Nền kinh tế bị suy thoái đã tạo đà cho sự bùng nổ của phương pháp kinh doanh crowdsourcing. Đây là một phương pháp hiệu quả, sáng tạo, sẽ vượt qua và tồn tại lâu dài sau khủng hoảng kinh tế.
Ngôi sao mới
Theo truyền thống, một công việc sẽ được giao cho một người hay một tổ chức để thực hiện. Crowdsourcing là một mô hình kinh doanh mà người khởi xướng đặt niềm tin vào quần chúng, những người có khả năng tìm ra những giải pháp cho các vấn đề một cách sáng tạo nhất.
Một số chuyên gia đã dự đoán rằng crowdsourcing sẽ là tương lai của các ngành tiếp thị, quảng cáo và thiết kế công nghiệp. Họ kết luận, hiện tượng này sẽ đẩy nhanh sự sáng tạo thông qua mạng lưới người tham gia vô cùng rộng lớn.
Trong khi đó, những người khác lại cho rằng crowdsourcing sẽ làm sụp đổ các tổ chức kinh doanh sáng tạo do áp lực giảm giá.
Gần đây, trong sự kiện CrowdSpring, LG kêu gọi cộng đồng tham gia thiết kế điện thoại di động mới của hãng với giải thưởng 20 ngàn đô la. Nếu theo cách làm cũ, LG sẽ phải trả hàng triệu đô cho một hãng thiết kế để thực hiện cùng công việc đó.
Điều này có nghĩa là gì? Liệu crowdsourcing có đang mở đầu cho sự kết thúc của các tổ chức sáng tạo? Hay liệu phương pháp này đang định hình một tương lai đổi mới to lớn hơn cho những tổ chức này nói riêng và cho tất cả các ngành kinh doanh nói chung?
Crowdsourcing là một mô hình kinh doanh mà người khởi xướng đặt niềm tin vào quần chúng, những người có khả năng tìm ra những giải pháp cho các vấn đề một cách sáng tạo nhất. (Ảnh nguồn: wordpress.com) |
Các điều kiện hiện tại của nền kinh tế thế giới yêu cầu chúng ta phải làm được nhiều hơn trong khi sử dụng ít nguồn lực hơn. Những người thất nghiệp phải tìm ra những con đường mới để kiếm tiền.
Họ có thể không tìm được những công việc ăn lương truyền thống trong lĩnh vực của mình, vì thế, crowdsourcing chính là cơ hội mới của họ. Các ví dụ điển hình gần đây cho thị trường lao động này là InnoCentive, TopCoder, uTest và CrowdSpring.
Những người tham gia có điều kiện để rèn luyện khả năng sáng tạo của họ, tham gia vào những việc mà họ thích làm và hơn hết thảy là được mọi người chú ý đến.
Các công ty sử dụng hình thức crowdsourcing vẫn phải trả tiền cho những người thắng cuộc – như InnoCentive đã phải chi đến 50 ngàn đô cho các giải thưởng – tuy nhiên, cái mà họ nhận được không chỉ là công việc được hoàn thành mà còn là sự nổi tiếng và sự tham gia của công chúng.
Nhập cuộc
Có người nói rằng một khi khủng hoảng tài chính toàn cầu chấm dứt, thị trường lao động cho crowdsourcing sẽ thu nhỏ dần vì mọi người đều quay lại làm việc như trước. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tin rằng thị trường này sẽ còn phát triển hơn nữa.
Thứ nhất, crowdsourcing cung cấp cho các công ty một phương pháp tiếp cận và khai thác đám đông hiệu quả và sáng tạo hơn.
Thứ hai, với các vấn đề ngày càng phức tạp mà chúng ta đang phải đối mặt, hợp tác đông đảo đã trở nên cần thiết. Linus Torvalds và cuộc cách mạng mã nguồn mở Linux có thể coi là sự khởi đầu cho xu hướng này.
”Tham gia và đóng góp chính là cách duy nhất để tự cứu lấy bản thân mình" (Ảnh nguồn: wordpress.com) |
Cho dù Torvalds có thể là kỹ sư trưởng của hệ điều hành Linux, nếu không có sức mạnh của cả thế giới mạng đông đảo, ông cũng không thể đạt được thành công vĩ đại như thế. Đến cuối cùng, Torvalds cũng chỉ trực tiếp viết ra khoảng 2% mã nguồn của hệ điều hành Linux.
Tương tự như vậy, cuộc khủng hoảng tài chính, mối đe dọa nóng lên của trái đất, và những vấn đề to lớn khác trong thời đại này đều đòi hỏi một cách hợp tác và phối hợp mới.
Như nhà soạn nhạc Pete Seeger vẫn thường nói: ”Tham gia và đóng góp chính là cách duy nhất để tự cứu lấy bản thân mình.”
Thứ ba, khách hàng càng ngày càng đòi hỏi được tham gia nhiều hơn vào việc tạo ra sản phẩm. Họ mong đợi được đồng sáng tạo và dẫn dắt những xu thế đổi mới.
Chính các yêu cầu ngày càng cao của họ đã bắt các công ty phải nghĩ ra những phương kế toàn vẹn để khiến cho giải pháp của họ có tính cạnh tranh cao hơn trong thời đại này. Procter & Gamble, Starbucks, Dell, Best Buy, Threadless, và Nike đều đã tạo ra các diễn đàn trực tuyến cho phép khách hàng đóng góp ý tưởng tạo ra những sản phẩm hay những thông điệp mới.
Starbucks nhận được hơn 17,000 ý kiến về sản phẩm cà phê của mình chỉ trong vòng 14 tháng đầu tiên khi diễn đàn trực tuyến mystarbucksidea.com đi vào hoạt động.
Khéo léo và tinh tế
Tất nhiên, việc quản lý tất cả những đóng góp đó một cách hiệu quả cũng đã là cả một thách thức lớn. Và khó khăn lớn nhất mà các công ty tham gia crowdsourcing phải đối mặt chính là thay đổi từ văn hóa bị động sang văn hóa chủ động.
Một mặt họ phải khuyến khích sự tham gia của đám đông, mặt khác lại phải duy trì tính thống nhất và rõ ràng trong các mục tiêu kinh doanh của mình. Ranh giới mong manh giữa hai việc này đòi hỏi các công ty phải ứng biến một cách khéo léo và tinh tế.
Một cuộc đối thoại chỉ tốt khi đó là cuộc đối thoại hai chiều, và mọi công ty đều phải phát triển một chiến lược thích đáng để duy trì tốt cuộc đối thoại đó.
Điều thú vị nhất là các hình thức biên tập xã hội đang được khởi xướng sẽ cho phép các khách hàng, chuyên gia, và những người bảo vệ thương hiệu đánh giá và sắp xếp các ý tưởng của cộng đồng trong khi vẫn giữ vững được định hướng chiến lược của mình. Ngay lúc này, điều quan trọng nhất chỉ còn là xắn tay áo lên và vào cuộc.
Một thách thức khác đối với bất cứ ai muốn tham gia vào thị trường lao động đám đông này là làm thế nào để trả công xứng đáng cho các ý tưởng được đưa ra.
Ngay lúc này, điều quan trọng nhất chỉ còn là xắn tay áo lên và vào cuộc. (Ảnh: mediafuturist.com) |
Trong khi crowdsourcing có thể tạo ra một môi trường cạnh tranh năng động cho cộng đồng thì nó cũng gây ra nguy cơ mất việc hoặc giảm thu nhập đối với những người làm việc trong các ngành quảng cáo, thiết kế đồ họa và thiết kế công nghiệp.
Đây chính là vấn đề nan giải nhất. Và cũng chính là đại diện cho một khó khăn lớn hơn nữa đang đe dọa các ngành công nghiệp khác như báo chí và nhiếp ảnh. Cho đến nay, vẫn chưa có ai nghĩ ra được một giải pháp toàn vẹn cho vấn đề này.
Trong khi crowdsourcing vẫn đang trên đà phát triển, câu hỏi lớn nhất đặt ra là nó sẽ tác động rõ rệt thế nào đến các doanh nghiệp. Một điều không thể phủ nhận là crowdsourcing sẽ thúc đẩy mạnh mẽ những thay đổi cơ bản trong các mô hình kinh doanh và trong các hệ thống kinh doanh.
Trong khi đó, các tổ chức sáng tạo sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn. Liệu họ có thể thức tỉnh, đứng dậy và phản ứng lại với những gì đang xảy ra, kết hợp với (hay chống lại?) đám đông để giành lại chỗ đứng cho mình trong hiện thực mới?
Vân Anh
Theo Tuần Việt Nam