Sức tiêu thụ thuốc lá trong nước giảm buộc Mỹ phải đẩy mạnh ra thị trường bên ngoài nước bằng những chiến dịch quảng cáo qui mô.
Nhưng điều đáng lo ngại nhất là giữa đám đông khán giả bị mê muội bởi các thủ thuật "siêu quảng cáo" còn có lớp trẻ ngây thơ bị rủ rê đến với nicotine ngày một nhiều.
"Độc chiêu" quảng cáo
Từ Đức qua Argentina, từ Malaysia tới Trung Quốc, biển hiệu của các hãng thuốc lá Mỹ nổi tiếng nhất luôn đầy rẫy ngoài đường.
Có ba cô gái xinh đẹp trong những chiếc mini-jupe thời thượng đi tới một chiếc xe hơi đang đậu ở đại lộ trung tâm Dresden (Đức) đề nghị đổi một gói Lucky Strike lấy những vỏ bao thuốc rỗng do người Đức sản xuất. Cùng với bao thuốc mới là tờ bướm loè loẹt ghi" "Bạn vừa được cung cấp một phần của nước Mỹ đấy! Lucky Strike là một sản phẩm lâu đời và độc đáo nhất".
Hay chiếc xe jeep Camel sơn màu vàng tươi dừng cạnh cổng một trường trung học ở Buenos Aires (Argentina). Tài xế là một quí cô xinh đẹp trong bộ đồng phục cũng màu vàng, tươi cười bước xuống và phân phát thuốc lá miễn phí cho đám học sinh độ 15-17 tuổi trong giờ ra chơi.
Còn tại một khu trò chơi ở Đài Bắc (Đài Loan), trên kệ máy là những bao thuốc lá Mỹ đủ kiểu vứt lăn lóc, tha hồ hút miễn phí. "Khi người ta đã có nhã ý mời tế nhị như vậy, cớ sao em lại không hút thử kia chứ?"- buộc tóc kiểu đuôi ngựa, vừa nói vừa bóc gói Marlboro ra.
Một chương trình hút thuốc miễn phí tại Indonesia.
Tờ nguyệt san Reader's Digest của Mỹ vừa mở cuộc thăm dò tại 20 quốc gia thuộc cả 5 châu lục, với kết quả thật đáng báo động là hàng triệu trẻ em đang tập tành hút thuốc do ảnh hưởng từ những kiểu quảng cáo của các hãng thuốc lá Mỹ. Tại nhiều nước, các hãng đã tránh né được điều luật cấm quảng cáo thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng, bằng cách cho chiếu những đoạn phim có "màu – biểu tượng" như đỏ-trắng của Marlboro, vàng của Camel, trắng-xanh của Salem v.v... hoặc các sản phẩm tiêu dùng mang chính nhãn hiệu của thuốc lá như ghim cravat, đồng hồ, mỹ phẩm, quần áo, kính mát...
Một đoạn quảng cáo thuốc lá vào "giờ vàng" trên truyền hình của Nhật.
Rõ ràng là những hành động của họ đã mặc nhiên coi thường sức khỏe của con người và nhất là thế hệ trẻ. Nhưng điều "gây sốc" kinh ngạc nhất từ các cuộc thăm dò, đó là hiện tượng con trẻ đua nhau rít thuốc "cho giống người Mỹ"(?!). Đây lại là một nghịch lý nữa mà các hãng sản xuất cố tình bịa ra. Sự thực là sức tiêu thụ thuốc lá trên thị trường Mỹ liên tục giảm trong hơn thập niên qua, và bất chấp những lời dự đoán rằng tới cuối thập niên 2010 này, trung bình 7,3 công dân Mỹ thì chỉ còn chưa đầy 1 người hút thuốc; nhưng việc bán thuốc lá Mỹ ra thị trường thế giới lại tăng lên gấp 3 lần trong vòng 10 năm trở lại đây.
"Mọi người Mỹ đều hút thuốc lá!"
Song song là những người nghiện thuốc tại các nước đang phát triển luôn tăng với "nhịp độ" 2%/năm. Điều đáng lo ngại nhất là việc hút thuốc trong giới trẻ đã tăng tới mức chóng mặt. Ở Philippines có tới 22,7% trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi nghiện thuốc lá. Tại nhiều thành phố thuộc châu Mỹ Latinh 50% thiếu niên biết hút thuốc. Còn ở Hồng Kông (Trung Quốc), mọi đứa trẻ trước khi tròn 7 tuổi đều ít nhất một lần từng "tập thử" rít thuốc.
"Những ấn tượng của ngành công nghiệp thuốc lá phát triển không ngừng. Chúng ta luôn có những khách hàng mới, cũng như các thị phần mới trên thế giới", giới cổ đông của Philip Morris International (PMI), một đại công ty sừng sỏ niêm yết trên thị trường chứng khoán New York quy tụ phân nửa thương hiệu thuốc lá hàng đầu hành tinh, cho biết trong bản báo cáo thường niên tổng kết năm 2013. "Viễn tưởng của sự phát triển với các kế hoạch mang tính chất quốc tế chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay – Daan Delen, Giám đốc điều hành của Hãng Reynolds Tobacco Company (RTC), phát biểu tại Hội nghị quốc tế về thuốc lá được tổ chức ở Rolesville (tiểu bang North Carolina, Mỹ) vào cuối năm ngoái – Tất cả chúng ta đều đang sản xuất và buôn bán loại mặt hàng tuyệt vời, mà gần 2 tỉ người trên hành tinh này buộc phải tiêu thụ đều đặn mỗi ngày".
Tuy doanh số về tiếp thị của các công ty thuốc lá Mỹ hàng đầu luôn được giấu kín, nhưng chỉ riêng tại thị trường Mỹ các chuyên gia ước tính, có khoảng 4 tỉ USD mỗi năm đã được chi ra riêng cho công tác quảng bá và marketing. Bất chấp việc các hãng hàng đầu luôn tự bào chữa, rằng việc quảng cáo của họ chỉ nhằm "lôi cuốn những ai đã nghiện thuốc rồi"(!), một cựu nhân viên thuộc Công ty PMI đã lên tiếng cực lực phản bác lại: "Người ta không cần phải là một chuyên viên phẫu thuật thần kinh, để hiểu được những gì diễn ra trong đầu mình. Đơn giản hơn cứ nhìn vào quảng cáo mà xem, thật nực cười khi ai đó phủ nhận một "người hùng" đơn độc tồn tại giữa rừng sâu như của Camel, hay chàng cao bồi bên con ngựa "sung sức" của Marlboro lại không cuốn hút trẻ em?!".
Môt thương nhân bán cá tận Bắc Phi được Malboro tài trợ dù che.
Việc quảng cáo thuốc lá bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ không nằm ngoài khuôn khổ quảng bá "lối sống Mỹ". Quả đúng vậy, các video clip "đa sắc giữa không gian đa chiều" được người ta chấp nhận như là một cách để hiểu biết thêm về bản thân nước Mỹ. Nhật báo The Courier của Mỹ vừa cho đăng bức thư của một sinh viên từ Trường trung cấp Kế toán Thượng Hải (Trung Quốc) gửi đến. Bức thư có đoạn: "Ngày nào chúng tôi cũng rủ nhau đón nghe chương trình ca nhạc phát thanh thuộc tiêu đề "Marlboro". Chúng tôi cuồng nhiệt cùng Elvis Presley và Michael Jackson. Chúng tôi hút thuốc lá Mỹ và chỉ mặc quần áo mang nhãn hiệu Mỹ. Chúng tôi luôn bị thiêu đốt bởi niềm mong ước được cập nhật thêm những thông tin mới nhất về lối sống Mỹ".
Còn đây là lời "tâm sự" của Francisco Cueman, một thiếu niên Chile 16 tuổi: "Em cảm thấy mình "có giá" hơn nhiều, khi hút Lucky, bởi đây là loại thuốc đắt tiền phần nào thể hiện đẳng cấp "thượng lưu" của mình. Đấy mới thực là "Mỹ xịn 100%"(!).
Hoàng Mã Trung, 13 tuổi ở Đài Bắc thổ lộ: "Cháu khoái nhất Paramount. Nhưng lớn thêm chút nữa, nhất định cháu sẽ chuyển qua Marlboro. Đó là thứ thuốc khẳng định sự trưởng thành, đầy nam tính của đàn ông"(?!). Nếu như bạn nghe bọn trẻ ở khắp nơi trên thế giới trò chuyện với nhau, thì bạn sẽ thấy là chúng luôn tin rằng: "Mọi người Mỹ đều hút thuốc lá!".
Còn sự thật Mỹ là một trong những quốc gia có tỉ lệ người nghiện thuốc lá thấp nhất hành tinh. Nhưng kỹ nghệ thuốc lá Mỹ lại đứng đầu thế giới, sức xuất khẩu của thuốc lá đã vượt mọi mặt hàng truyền thống khác như sắt thép, ôtô, nông sản... Người ta đang xúc tiến xây thêm nhiều liên hiệp sản xuất thuốc lá khổng lồ cả bên trong lẫn bên ngoài nước Mỹ, cuối "đường hầm" là Trung Quốc với hơn 300 triệu người nghiện thuốc – chiếm 30% thị phần thuốc lá của cả hành tinh.
Kết
Mượn lời của bác sĩ nổi tiếng người Argentina Ferreira Nunes, đương kim Phó chủ tịch WHO từng phẫn nộ trên một diễn đàn quốc tế do Liên Hiệp Quốc tổ chức gần đây: "Các hãng sản xuất thuốc lá của người Mỹ thừa hiểu rằng sản phẩm của họ sớm muộn gì cũng đem đến cái chết cho con người. Nhưng bất chấp điều đó, người ta còn đang tâm quảng cáo cả thuốc lá với trẻ em nữa, tỉ như các thanh kẹo nhái theo hình dáng và mẫu mã hệt như một điếu thuốc là một ví dụ điển hình. Chẳng nhẽ các chủ nhân của những công ty sản xuất nicotine ấy không có con cái hay sao?
Theo The Independent/Doanhnhanvang.com