó chịu của người qua đường - cứ gặp ai là dúi vào tay người đó mẩu giấy quảng cáo mà chẳng cần biết thái độ người nhận.
Cảnh tờ rơi bị vứt tứ tung trên vỉa hè. Ảnh: Vạn Xuân. |
Chị Thu Hương - Giám đốc một công ty truyền thông ở Hà Nội nhận xét: "Nói thực, cách thức quảng cáo sản phẩm này rõ ràng là rất ít hiệu quả. Thế nhưng trong nhiều hợp đồng ký với đối tác, bạn hàng, họ vẫn luôn có cách thức quảng cáo kiểu phát tờ rơi".
Còn ông Phan Đình Sơn - Giám đốc Công ty máy tính Bảo An chứng kiến cảnh giấy rác rơi lả tả trên đoạn đường Thái Hà, Chùa Bộc chiều qua cũng vừa quyết định cho dừng in hơn 2.000 tờ rơi quảng cáo cho sản phẩm máy tính mới sẽ ra mắt vào ngày 11/3.
Ông cho biết chi phí in ấn và thiết kế cho mỗi tờ rơi trên dưới 20.000 đồng, cộng thêm chi phí nhân công, trả lương cho cộng tác viên "đứng canh" tại nơi đông người... lên tới hàng chục triệu đồng. Trong khi đó, chưa có nghiên cứu nào công bố hiệu quả mà cách thức truyền thông này mang lại. "Tôi cá chắc rằng không có chủ doanh nghiệp nào lại không suy nghĩ khi hình ảnh công ty, sản phẩm của mình in trên tờ catalogue bị vo vún, hoặc bay lả tả dưới chân người qua đường", ông nói.
Cách đây 4 năm, chính ông Sơn là người đưa ra ý tưởng quảng bá sản phẩm trong toilet với tham vọng sẽ phát triển cách thức này thành một loại hình quảng cáo. Theo ông, vào toilet ngoài mục đích vệ sinh cá nhân, khách hàng sẽ không còn việc gì khác, những biển hiệu dán trong này sẽ được họ lưu ý nhiều hơn. Do vậy, cách làm này sẽ gây ấn tượng lâu hơn so với các dạng quảng cáo khác.
Ông Nguyễn Sơn Hồng - Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông VTK - người khá am hiểu lĩnh vực marketing lại cho rằng quảng cáo sản phẩm, dịch vụ qua tờ rơi là hình thức phổ biến nhiều doanh nghiệp trong nước và trên thế giới áp dụng. Ưu điểm của loại hình quảng cáo này là đơn giản, trực tiếp và đỡ tốn kém, bất kể quy mô doanh nghiệp nào cũng làm được. Vì thế mà loại hình quảng cáo này đã tồn tại trên 100 năm nay.
Tuy nhiên, ông Hồng cho rằng người làm marketing cần lưu ý đến việc chọn thời gian địa điểm phát tờ rơi vì nếu không chủ ý đến yếu tố này, tính hiệu quả sẽ rất thấp. "Tôi cho rằng tại các ngã tư đèn đỏ, người người hối hả tham gia giao thông nến việc phát tờ rơi sẽ không được hưởng ứng. Ít ai chịu nán lại để đọc thông điệp mà bạn đưa ra", ông Hồng cho biết.
Hồng Anh
Theo VNE