Cha mẹ ngày nay quá tất bật với chuyện cơm áo gạo tiền, đôi khi ít dành thời gian cho trẻ, họ để con mình ngồi yên bằng cách mở màn hình vô tuyến.

Và dĩ nhiên, màu sắc hấp dẫn, âm thanh sống động, hình ảnh mới lạ và phù hợp với lứa tuổi của hàng trăm hàng ngàn quảng cáo trên truyền hình sẽ hấp dẫn chúng. Quảng cáo trên truyền hình(TVC) vốn luôn là phương tiện hiệu quả nhất giúp truyền tải thông điệp của sản phẩm và nhà sản xuất đến với khách hàng một cách nhanh chóng và ngắn gọn.Vậy với sự phát triển của TVC thời nay, nó tác động như thế nào đối với những "thượng đế nhí" và tại sao các tổ chức, thương hiệu lại chọn đối tượng này?

Trẻ em bị cám dỗ vì điều gì ?

Trẻ con lên hai đã bắt đầu xem TV. Nếu trung bình mỗi ngày xem 1 chương trình thiếu nhi dài 30 phút thì tính đến lúc 5 tuổi, chúng đã xem được khoảng 5.500 mục quảng cáo trên TV (Theo VTC News ). Âm thanh dễ nghe dễ nhớ và sôi động, nhân vật hư cấu với màu sắc nổi bật khiến trẻ rất dễ thích ứng và tò mò, bắt chước một cách thích thú.

Một quảng cáo thu hút được hầu như tất cả trẻ em và cả hàng triệu bà mẹ - quảng cáo sữa Vinamilk 100% nguyên chất. Hình ảnh những chú bò sữa lắc lư theo nhạc cộng với lời nhạc dễ nhớ, ấn tượng. Thời gian TVC được tung ra đi đâu người ta cũng nghe trẻ em, thanh niên và cả người lớn hát nghêu ngao "trăm phầm trăm, trăm phần trăm sữa tươi nguyên chất trăm phần trăm"

Đó là ví dụ cho thấy sáng tạo dễ đi vào lòng người, đặc biệt là trẻ em của Vinamilk. Những quảng cáo về sau của Vinamilk luôn biết tận dụng những điểm hấp dẫn đó và được đánh giá là những quảng cáo sữa tươi hay nhất.

Hình thành thói quen với thương hiệu

Trẻ em chính là những khách hàng tiềm năng trong tương lai. "Marketing thương hiệu phải được tiến hành ngay cả với trẻ nhỏ, kể cả khi chúng không thể mua sản phẩm lúc ấy hay trong nhiều năm sau đó. Tuy nhiên, nó tất yếu sẽ ảnh hưởng tới sự lựa chọn của chúng khi trưởng thành" (theo James McNeal - chuyên gia trong lĩnh vực marketing cho trẻ nhỏ).

Quảng cáo truyền hình thông qua hình tượng sáng tạo của bản thân đã xây dựng nên sự nhận thức hiện thực cho chính đối tượng khách hàng tiềm năng từ khi còn bé. Từ đó ảnh hưởng đến khái niệm và nền văn hóa trong tiêu dùng. Họ "gieo" hình ảnh thương hiệu vào tâm trí của trẻ với hy vọng những đứa trẻ này khi lớn lên sẽ trở thành khách hàng trung thành với thương hiệu của họ vì trẻ em ghi nhớ hình ảnh cực kì tốt và tiếp nhận mọi thứ.

Chúng ta từ khi còn bé đều biết đến hai loại bột giặt Tide và Omo nhờ những quảng cáo truyền hình từ xưa hay xem. Thị trường ngày nay có quá nhiều sự chọn lựa, nhưng có vẻ như Omo và Tide đã thành công khi hình thành văn hóa tiêu dùng trong mỗi chúng ta, đến mức khiến chúng ta ít ngó ngàng đến những thương hiệu mới ngày nay.

Đến nay OMO luôn trung thành với hướng đi là khuyến khích mọi người, đặc biệt là các em nhỏ thỏa sức khám phá, thể hiện sự sáng tạo và đam mê của mình qua những hoạt động ngoài trời mà không sợ bẩn " Bẩn đã có Omo" nhưng đặc biệt luôn gắn chặt với tình cảm gia đình và đã tạo dựng được thói quen trong nhiều thế hệ.

Tương tự đối với những thương hiệu khác, những nhà làm marketing đều hiểu rõ điều này. Những thương hiệu lớn hiện nay như Nike, Calvin Klein, Tommy Hilfiger... sở dĩ thành công được là nhờ tầm nhìn xa của mình.

Đòi hỏi là đặc quyền của trẻ

Những nhà quảng cáo trên truyền hình hiểu rõ sức ảnh hưởng to lớn của trẻ em trong việc tiêu thụ sản phẩm thông qua việc gây ảnh hưởng tới quyết định mua của cha mẹ.

"Chiếm được trái tim chúng sẽ chiếm được hầu bao của cha mẹ chúng". Câu nói này đặc biệt đúng vì trẻ em có đặc quyền đòi hỏi. Cha mẹ sẽ gặp rất nhiều phiền toái nếu không đáp ứng nhu cầu của con mình. Hàng ngày hàng giờ chúng sẽ đòi hỏi, nài nỉ hay đưa yêu sách cho tới khi cha mẹ chúng mau cho chúng món hàng chúng chọn, có thể sẽ quên đi một lúc nào đó nhưng chỉ cần nghe nhạc hay xem được quảng cáo về món hàng đó thì quý phụ huynh lại không thể kháng cự sức nài nỉ dai dẳng của trẻ.

Những người làm marketing tìm hiểu sâu sắc và thấu hiểu được tâm lý của trẻ, họ xây dựng cho thương hiệu mình những quảng cáo đánh đúng tâm lý của chúng : mong muốn, sở thích và hình thức hấp dẫn. Cha mẹ không đáp ứng được quá nhiều về thời gian bên cạnh con mình nên khó có thể hiểu được hết suy nghĩ và những gì chúng cảm thấy quan trọng, nên họ cũng coi việc đáp ứng những đòi hỏi của con là một cách thương, cách quan tâm và làm thỏa mãn con cái mình.

Với những phân tích trên về sự thu hút của TVC, hiểu được tầm ảnh hưởng của trẻ em với quyết định mua sắm của cha mẹ cũng như xây dựng lòng tin thương hiệu cho khách hàng tiềm năng, các nhà quảng cáo vẫn luôn sáng tạo và dành sự chăm sóc đặc biệt cho những "thượng đế nhí" này.

Kim Phượng

Theo marketervietnam

Pin It
Theodore Levitt

"Không có cái ngành kinh doanh nào gọi là ngành dịch vụ cả. Chỉ có những ngành mà phần dịch vụ đóng góp nhiều hơn hay kém hơn các ngành khác. Mọi người đều làm dịch vụ"

User Menu